Nước sạch sẽ là tài nguyên quý không kém dầu mỏ

(Dân trí) - Sáng 21/3, tại Cần Thơ diễn ra lễ mít tinh ngày Nước thế giới. Tham dự lễ có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các chuyên gia đến từ 51 thành viên Diễn đàn ASEM, đại diện của các tổ chức Liên Hợp Quốc...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ mít tinh ngày nước Thế giới năm 2013

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ mít tinh ngày nước Thế giới năm 2013
 
Nước là một phần tất yếu của cuộc sống, là tư liệu quan trọng hàng đầu của nhiều hoạt động sản xuất. Mặc dù là nguồn tài nguyên có thể tái tạo nhưng tài nguyên nước không phải là vô hạn. Các hoạt động khai thác sử dụng nước quá mức và không hợp lý, vượt quá khả năng tự tái tạo và tự phục hồi của nguồn nước dẫn đến tình trạng thiếu nước, ô nhiễm nguồn nước, xâm nhập mặn ngày càng trầm trọng...
 
Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc về Các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2012, vẫn còn khoảng 11% dân số thế giới, tương đương khoảng 780 triệu người không tiếp cận được với nguồn nước sạch. Cùng với những diễn biến bất thường của thiên tai do biến đổi khí hậu với quy mô và cường độ ngày càng gia tăng đang góp phần làm cho nguồn nước ngày càng trở nên suy thoái và cạn kiệt.
 
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Nước sạch được dự báo sẽ sớm trở thành một tài nguyên quý giá không kém dầu mỏ trong thế kỷ trước và không thể thay thế được; nước đã trở thành nguồn tài nguyên chiến lược và đang là chủ đề đặc biệt quan trọng tại nhiều diễn đàn quốc tế. Những căng thẳng về nguồn nước đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp, nhất là trong bối cảnh các quốc gia đẩy mạnh sử dụng nước cho phát triển kinh tế của riêng mình.

Cũng theo Thủ tướng, chủ đề của ngày nước thế giới năm nay Hợp tác vì nước để tạo ra những lợi ích kinh tế. Hợp tác vì nước nhằm duy trì và cải thiện nguồn nước, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Hợp tác vì nước để xây dựng hòa bình khu vực và thế giới, giúp các nhóm, các cộng đồng và các quốc gia vượt qua những khác biệt về văn hóa, chính trị, xã hội cùng nhau xây dựng niềm tin. Thủ tướng cũng kêu gọi các quốc gia phía thượng lưu hãy hợp tác và cùng chia sẻ với Việt Nam để các dòng sông liên quốc gia trở thành dòng sông hòa bình và mang lại sự thịnh vượng cho tất cả các nước trong lưu vực.

Tại buổi lễ, ông Ban Ki-Moon Tổng thư ký Liên hiệp Quốc phát biểu, 1/3 dân số của thế giới đang sinh sống tại các nước mà hiện nay đã ở vào tình trạng căng thẳng về nước từ mức trung bình đến mức cao. Hãy tăng cường các quyền về nước, giảm lãng phí về nước và xây dựng các chính sách sáng suốt để tất cả người dùng có được sự chia sẻ công bằng.  

Phạm Tâm