Khánh Hòa:

Ồ ạt phá rừng trên các đảo ở Bắc Vân Phong khi khu vực sắp thành đặc khu kinh tế

(Dân trí) - Chiều 16/4, ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) cho biết, huyện này đang tăng cường lực lượng tuần tra, ngăn chặn tình trạng phá rừng trái phép trên các đảo thuộc Vịnh Vân Phong trước thông tin huyện này sắp được lập đặc khu.

Theo báo cáo số 112 của UBND huyện Vạn Ninh, trước đó, vào đầu tháng 3 năm nay, trên các hòn đảo nhỏ thuộc địa bàn xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh) xảy ra tình trạng người dân tự ý vào rừng phát dọn cây để chiếm đất.

Trước thực trạng phức tạp kể trên, UBND huyện Vạn Ninh đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm 17 thành viên (kiểm lâm, công an, biên phòng, quân sự, TN&MT, kinh tế và xã Vạn Thạnh) để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý các trường hợp phá rừng.

Cụ thể, tổ công tác liên ngành huyện Vạn Ninh đã kiểm tra hơn 20 lượt, phát hiện 8 khu vực bị chặt phá với khoảng 14 ha đất ngoài lâm nghiệp. Trong đó, tập trung ở khu vực thôn Vĩnh Yên, Đầm Môn và một số hòn đảo nhỏ như Hòn Trì, Cổ Cò, Hòn Đỏ, Hòn Gà, Hòn Kê, Hòn Nhọn… Tính đến giữa tháng 4, cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 6 trường hợp tại xã Vạn Thạnh.

Theo UBND huyện Vạn Ninh, trước thông tin huyện này sắp trở thành Đặc khu Hành chính - Kinh tế Bắc Vân Phong nên các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã và đang giao dịch nhận chuyển nhượng, chuyển nhượng đất trên địa bàn tương đối nhiều đã đẩy giá đất tăng đột biến.

Dù chưa lên đặc khu nhưng nhiều hòn đảo nhỏ trên Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) bị người dân đổ vào rừng phá, đốt cây để chiếm đất
Dù chưa lên đặc khu nhưng nhiều hòn đảo nhỏ trên Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa) bị người dân đổ vào rừng phá, đốt cây để chiếm đất

“Qua thực tế theo dõi, quản lý việc giá đất tăng đột biến chỉ có bên chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng biết, sau đó thông tin ra bên ngoài và trao đổi trực tiếp, bên lề nhưng khi lập thủ tục chuyển nhượng chính thức thì giá đất trong hợp đồng chuyển nhượng bằng giá đất trong bảng giá đất của tỉnh hoặc có cao hơn nhưng chênh lệch không lớn nên không phản ánh được giá đất trên thị trường hiện nay”, báo cáo từ UBND huyện Vạn Ninh cho hay.

Trong 3 tháng đầu năm nay, toàn huyện Vạn Ninh đã tiếp nhận và giải quyết hơn 2.200 hồ sơ đất đai, bằng 65,3% tổng số hồ sơ cả năm 2017. Qua kiểm tra, giao dịch chuyển nhượng chủ yếu là đất tại khu vực xã Vạn Hưng, Vạn Thắng, Vạn Thọ và Vạn Khánh (huyện Vạn Ninh).

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh cùng đoàn công tác đã có chuyến thị sát “đặc khu tương lai” Bắc Vân Phong vào giữa tháng 4.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Vạn Ninh, Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa - ông Lê Đức Vinh đã chỉ đạo địa phương cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về lĩnh vực đất đai, xây dựng cho người dân; niêm yết, công khai quy hoạch thành lập Đơn vị Hành chính - Kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong; tổ chức kiểm tra tình hình thực tế và xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích; tổ chức thanh tra và chấn chỉnh công tác quản lý đất đai tại một số xã có nhiều trường hợp vi phạm; kiểm soát vấn đề chuyển nhượng bất động sản…

Được biết, huyện Vạn Ninh nằm ở phía bắc tỉnh Khánh Hòa, giáp với tỉnh Phú Yên. Diện tích toàn huyện khoảng 111.000 ha, trong đó, mặt đất khoảng 56.000ha, mặt nước 55.000ha, diện tích đất có thể xây dựng là 20.000ha. Số đơn vị hành chính là 12 xã, 1 thị trấn, với dân số hơn 131.000 người.

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, Bắc Vân Phong là một trong những vịnh tự nhiên được đánh giá tốt nhất vùng Đông Á. Là điểm hội tụ của các cảng biển khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Từ Vịnh Vân Phong vượt Thái Bình Dương là ngắn nhất và thuận lợi hơn so với nhiều quốc gia khác. Vịnh Vân Phong có diện tích lớn, độ sâu trung bình từ 20-27m, tương đối kín và chắn gió tốt.

Nói về đánh giá của chuyên gia nước ngoài, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, vị trí khu vực Bắc Vân Phong còn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia lớn như Mỹ, Châu Âu, UAE, quần đảo Cayman… tổ chức khảo sát và đánh giá cao khả năng hội đủ các điều kiện lý tưởng về địa lý để xây dựng, phát triển thành một Đặc khu Hành chính - Kinh tế.

Viết Hảo