Ô nhiễm ở “làng chì” Đông Mai: Bộ TN-MT chỉ đạo việc cần làm ngay

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên xây dựng kế hoạch đánh giá cụ thể, khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý tại làng nghề tái chế chì Đông Mai để lựa chọn phương pháp xử lý đảm bảo kỹ thuật môi trường.

Thu truong Vo Tuan Nhan.jpg

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thị sát tại "làng chì" Đông Mai đang bị ô nhiễm khá nặng (Ảnh: K.T)

 

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cùng Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài vừa tới kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại làng nghề tái chế chì Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên.

Thôn Đông Mai được biết đến với nghề tái chế chì từ ắc quy cũ hàng chục năm nay. Hiện nay có khoảng 90% hộ gia đình trong thôn kiếm sống bằng nghề này.

Việc tái chế chì được người dân thực hiện ngay trong khu dân cư: Pin và bình ắc quy sau khi thu gom về được phá dỡ lấy các tấm chì, rồi đưa vào nung bằng phương pháp thủ công để loại bỏ tạp chất rồi đúc thành thỏi, bán cho các cơ sở mạ kẽm, sản xuất ắc quy tại nhiều địa phương khác.

Chính vì thế, nguồn không khí, đất và nước ngầm của thôn Đông Mai bị ô nhiễm nặng gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của người dân.

Theo Tổng cục Môi trường, vài chục năm qua, làng nghề tái chế chì Đông Mai nằm trong danh mục làng nghề ô nhiễm chì tồn lưu (thuộc diện làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng).

Nhiều bãi nguyên liệu được tập kết ngay trong khu dân cư, nơi đập phá ắc quy cũng ở trong khu dân cư; khói bụi chì thoát ra từ đây rơi vào vườn, vào nhà, các rãnh nước trong thôn. Những giếng nước, ao làng bị ngấm chì. Ước tính, khu vực ô nhiễm tại các hộ dân là gần 4.000m2; có điểm hàm lượng chì vượt QCVN đến hơn 1.000 lần.

Trước đây Công ty Blackmisth (Mỹ) đã hỗ trợ xử lý, tiến hành thử nghiệm tại 21 hộ gia đình và đến nay đo lại vẫn an toàn. Quá trình khảo sát, xử lý từ năm 2012 cho thấy, càng đào sâu xuống thì mức độ ô nhiễm càng cao, nên việc di dời đất ô nhiễm đến nơi khác để xử lý tốn nhiều triệu USD và không hợp lý.

Thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục xử lý cải tạo môi trường góp phần xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm chì tồn lưu mà xã hội và Chính phủ quan tâm.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường phải phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên xây dựng kế hoạch đánh giá cụ thể, khối lượng đất ô nhiễm cần xử lý, lựa chọn phương pháp xử lý đảm bảo kỹ thuật môi trường.

Trước mắt, Tổng Cục Môi trường phải đi khảo sát thực tế đánh giá chính xác khối lượng, diện tích, mức độ ô nhiễm. Nếu khảo sát cho thấy, ở độ sâu lớn mà vẫn ô nhiễm chì thì mới dùng đến phương pháp cô lập và việc này phải làm ngay trong năm 2019.

Thế Kha