Hà Nam:

Ô nhiễm môi trường ở khu chợ lợn lớn nhất miền Bắc

(Dân trí) - Chợ lợn nằm trên đường ĐH01, xã An Nội, huyện Bình Lục, Hà Nam được xem là lớn nhất miền Bắc. Người dân nơi đây “phất” lên nhờ việc buôn bán lợn nhưng cũng... khổ vì lợn.

Kinh tế phát triển, ô nhiễm gia tăng

Tại thôn An Nội, xã An Nội, từ 13 giờ hàng ngày, các xe chở lợn bắt đầu tập trung chuẩn bị cho những chuyến hàng tỏa đi các nơi. Một tài xế cho biết: “Chúng tôi ở xa muốn kiếm được chỗ tốt phải đến sớm mới được giao hàng sớm”.

Ô nhiễm môi trường ở khu chợ lợn lớn nhất miền Bắc    - 1
Công tác xử lý môi trường ở đây chưa được các cơ quan chức năng quan tâm.

Một giờ đồng hồ sau, chợ trở nên ồn ào, tấp nập với các loại phương tiện: ô tô, xe máy, xe 3 gác, xe lam… đến mua và phân phối lợn đi các lò mổ ở các tỉnh lân cận. Trung bình mỗi ngày tại đây tập trung trên 30 xe tải, lúc cao điểm con số này có thể tăng đến trên 40 chiếc, mỗi xe có tải trọng từ 5 tạ đến 1 tấn (chứa từ 20 - 30 con lợn).

Tại đây, lợn được đưa vào các khu chuồng, tắm qua. Nước thải này xả thẳng xuống mương cạnh cánh đồng lúa. Lượng rác thải, nước thải hàng ngày người dân nơi đây phải gánh tỷ lệ thuận với số lượng hàng họ nhập về rồi bán đi. Trời nắng mùi hôi thối từ mương nước bốc lên nồng nặc, trời mưa chất thải sủi bọt đóng váng và “chu du” khắp nơi.

Một người dân sống gần khu vực Cầu Gừng bức xúc: “Chúng tôi ở cách đấy gần cây số mà vẫn thấy mùi hôi lắm, nước sông về mùa này còn đỡ chứ về mùa cạn thì bốc mùi kinh khủng, giếng ăn thì phải khoan sâu đến hàng mấy chục mét vẫn không cải thiện được là bao”.

Ô nhiễm môi trường ở khu chợ lợn lớn nhất miền Bắc    - 2
Hệ thống “xử lý” nước thải khu chợ lợn chỉ là một mương nước đã đổi màu.

Ô nhiễm môi trường ở khu chợ lợn lớn nhất miền Bắc    - 3
Nguồn nước ở đây ô nhiễm nghiêm trọng.

Khu chợ này hình thành từ năm 2002, từ đó kéo theo một loạt các dịch vụ ăn theo như: tắm lợn, rửa xe, các hàng nước, quán ăn... bất chấp mùi hôi thối nồng nặc. Xen lẫn giữa chợ lợn là các hàng nước giải khát, hàng ăn phục vụ người mua kẻ bán.

Ông Trần Xuân Vượng - Chủ tịch UBND xã An Nội - cho biết: “Việc họp chợ lợn ở thôn 5 là có thật, tuy nhiên tình trạng gây mất trật tự giao thông cũng như vấn đề ô nhiễm môi trường đang là mối băn khoăn của chính quyền địa phương...”.

Ô nhiễm môi trường ở khu chợ lợn lớn nhất miền Bắc    - 4
Lâu nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ở đây đã không được quan tâm.

Theo ông Trịnh Văn Tuyến - Bí thư Đảng bộ xã An Nội, huyện Bình Lục thì mỗi ngày khu chợ lợn họp từ 1h đến 5h chiều, có thể nhập và xuất đến hàng nghìn con lợn thịt ngay trong ngày… Đây là đầu mối cung ứng nguồn nguyên liệu cho lò mổ ở các tỉnh thành như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình… và là khu chợ trung chuyển lợn thịt lớn ở phía Bắc. Nhưng do chưa được quy hoạch và đưa vào quản lý nên công tác vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn giao thông vẫn đang là vấn nạn tại đây.

Bao giờ hết ô nhiễm?

Để đưa khu chợ vào quản lý và khai thác một cách có hiệu quả, từ năm 2009, chính quyền địa phương đã lập kế hoạch đệ trình lên UBND huyện Bình Lục và cấp có thẩm quyền xin cho xây khu chợ. Gần đây nhất là vào ngày 4/8/2010, UBND xã An Nội đã có tờ trình số28/TTr- UBND về việc xin mở chợ đầu mối kinh doanh gia súc, gia cầm xã An Nội. Trong đó có nội dung hiện nay trên tuyến đường ĐH01 thuộc xã An Nội, người dân thường xuyên họp chợ buôn bán, giao dịch gia súc, gia cầm để cung cấp cho một số tỉnh miền Bắc.

Việc buôn bán này diễn ra hàng ngày đã gây ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, gây mất trật tự an ninh khu vực thuộc xã An Nội. Để việc tập kết gia súc, gia cầm của nhân dân trong xã và các vùng lân cận được nhanh chóng, thuận tiện đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn giao thông trên tuyến ĐH01, UBND xã An Nội xin được xây dựng chợ đầu mối gia súc, gia cầm tại thửa đất số 4 - 5 tờ bản đồ số 30 với tổng diện tích 5000m2…

Ô nhiễm môi trường ở khu chợ lợn lớn nhất miền Bắc    - 5
Nhiều chỗ mương nước bị đóng váng đặc quánh.

Tuy nhiên, theo sự trình bày của lãnh đạo địa phương nơi đây thì sau nhiều lần chỉnh sửa mở rộng khu chợ lên 10.000m2, để có chỗ giành cho công tác xử lý môi trường và vị trí để xe trong chợ nên đến nay vẫn còn phải đợi phê duyệt. Theo đó mà sự việc trên đến nay cũng chỉ dừng lại trên giấy, gây bức xúc từ nhiều năm nay.

Hoàng Giáp - Duy Tuyên