1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nước mắt Phương Viên

(Dân trí) - Những tiếng khóc ai oán cất lên từ một gia đình người Tày ở thôn Pá Kéo xã Phương Viên (Chợ Đồn - Bắc Kạn) trong buổi chiều ngột ngạt mùi gia súc chết càng khiến cho cảnh vật thêm tiêu điều hoang lương. Nếu tính cả một mầm sống ba tháng tuổi thì cơn lũ tàn ác ngày 17/7 đã cướp đi bốn mạng người cùng một gia đình.

Ngôi nhà định mệnh

 

Chúng tôi quay lại huyện Chợ Đồn ngay sau khi bão tan, mưa tạnh. Trời đã trong xanh trở lại. Ánh nắng chói chang và những cụm mây trắng báo hiệu rằng trời sẽ không mưa nữa, cũng chẳng thể xua đi vẻ u buồn ảm đạm khắp nơi. Trải qua trận đại hồng thuỷ, đâu đâu cũng thấy hiện ra cảnh hoang tàn xơ xác. Tre bật gốc cả bụi, ruộng lúa ngả rạp, nương ngô trơ trụi tiêu điều. Cánh đồng ngập đầy những rác rưởi, không có dấu hiệu của sự sống. Con sông Cầu vẫn chưa thoả cơn cuồng nộ, chưa thôi hết gầm réo, đục ngầu giận dữ. Người ta nói rằng phải ít nhất một tuần nữa, nước sông mới trong, mới yên bình hiền hoà trở lại.

 

Mặc dù trời đã hết mưa nhưng tỉnh lộ 257 dẫn vào Chợ Đồn vẫn còn nguyên dấu vết của trận lũ. Đâu đâu cũng thấy bùn đất đổ xuống lòng đường nhão nhoét. Vừa đi, vừa lội qua sình lầy, thuê đẩy xe… chúng tôi mất đến hơn 2 tiếng đồng hồ để đi một đoạn đường chưa đầy 40km vào xã Phương Viên, nơi có 3 mạng người vĩnh viễn ra đi cùng dòng nước lũ.

 

Nước mắt Phương Viên - 1

Ngôi nhà của ông Lục Văn Viền chỉ còn là đống xà bần đổ nát

 

“Đó là trận mưa kinh hoàng nhất tôi từng biết trong gần 60 năm sống kiếp người, ở mảnh đất này”, ông Nguyễn Đình Hà - một người dân ở thôn 9 xã Phương Viên - thuật lại. Nét mặt ông còn chưa hết bàng hoàng: “Nửa đêm về sáng thì trời bắt đầu mưa. Sáng ra đã thấy ngập trắng, mà không biết nước ở đâu dồn về khủng khiếp thế. Nước dâng lên cao trông thấy, cuốn phăng đi tất cả. Những khóm tre bị nhổ tung gốc, lao theo dòng nước…”.

 

Ngôi nhà tang tóc của ông Lục Văn Viền - người bị vùi thây trong cơn lũ - giờ chỉ còn là đống xà bần đổ nát. Đó là một ngôi nhà sàn của người Tày dựng ngay ven đường. Trong cơn giông gió, chỉ sau một tiếng “ầm”, đất đá ở ngọn đồi phía sau đổ ập xuống, con nước hung dữ cuốn theo tre gỗ quất nát bét ngôi nhà, xô đống xà bần ấy đi xa tới vài chục mét. Lúc ấy ông Viền và anh con trai Lục Văn Khánh, cô con dâu Triệu Thị Dân đang ngủ, và họ không bao giờ thức dậy nữa. Chỉ trong chớp mắt, tất cả đã bị vùi thây dưới đống đổ nát như thể định mệnh đã sắp đặt.

 

Chúng tôi lội xuống hiện trường, ngổn ngang những tre gỗ, vách liếp. Trong cái nắng nóng, mùi gia súc chết bốc lên nồng nặc. Người ta bới ra được vài thứ đồ gia dụng, chiếc xô vỡ nát, chiếc phích nước chỉ còn cái vỏ, một cái chậu nhôm méo mó. Không còn nhận ra được gì nữa. Duy nhất, chỉ có cái gùi hằng ngày ông Viền vẫn đeo lên nương là còn nguyên vẹn.

