Nỗi oan ở một cây cầu

Chẳng hiểu vì đâu cầu Bãi Cháy, một trong những cây cầu đẹp nhất Việt Nam, nằm giữa thành phố diễm lệ nhất Việt Nam là Hạ Long lại đang phải là “nhân chứng” cho một thảm trạng xót lòng: Tự tử.

Như một thông lệ bất thành văn, ở Quảng Ninh, hễ ai có ý định đi tìm “Diêm vương” là họ nghĩ đến cầu Bãi Cháy. Để đến nỗi, cây cầu này bao năm nay oằn mình chịu những lời đồn thổi ghê rợn khiến người bạo gan nhất cũng dựng tóc gáy khi nghe kể về nó.

 

Cây cầu… quỷ ám?

 

Mới đây, trong một lần đi chơi cùng bạn bè ở TP Hạ Long, Quảng Ninh, khi đi đến gần chân cầu Bãi Cháy, anh lái xe buột miệng nói như dọa: “Mỗi lần đi qua cầu cầu này, tớ cứ thấy chờn chợn, lành lạnh sống lưng. Cầu thì đẹp nhưng có khối chuyện ma mị như quỷ ám bởi nó đã “nuốt” không biết bao nhiêu mạng người trên cây cầu này”. Tôi cũng loáng thoáng nghe đâu đó những câu chuyện kỳ bí về cây cầu này từ lâu. Cái sự tò mò trỗi dậy, ngay ngày hôm sau, tôi trở lại chân cầu.

 

Những chuyện kỳ bí bảy phần hư, ba phần thực thì kể cũng chẳng đáng tin nhưng chuyện của những người đã chết thì có thật!

 

Bắt đầu từ câu chuyện có thực của ông Dương Văn Đa (60 tuổi ở khu 7, phường Cao Xanh) - một ngư dân sinh sống tại khu vực này.

 

“Một đêm cuối Đông năm 2011, trời lạnh như cắt. Khi ấy khoảng 23 giờ, tôi đang thu lưới chuẩn bị về ngủ thì bên mạn thuyền chỉ cách khoảng 3-4m có tiếng động mạnh, như có vật gì nặng lắm rơi xuống làm nước tung lên. Mũi thuyền hơi chòng chành”.

 

Cây cầu diễm lệ này vô tình gánh chịu những vụ tự tử thương tâm

Cây cầu diễm lệ này vô tình gánh chịu những vụ tự tử thương tâm

 

Là một ngư dân cả đời sinh nhai dưới chân cầu này nên chỉ thoáng thôi ông Đa đã hiểu chuyện gì vừa xảy ra. Ông vội vã dong thuyền lại vị trí vừa gây tiếng động. Chẳng kịp gác mái chèo, hay cởi quần áo, ông lao xuống dòng nước lạnh như băng giá và lát sau lôi lên thuyền một cô gái chừng 30 tuổi đầu tóc rã rượi, miệng rỉ máu.

 

Ghé tai nghe hơi thở ông lại lẩm bẩm: "Con ơi sao con dại thế. May ra thì còn sống, trẻ thế này mà tự tử thì phí đời quá. Chẳng biết bọn trẻ bây giờ nghĩ gì nữa". Thế rồi không kịp nghĩ, ông Đa bỏ cả cheo lưới và vội vã chèo thuyền đưa nạn nhân  đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Ninh. Nạn nhân nhập viện với tình trạng hơi thở rất yếu, có nhiều vết bầm tím sau lưng và rạn xương chậu. Kiểm tra trên người có 1 nhẫn, 1 dây chuyền vàng và 1 thẻ ATM mang tên Trần Thị T.

 

Chị T. là công nhân mỏ than, quê gốc Hải Dương, lấy chồng đã được gần 10 năm nay. Chị sinh được 2 cô con gái. Chồng chị vốn cổ hủ chỉ mong có con trai nối dõi nên đã ra ngoài tìm "dì hai". Phẫn uất, chị T. lang thang ra cầu Bãi Cháy và trong phút điên loạn chị đã gieo mình xuống nước. Trước lúc tự tử chị còn đau đớn nhắn tin cho chồng: "Tôi sẽ ra đi mãi mãi để anh tự do mà lấy vợ, kiếm con trai".

 

Trường hợp tự tử của chị T. ở cầu Bãi Cháy không phải là hiếm bởi đã có nhiều lượt người có ý định và đã tự tử “thành công” ngay trên cây cầu này. Trong số những người dại dột ấy, duy nhất chỉ mình chị sống được thêm 12 tiếng sau khi nhảy. Những nạn nhân còn lại đều đi gặp “Diêm vương” ngay lập tức sau khi nhảy xuống nước.

