Thanh Hóa:

Nông dân khốn khổ vì hàng trăm ha đất nhiễm mặn

(Dân trí) - Nhiều năm qua, người dân hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc(Thanh Hóa) phải “dở khóc dở mếu” vì hàng trăm ha đất sản xuất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng. Người dân đêm ngày chỉ biết khắc khoải mong trời mưa.

 
Những vụ mùa thất thu
 
Thời gian qua, tại hai huyện Nga Sơn và Hậu Lộc hàng trăm ha đất hoa màu đang có nguy cơ mất trắng, nhiều diện tích ngô, lạc trồng cả tháng trời vẫn chưa nảy mầm, Những hạt cố nảy mầm thì thối dần từng đám.
 
Nông dân khốn khổ vì hàng trăm ha đất nhiễm mặn - 1
Những ruộng lạc cứ trồng lên cây là bị thối gốc
 
Bà Phạm Thị Huế, xóm 6 (xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn) than thở: “Hết thất thu vụ lúa. Giờ lại đến vụ lạc hỏng. Chán nản quá. Vụ hè thu năm trước, cả cánh đồng lúa chuẩn bị làm đòng nhưng khô héo vì nắng nóng kéo dài. Gia đình nào cũng mừng vì bên thủy lợi cho nước dẫn về. Không ngờ, đón nước vào ruộng được 5 ngày thì cây lúa ngả sang màu vàng, héo úa dần vì nước bị nhiễm mặn”. 

Dạo một vòng qua các cánh đồng hoa màu tại xã Nga Trung (Nga Sơn), tình trạng tương tự cũng diễn ra ở đây. Nhiều diện tích đất hoa màu đang trong tình trạng nhiễm mặn, cây cối lụi tàn.

“Dường như năm nào nhà tôi cũng phải trồng lạc lại từ 2 - 3 lần/vụ, nhưng kết quả vẫn bị thất thu, đặc biệt là những sào đất ở vùng trũng, lạc cứ mọc lên là lụi cây dần. Nhưng nếu không trồng, để đất bỏ hoang vụ nào là cỏ mọc lên như rừng. Nhiều người chán đã rời làng đi nơi khác làm thuê”, bà Hiên, xóm 8 (xã Nga Trung, huyện Nga Sơn) chán nản.

Tại xã Nga Tiến, nhiều ha đất trồng lạc cũng đang trong tình trạng bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Người dân luôn trong tình cảnh có đất canh tác nhưng không trồng được cây gì.

Ông Hà Văn Trí, cán bộ văn phòng xã Nga Tiến chia sẻ: “Mùa khô, đất bị nhiễm mặn nặng nên trồng cây hoa màu gì cũng bị chết. Đến mùa mưa thì nước lũ về, toàn bộ diện tích đất hoa màu ngập trắng trong nước. Hiện, xã Nga Tiến có 35ha đất canh tác hoa màu đang bị nhiễm mặn nặng”.
 
Nông dân khốn khổ vì hàng trăm ha đất nhiễm mặn - 2
Nhiều diện tích hoa màu bỏ hoang do đất nhiễm mặn
 
Không chỉ riêng ở huyện Nga Sơn, tại huyện Hậu Lộc cũng rơi vào cảnh tương tự. Chị Bảo, người dân xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc tính toán: “Một sào lạc được trồng xuống đất bao gồm tiền giống, công cày bừa, công trồng, công phun thuốc cỏ, tiền mua phân bón... ngót mất cả triệu bạc, trong khi thu nhập vụ nào cũng thất bát. Có nhiều gia đình phải trồng hai ba lần mới được thu hoạch nên thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, người dân chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo sợ hoa màu sẽ bị chết trắng”. 

Cùng cảnh, bà Trịnh Thị Tý, người dân xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc lắc đầu: “Mỗi lần gieo sạ một sào lúa phải tốn đến 300.000đồng tiền giống và công, nay một vụ phải gieo hai lần, tương đương với 600.000đồng. Đã thế, đất lại bị nhiễm mặn nên vụ được vụ không, cứ thế này chúng tôi biết lấy gì để sống nữa”.

“Khắc khoải” chờ … mưa

Gặp chúng tôi ở giữa cánh đồng với vẻ mặt buồn rầu, ông Mai Quang Vinh, xóm trưởng xóm 7 (xã Nga Hưng, Nga Sơn) chia sẻ: “Chúng tôi đang chờ mưa để có thể rửa mặn cho những cánh đồng màu, nhưng xem ra không có hy vọng. Đất bị nhiễm mặn từ vụ lúa trước nhưng trời không mưa, đất khô quá nên hơi muối bốc từ dưới lên khiến hoa màu bị mặn mà chết. Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp nhờ giúp đỡ nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có hồi âm”.

Ông Nguyễn Thế Oanh, Bí thư Đảng ủy xã Nga Hưng (Nga Sơn) cho biết: “Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo nào của cấp trên về giải pháp khắc phục những diện tích đất bị nhiễm mặn trên địa bàn xã. Chúng tôi rất mong các ngành cấp trên vào cuộc tìm biện pháp giúp đỡ để bà con nông dân không phải tốn kém tiền bạc, công sức như thế này nữa”.

Cách đây 2 năm, cơn bão số 7 làm vỡ tuyến đê biển nên hầu hết diện tích đất nông nghiệp thuộc huyện Hậu Lộc đều bị nhiễm mặn. Theo kết quả khảo sát của Sở TN&MT Thanh Hóa, độ mặn đo được ở các xã là Đa Lộc, Minh Lộc, Ngư Lộc, Hưng Lộc, Hải Lộc... khi cao điểm là 27,4/1.000, làm cho gần 190ha lúa và 160ha màu đã bị mất trắng. Người dân thiếu nước ngọt, phải dùng nước lợ để sinh hoạt.
 
Nông dân khốn khổ vì hàng trăm ha đất nhiễm mặn - 3
Người dân phải xách nước rửa mặn từng đám ngô có nguy cơ bị héo

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX Hải Lộc (Hậu Lộc) nhấn mạnh: “Muốn chuyển đổi kiểu gì cũng cần có nguồn nước ngọt. Chẳng hạn, để trồng cói, độ mặn trên đồng ruộng cho phép không quá 5/1000 trong khi hiện tại độ mặn ở nhiều xã đang cao hơn gấp 5 lần, mức bình quân cũng 9/1000 thì cây cói cũng không thể sống được”.

Hiện nay, các xã có diện tích đất tại huyện Hậu Lộc đang tiến hành khảo sát, thống kê phân loại số diện tích đất nhiễm mặn trình UBND tỉnh xem xét để miễn giảm thủy lợi phí và tiền điện bơm nước thau chua rửa mặn. Rà soát số hộ thiếu đói do mất mùa trong vụ trước để hỗ trợ lương thực những ngày giáp hạt. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải sớm có giải pháp để bảo đảm nguồn nước tưới, nước sinh hoạt ổn định cho nông dân ở các vùng này.

Lan Anh - Duy Tuyên