 

Nước mắt Phương Viên - 2

Những thứ còn sót lại tại nhà ông Viền sau cơn lũ dữ.

 

Nỗi đau đè lên nỗi đau

 

Em ruột ông Viền, ông Lục Văn Tư năm nay đã 54 tuổi. Sống trong chốn dương gian đã quá nửa đời người, ông Tư từng trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm, buồn vui. Thế nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy đau đớn như lúc này, anh ruột và hai đứa cháu mất cùng lúc, chết một cách tức tưởi. Còn gì đau đớn hơn khi phải mò xác anh mình, cháu mình dưới dòng nước lũ trong tuyệt vọng, biết là kẹt dưới đó nhưng không phương cách nào moi ra.

 

Đứa cháu trai Lục Văn Khánh năm nay mới 25 tuổi, làm y tá thôn. Nó còn trẻ, còn cả một quãng đời dài gót chân chưa từng đặt tới. Ông Tư bỗng cười, miệng méo xẹo còn mắt chan chứa nước: “Chị dâu tôi mất đã 5 năm. Vợ chồng cháu nó mới lấy nhau được vài tháng, muốn sống chung với bố để chăm sóc bố tuổi già lẻ bóng. Vậy mà…”.

 

Hai ba hôm nay nhà ông Tư bỗng chốc trở nên chật chội, những vành khăn trắng ra vào nườm nượp. Ngôi nhà vách liếp tuềnh toàng trống hoác bốn bề luôn toả ra mùi hương nhang, chốc chốc lại vọng ra tiếng khóc hờ ai oán. Những đứa cháu ruột của ông phải làm ma cho bố ở nhà chú mình, đã không còn hơi sức gào khóc thương cha tiếc em. Nước mắt đã cạn khô trên những gò má hốc hác, những ánh mắt thâm quầng, đau đớn vô hạn.

 

Thấy chúng tôi thắp hương, người con cả Lục Thị Luyên gập người khóc không ra tiếng. Chị nói rằng cô em dâu đang mang trong mình giọt máu của dòng họ chị. Bào thai mới ba tháng tuổi đó cũng chết theo mẹ. Nghĩa đồng bào, ai nhìn cảnh tang thương tận cùng ấy chẳng thấy xót xa như cứa ruột bào gan.

 

Để người chết cũng ngậm cười

 

Ông Tư hút một hơi thuốc rất sâu, nhả khói lãng đãng và ánh mắt nhìn nơi vô định. Ông bảo rằng đồi núi quanh đây trọc lốc, khô cằn. Vài năm trước còn trơ trọi hơn thế này rất nhiều, giờ một số đã được trồng cây. Nếu, lại nếu, những quả đồi được phủ xanh hơn nữa thì có thể đã cơn lũ đã bị ngăn chặn. Biết đâu anh ruột, hai đứa cháu ông và con chúng nó đã không bị lũ cuốn, biết đâu đất đá đã không xô vào nhà…

 

Rồi ông khóc, giọt nước mắt của người đàn ông đã dạn dày một đời sương gió, sao mà chua chát, xót xa. Chúng tôi ngồi im lặng. Không thể dùng thêm lời nào an ủi vì trong nỗi đau lớn nhường ấy, mọi lời an ủi vỗ về chỉ càng vô duyên, thêm bẽ bàng đắng cay.

 

Nhưng tận sâu trong tâm hồn, chúng tôi hiểu rằng ông Tư đã nói đúng. Chữ “nếu” bao giờ cũng đúng, nhất là trong những thảm hoạ như thế này. Ai dám chắc rằng nỗi đau kia sẽ là duy nhất. Mùa mưa lũ đang tới, những người đang sống sẽ xoay xở ra sao khi núi có thể thình lình đổ ập?

 

Dưới đất sâu, những người chết nghe được tiếng lòng ông, không biết họ có ngậm cười?!

 

Bài và ảnh Bảo Trung - Phúc Hưng

Dòng sự kiện: Lũ lụt tại Bắc Kạn