 

Cũng phải nói ngay rằng, cầu Bãi Cháy chính là địa điểm ưa thích của những người “chán sống”. Như đã thành thông lệ, chỉ cần nghĩ đến chuyện quyên sinh là người ta nghĩ đến cây cầu này. Cánh xe ôm, hàng rong dưới chân cầu thì gọi hành động này là “thả dù”, còn dân chích choác thì gọi là “bay lần cuối”. Thảm trạng này diễn ra ngày một tăng khiến cơ quan quản lý cầu... vã mồ hôi hột. Dân gian thì rỗi miệng đã thêu dệt lên vô vàn những câu chuyện tâm linh kì bí quanh cây cầu này.

 

Họ truyền tai nhau chuyện rằng, Cửa Lục dưới chân cầu Bãi Cháy là nơi linh thiêng thủy huyệt nên hằng năm thủy thần đòi người hiến mạng, bao giờ đủ mới thôi. Chuyện tự tử chẳng qua là do thánh thần xui khiến mà ra cả. Có lời nguyền rằng, hàng năm phải cống dăm mạng người gọi là có "vé qua đò" cho Hà Bá thì sóng mới yên, bể mới lặng. Trước lúc xây dựng cầu, năm nào cũng có người chết đuối ở khu vực Cửa Lục, nơi xây cầu Bãi Cháy. Ngay cả trong thời gian xây cầu cũng có công nhân bị tai nạn chết. Chính vì thế hầu như cứ vào dịp mồng Một, ngày Rằm ngư dân làm nghề chài lưới sinh nhai dưới chân cầu đều răm thành kính hương, khấn vái để mong được yên ổn.

 

Nỗi dằn vặt của người ở lại

 

Đã có không biết bao câu chuyện đau đớn thương tâm xảy ra tại cây cầu này. Người tự tử, bất luận là trong hoàn cảnh nào cũng đều mang những nỗi phẫn uất về hoàn cảnh của mình, để đến nỗi chán nhân tình thế thái và không muốn sống trên cõi trần nữa. Hoặc, người đó bị dồn đến đường cùng và cái chết là lối thoát duy nhất của họ. Nhưng, trong hoàn cảnh nào đi nữa, hành động tự tử là hành động dại dột của những người thiếu bản lĩnh sống. Họ để lại cho người thân của mình nỗi dằn vặt, xót đau khó có thể nguôi ngoai.

 

Vụ tự tử gây xôn xao dư luận nhất là xảy ra vào giữa tháng 6/2010, nạn nhân là nữ sinh trẻ măng tên là Vũ Thị L. (trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh). Khoảng 4 năm nay, L. và Văn - một kỹ sư đẹp trai, hào hoa yêu nhau thắm thiết.  Thời gian ấy, bạn bè L. xì xào  rằng Văn đã thay lòng đổi dạ, hiện đang theo đuổi con gái một vị giám đốc giàu có. 

 

Khoảng đầu tháng 6/2010, một người bạn của L. gọi điện thông báo đã thấy Văn chở  người nhà của tình địch đi ôn thi đại học ở Hà Nội. L. đau đớn khóc lóc vật vã tin rằng Văn đã phụ tình cô.  Sáng ngày hôm sau, L. đi xe máy lên cầu Bãi Cháy rồi dừng lại rút điện thoại gọi cho một người bạn. Trong điện thoại L. nấc lên bảo: “Mình  đang ở cầu Bãi Cháy, anh Văn bỏ mình rồi, mình khổ quá! Cậu lên lấy xe máy về cho mình...” rồi tắt máy.

 

Hiện trường một vụ tự tử trên cầu
Hiện trường một vụ tự tử trên cầu

 

Người bạn đó hoảng quá vội tức tốc lên cầu và thông báo cho người nhà Văn. Khi đến nơi họ đã thấy L. đang vắt vẻo bên kia thành cầu, tay lau nước mắt còn xe máy dựng ngay gần đó. Họ vội lại gần để tìm cách thuyết phục L. Cô ta lắc đầu, nước mắt lã chã rồi nhắm mắt buông tay và rơi xuống. Sau 2 ngày tìm kiếm, người ta mới tim thấy thi thể L. ở Cửa Dứa, cách cầu Bãi Cháy chừng 15km.

 

Hành vi dại dột của cô gái trẻ đã khiến nhiều người tiếc cho cô. Sự bồng bột, xốc nổi của cô đã cướp đi tương lai sán lạn đang ở phía trước của cô. Hôm chúng tôi đến nhà L., sự đau khổ, xót xa vẫn hằn trên mặt những người thân của cô. Họ ân hận vì đã không quan tâm đúng mức đến tâm lý con mình, để lúc xảy ra sự việc mà không kịp cứu con. L. mất đi bản thân cô đã thiệt thòi nhưng hậu quả để lại cho người thân của cô đến nay vẫn phải gánh chịu đó là sự ân hận, day dứt khôn nguôi... Đến giờ, bố mẹ L. vẫn tin rằng, mình cũng là thủ phạm gián tiếp trong cái chết của con gái.

