ĐBSCL:

Nông dân miền Tây “hồi hộp” chờ lũ về…

(Dân trí) - Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL nhìn nhận, với thực tế đang diễn ra ở vùng đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu và theo dự báo của các cơ quan chuyên môn thì nhiều khả năng ĐBSCL tiếp tục đón thêm một năm lũ nhỏ.

Thêm mùa lũ nhỏ…

Những ngày này, chúng tôi đi dọc các huyện rốn lũ ĐBSCL như Tân Hồng, Hồng Ngự (Đồng Tháp), huyện An Phú (An Giang)… nhiều cánh đồng khô cạn hoặc nước chỉ mới phả đều mặt ruộng.

Ông Nguyễn Văn Hai - xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng - cho biết: “Vụ lúa thu đông năm nay bà con địa phương gặp thuận lợi trong khâu thu hoạch, vì đến giờ này nước trên đồng ít lắm nên máy gặt tha hồ chạy, chẳng lo bị mắc lầy. Tuy nhiên, với tình hình nước lũ như năm nay thì bà con chúng tôi khó lòng có mùa “lũ đẹp” để làm thêm một vụ nuôi cá trên đồng ruồng”.

“Đã ngấp nghé bước sang tháng 8 âm lịch, thế nhưng nước trên đồng chỉ đến mắt cá chân. Theo kinh nghiệm của ông bà thì mùa lũ lớn hay nhỏ nhìn vào con nước 30/8 và rằm tháng 9 âm lịch là biết ngay, vì đây là đỉnh điểm của mùa lũ miền Tây. Bởi thế theo dự báo và nước thực tế trên đồng ruộng, bà con tôi thấy năm nay bà con vùng lũ đón thêm mùa lũ cạn nữa rồi”, ông Huỳnh Văn Be – xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú cho biết.

Anh Phạm Văn Khó (38 tuổi) ngụ ấp Đông Giang A, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết những năm lũ lớn, mực nước trên ruộng sau nhà anh cao đến tận ngực
Anh Phạm Văn Khó (38 tuổi) ngụ ấp Đông Giang A, xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết những năm lũ lớn, mực nước trên ruộng sau nhà anh cao đến tận ngực

Còn tại một số địa phương ở vùng hạ nguồn như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… bà con cho biết như đang ở mùa khô, vì nước trên mặt ruộng vụ lúa Thu Đông vẫn còn khô rang.

Ông Nguyễn Thanh Hiên – xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết, mấy năm trước đây, giờ này nước trên ruộng đã cao hơn mắt cá chân, còn năm nay thì ruộng vẫn khô rang.

Những hình ảnh lũ ngập tràn đồng như thế này đã trở thành ký ức đối với người dân miền Tây trong khoảng 4 năm qua
Những hình ảnh lũ ngập tràn đồng như thế này đã trở thành ký ức đối với người dân miền Tây trong khoảng 4 năm qua

Nhận định về tình hình lũ 2016 ở ĐBSCL, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, qua theo dõi thì lũ thượng nguồn sông Mekong đang ở mức khá thấp. Bên cạnh đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam phân tích, lượng mưa ở các tỉnh Nam bộ và Tây Nguyên trong các tháng 7, 8, 9 và tháng 12/2016 thấp hơn trung bình nhiều năm từ 15-30%.

Ngoài ra, dự báo bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông sẽ ít hơn trung bình nhiều năm… Từ những yếu tố trên nên nhận định khả năng năm 2016 lũ ở ĐBSCL sẽ nhỏ. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khoảng cuối tháng 9 và nửa đầu tháng 10. Trừ trường hợp có bất thường về thời tiết thì lũ cũng ở mức dưới 4,5m tại Tân Châu, nếu như vậy sẽ là lũ đẹp.

Lũ nhỏ, nỗi lo lớn

Lũ nhỏ, hoạt động của các làng nghề “ăn theo” mùa lũ, như làng lưới, lộp cua, tép, đóng xuồng… cũng hắt hiu. Ông Nguyễn Thiện Bé, chủ tiệm lưới ở làng lưới Thơm Rơm, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ cho biết, năm nay đến giờ này nước lũ chẳng thấy đâu. Nước lũ không về, cá tôm không có môi trường sinh sôi phát triển… Bà con sống theo mùa lũ cũng bỏ nghề khai thác thủy sản gần hết, chẳng còn ai mua lưới.

Lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nên các làng nghề bán nông cụ đánh bắt thủy sản cũng trở nên hiu hắt
Lũ nhỏ, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt nên các làng nghề bán nông cụ đánh bắt thủy sản cũng trở nên hiu hắt

Chủ cơ sở Út Hữu (52 tuổi), người có hàng chục năm trong nghề đóng ghe, xuồng ở xã Long Hậu cho biết, bắt đầu từ tháng 5 âm lịch, bà con sống bằng nghề đóng ghe xuồng thường không có giờ nghỉ ngơi. Mỗi năm, xã Long Hậu cho xuất xưởng hàng chục nghìn chiếc xuồng, ghe các loại, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thường xuyên ở địa phương.

Tuy nhiên một hai năm trở lại đây, do lũ nhỏ nên sức tiêu thụ giảm đáng kể, nhiều cơ sở nhỏ sống không nổi với cảnh ế ẩm nên đành bỏ nghề. Đây cũng là vấn đề lo ngại của chính quyền địa phương, nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, làng nghề đóng xuồng trứ danh miền Tây có thể bị mai một.

Làng nghề đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu mấy năm qua vất vả tìm đầu ra.
Làng nghề đóng ghe xuồng ở xã Long Hậu mấy năm qua vất vả tìm đầu ra.

Những hộ dân trồng lúa cũng lo lắng bởi theo kinh nghiệm của bà con, năm nào lũ nhỏ thì vụ lúa năm đó rất “khó ăn”.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết, điều đáng lo ngại là vùng ĐBSCL vừa trải qua cơn hạn, mặn dữ dội nhất trong lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho cây lúa, cây ăn trái, thủy sản… Bây giờ lũ không về đồng nghĩa với việc người dân miền Tây sẽ chịu thiệt hại kép. Sản xuất nông nghiệp tới đây sẽ đối mặt với nhiều thách thức, trong đó thời vụ canh tác có thể bị xáo trộn. Ngoài ra, hệ sinh thái của vùng ĐBSCL cũng bị ảnh hưởng, tình trạng sạt lở, sụt lún… sẽ diễn ra nghiêm trọng hơn.

Về nỗi lo lũ nhỏ của bà con vùng lũ, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam khuyến cáo ngành nông nghiệp và người dân ĐBSCL khi thu hoạch xong lúa hè thu hoặc thu đông thì tranh thủ nhiều giải pháp để đưa nước vào đồng ruộng nhằm làm vệ sinh; kéo dài thời gian nước lũ trong đồng càng tốt.

Nguyễn Hành