1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nông dân - những mảng mầu tối, sáng

(Dân trí) - Chưa có kỳ họp Quốc hội nào mà người nông dân được nhắc đến nhiều như kỳ họp lần này. Trước nghị trường, đại biểu nói ra những lời “gan ruột”, chứa chan nỗi lo lắng về khoảng cách giầu nghèo ở Việt Nam đang ngày càng sâu sắc.

Nếu như trong các kỳ họp Quốc hội trước đây, thời gian phát biểu dành cho mỗi đại biểu là 15 phút thì đến nay, thời gian này đã rút xuống 10 phút, 7 phút và theo nhận xét của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, thời gian này lẽ ra tiếp tục rút xuống 5 phút thì tốt hơn để mỗi đại biểu nên đi thẳng vào vấn đề trọng tâm và nhiều đại biểu sẽ được lên tiếng hơn.

Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, mặc dù phải hơn hai tuần nữa mới đến các phiên chất vấn nhưng đến nay đã có hơn 80 câu hỏi chất vấn của 30 đại biểu Quốc hội được gửi tới đoàn thư ký. Các câu hỏi chất vấn tập trung vào trách nhiệm của Chính phủ, từng thành viên Chính phủ trong việc để xảy ra lạm phát vượt quá tăng trưởng GDP dẫn tới những khó khăn cho đời sống người dân, đặc biệt là đời sống của nông dân.

Nông dân được gì trong "chiếc bánh" tăng trưởng?

Nông sản bán ra tăng một thì vật tư đầu vào tăng 2 đến 4, nông dân nuôi một con lợn 4 tháng thu được khoảng 4,1 triệu nhưng chi phí mất khoảng 3,6 triệu, lãi khoảng 500.000 đồng, bình quân lãi một tháng được 125.000 đồng.

Chính sách giá cũng vậy, năm 2007 nông dân bán 3.200 đồng/kg lúa, năm 2008 bán được 4.700 đồng/kg, tăng 32% so với năm 2007. Khi đó giá gạo xuất khẩu tăng trên 3 lần, từ 370 USD lên tới 1200 USD/ tấn, tăng 233% so với năm 2007. Thật là chưa công bằng giữa người sản xuất với người tiêu thụ, quá thiệt thòi so với công sức của nông dân đã bỏ ra!

Chính phủ quy định chuẩn nghèo ở nông thôn có mức thu nhập 200.000 đồng/tháng; bình quân 7.000 đồng/ngày đủ mua gạo và rau trong năm 2007. Năm 2008 số tiền đó không đủ mua gạo và chi tiêu vì bữa ăn của hộ nghèo tăng từ 1,5 - 2 lần so với thời điểm cuối năm 2007! Ngư dân không dám đi biển vì xăng dầu Chính phủ hỗ trợ chỉ cần một chuyến đi là hết!

Toàn cảnh người nông dân thời bão giá đã được đại biểu Danh Nhưỡng (Kiên Giang ) phác hoạ tức thời như vậy.

Đại biểu này nhấn mạnh: Xin đề nghị Chính phủ đánh giá người nông dân được gì trong chiếc bánh tăng trưởng, nông dân sống ra sao, kết cấu hạ tầng nông thôn hiện như thế nào và nông dân đang cần gì. Qua đó Chính phủ đề ra chính sách an sinh xã hội cụ thể hơn, đầu tư tối đa hơn nông nghiệp và nông thôn, làm sao không để nông dân bị thiệt thòi.
 
Nông dân - những mảng mầu tối, sáng - 1

Chính phủ cần đánh giá người nông dân được gì trong "chiếc bánh" tăng trưởng?

Hiến đất làm thủy điện - Sự "hy sinh" thầm lặng!

Cũng theo đại biểu Danh Nhưỡng: Chính phủ cần cân đối chủ trương với khả năng ngân sách, các chủ trương đưa ra nhưng ngân sách không bảo đảm gây hoài nghi trong người dân. Chẳng hạn như Chương trình 134, hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhà ở, nước sạch. Chương trình 134 của Chính phủ hứa sẽ hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc Khơme đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đến nay Chính phủ chưa ban hành văn bản thực hiện chương trình đến cuối năm 2008 và kết thúc!

Ở một góc độ khác, đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) có đưa ra một ví dụ: Trong những năm qua, vì nguồn điện năng của đất nước, nhân dân các tỉnh trong đó có Gia Lai đã hy sinh đất đai, ruộng vườn, nhà cửa để tạo điều kiện cho Nhà nước xây dựng các công trình thủy điện - trước đây của Nhà nước, đến nay dần dần cổ phần.

Việc cổ phần hóa Nhà máy thủy điện vừa qua không tính đầy đủ giá trị đầu tư về đất đai của nhân dân địa phương. Địa phương phải gánh chịu nhiều hậu quả do việc thu hồi đất sản xuất của bà con để làm công trình thủy điện, đời sống của bà con vùng ảnh hưởng này càng khó khăn, làm phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp. Trong khi đó địa phương không có nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất đời sống cho đồng bào ở vùng thủy điện.

Cũng liên quan đến sự “hy sinh” này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đưa ra một nghịch cảnh khác: Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đầu tư 260 triệu USD cho một khu Resort nghỉ dưỡng. Là một đơn vị được Nhà nước giao vốn, lẽ ra tập đoàn Điện lực Việt Nam phải toàn tâm, toàn lực để phát triển nguồn điện, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đằng này lại đem một phần vốn không nhỏ đi làm khu Resort, trong khi đó điện thì cứ thiếu, cắt điện thì cứ cắt điện triền miên, đặc biệt là ở những vùng nông thôn.

Đại biểu Ngô Quang Xuân(Đồng Tháp) có đưa ra nhận xét: Nông nghiệp là lĩnh vực nhạy cảm, nông dân là đối tượng càng nhạy cảm hơn, cho nên mọi chủ trương, mọi biện pháp, mọi chương trình thực hiện liên quan đều tác động rất nhanh đến lĩnh vực nông nghiệp, đến người nông dân.

Về sự tác động nhanh này, đại biểu Bế Xuân Trường(Bắc Kạn) có một phân tích:

Đối với Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp, nền văn minh nông nghiệp đã gắn liền với quá trình phát triển của đất nước ta. Có thể nói nền văn minh nông nghiệp là một trong những yếu tố quyết định sự hưng thịnh của đất nước ta từ trước tới nay. Nhưng vừa qua, chúng ta thực hiện xóa bỏ bao cấp, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta có những chủ trương cần phải xem xét lại.

VD: Ở những vùng đất nông nghiệp thuần hóa hàng nghìn năm, nhưng vừa qua chúng ta chuyển đổi sử dụng mục đích chưa đúng, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó người dân thiếu đất canh tác, vấn đề bức xúc rất nhiều, đặc biệt ở một số địa phương thực hiện chính sách giải phóng đền bù, giải tỏa chưa thảo đáng, dẫn đến nhiều đơn thư khiếu kiện kéo dài, mất ổn định ở địa phương.

Một số cơ sở công nghiệp, nhà máy xây dựng lên hiệu quả chưa cao, đặc biệt ở thời điểm như hiện nay của đất nước ta, một số khu vui chơi, giải trí, sân golf chiếm diện tích đất nông nghiệp lớn như thế là chưa phù hợp. Có thể nói một năm vừa qua, có từ 50.000 đến 60.000 ha đất bị chuyển hóa mang lại hiệu quả không cao.

Lê Châu