 

Nhưng, cũng có trường hợp chính thái độ sống những người ngoài cuộc đã vô tình đẩy người khác tìm đến chỗ chết. Để sau đó họ mới hối hận: giá như ta đừng thờ ơ, đừng kỳ thị thì biết đâu mạng sống của người thanh niên đó vẫn còn? Đó chính là trường hợp của anh Hoàng V.  (28 tuổi ở tổ 61, phường Hồng Gai, TP Hạ Long).

 

Tuổi trẻ vốn bồng bột nên V. đã  sớm theo bè bạn dính vào ma tuý. Tuy nhiên cậu chỉ đua đòi chứ không ngập vào nặng. Học nghề xong gia đình V. xin cho cậu làm lễ tân trong một khách sạn và cũng trong thời gian này cậu đã cắt đứt với "nàng tiên trắng". Cũng trong thời gian này V. và cô gái tên Hải đang làm việc cho một công ty chế biến than. Khi họ chuẩn bị cưới thì chẳng hiểu từ đâu, những lời đồn thổi V. đã nghiện lại và tham gia hút chích, chơi bời với đám bạn xấu... đến tai Hải.

 

Đôi bạn trẻ đã hiểu lầm và cãi vã nhau. Do không thanh minh được với người yêu và quá tuyệt vọng nên V. nghĩ đến cái chết. Anh đã đi bộ ra cầu Bãi Cháy và nhảy xuống nước để lại hai bức thư tuyệt mệnh.

 

Cái chết của V. khiến nhiều người giật mình. Đọc thư tuyệt mệnh của cậu thanh niên ai cũng tiếc nuối: giá như chúng ta mở rộng lòng hơn, biết thông cảm và chia sẻ thì chắc rằng những người như Vân sẽ không tìm đến cái chết. Âu đó cũng là một bài học cho người đời.

 

Có lời nguyền?

 

Trở lại tìm hiểu những lời nguyền khủng khiếp phát đi từ cây cầu này chúng tôi được nhiều người có trách nhiệm khẳng định: Đó là lời đồn thổi và không có cơ sở khoa học nào. Tất cả chỉ là do người dân thấy sự trùng hợp mà thêu dệt lên. Thông tin từ Công an TP Hạ Long cho rằng: "Việc một số người tìm đến cầu Bãi Cháy tự tử là chuyện ngẫu nhiên, không đến mức như người dân đồn thổi. Chẳng qua là từ mặt nước lên thành cầu cao 50-60m người nào nhảy xuống không bị dập phổi, gãy xương, tắc thở thì cũng chết trôi mà thôi".

 

Những người dân vạn chài sống dưới chân cầu Bãi Cháy nơm nớp lo sợ về lời nguyền độc địa
Những người dân vạn chài sống dưới chân cầu Bãi Cháy nơm nớp lo sợ về lời nguyền độc địa

 

Hơn 90% các vụ tự tử tại cầu Bãi Cháy là do mâu thuẫn cá nhân: Yêu không lấy được nhau; bị người yêu bỏ; giận chồng; không tìm được việc làm... Chỉ có 1 trường hợp nghi là do tâm thần hoang tưởng.  Phần lớn người chọn Bãi Cháy tự tử là người trong độ tuổi từ 20-35. Họ còn bồng bột, thiếu suy nghĩ, Vì vậy vai trò của gia đình trong việc giải quyết ngay tại nguồn những mâu thuẫn là rất quan trọng... 

 

Để rõ ràng hơn mọi chuyện, tôi tìm gặp lực lượng bảo vệ tại cầu để tìm hiểu thông tin. Anh Trần Văn Nhiên - một thành viên trong tổ bảo vệ - khẳng định: “Chẳng có lời nguyền nào cả. Chẳng qua cầu cao, nước sâu, Cửa Lục lại là nơi có vũng xoáy nước sâu, quẩn nên người nhảy xuống khó có cơ hội sống sót nên nhiều người mê tín đồn thổi cho vui mà thôi. Lực lượng bảo vệ cầu Bãi Cháy rất mỏng. Họ có nhiệm vụ duy trì trật tự trị an, chủ yếu là chống trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, tụ họp đông người trên cầu. Còn khi có người có ý định tự tử mà chỉ leo qua rào nhảy xuống thì không thể có cách nào ngăn chặn”.

 

Đúng là rất khó để ngăn một người nào đó tìm đến cái chết. Khi đã quyết tâm được chết, họ có vô vàn cách để tự tước đi quyền sống của mình. Không riêng gì cây cầu Bãi Cháy mà ở bất cứ đâu, ở bất cứ chỗ nào cái chết cũng chực chờ khi người ta nhụt ý chí sống. Người chết thì đã đành thiệt thân nhưng người sống cũng nên một lần nữa suy nghĩ về thái độ sống của chính bản thân mình.

 

Theo Vũ Hải Hậu
 Năng lượng mới