Hà Tĩnh:

Nỗi niềm những người phụ nữ vùng lũ lụt!

(Dân trí) - Lũ đi qua, chỉ còn lại những vùng đất bạc trắng bùn non, tan tác, những căn nhà ngổn ngang đồ đạc lẫn bùn đất, những người phụ nữ vùng lũ Hà Tĩnh chỉ cầu mong nước lũ rút nhanh để sớm ổn định cuộc sống; chẳng mảy may nghĩ đến ngày tôn vinh chính mình.

Nước lũ vừa rút là bao bộn bề, lo toan phía trước. Người dân tranh thủ dọn dẹp đống đổ nát, sửa chữa lại nhà cửa. Họ dường như chẳng quan tâm đến ngày tháng, chỉ mong sao sớm khắc phục ổn định cuộc sống.

Bà Ái tranh thủ phơi lại rơm để làm chất đốt
Bà Ái tranh thủ phơi lại rơm để làm chất đốt

Bà Nguyễn Thị Ái (ở xóm 13, xã Gia Phố, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) năm nay bà đã 76 tuổi. Các con của bà đều lấy chồng, lấy vợ rồi lập nghiệp ở những nơi xa. Bà sống cùng với một người hàng xóm cùng cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Chắt năm nay cũng đã hơn 80 tuổi.

Trận mưa lũ vừa qua, nước ngập vào gần đến nữa ngôi nhà của hai bà, khiến tất cả đồ đạc bị chìm trong nước lũ. Chiếc tivi cũ do con cháu để lại, có lẽ cũng là tài sản lớn nhất của hai bà cũng bị ngâm nước hư hỏng.

“Trận lũ lụt vừa qua chỉ có hai bà già ở trong nhà nên không kịp trở tay. Hai bà chỉ kịp chạy sang nhà hàng xóm để tránh lũ, đồ đạc trong nhà bị ngập ướt hết”, bà Ái tâm sự.

Tranh thủ lúc nước lũ đã rút, trời hửng nắng bà Ái đưa đống rơm sắp mục nát ra phơi để làm nhiên liệu đốt.

Hai thân già sống nương tựa vào nhau
Hai thân già sống nương tựa vào nhau

“Lũ đi qua là chẳng còn gì nữa cháu ạ. Bà chỉ mong đừng có lũ lụt nữa, lũ lụt về khổ lắm. Bà chỉ mong vậy thôi, chứ bà chẳng dám nghĩ đến cái ngày lễ phụ nữ đâu cháu”, bà Ái chia sẻ khi được hỏi về ngày tôn vinh phụ nữ Việt Nam 20/10.

Cách đó cũng không xa là hoàn cảnh của cụ Võ Tam, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Bà cũng sống một mình. Trận lũ lụt vừa qua bà cũng chẳng kịp đưa đồ đạc lên cao nên toàn bộ áo quần, gạo, lương thực bị ngập nước hoàn toàn. Sự bàng hoàng, xót xa hiện rõ lên trong ánh mắt, khuôn mặt của cụ.

Cụ Tam cho biết: “Quần áo, gạo bị ngâm nước lũ hết cháu ạ. Mấy hôm nay may mắn có một số đoàn về cứu trợ cho mì tôm, gạo nên cũng có cái để ăn”.

Nỗi niềm những người phụ nữ vùng lũ lụt! - 3
Ánh mắt bần thần của cụ Tam
Ánh mắt bần thần của cụ Tam

Khi chúng tôi hỏi về ngày phụ nữ Việt Nam sắp tới, cụ móm mém cười: “Giờ cái ăn còn phải lo từng ngày, còn đâu mà nghĩ đến lễ hả cháu”.

Gia đình Cao Thị Xuân (SN 1976, thôn 10, xã Hương Trạch, huyện Hương Khê), trong trận lũ lụt vừa qua bị hư hỏng căn nhà bếp. Lũ rút nhưng mọi thứ vẫn đang rất ngổn ngang.

Chị Xuân chia sẻ: “Gia đình có 4 người con đang độ tuổi ăn học. Vừa rồi do thủy điện Hố Hô xả lũ quá bất ngờ nên gia đình không kịp thu dọn tài sản. Chị thì chỉ kịp dắt mấy đứa con leo lên nóc nhà, còn chồng thì chỉ kịp đưa con trâu đi gửi”.

Chị Xuân bên căn nhà tan hoang sau trận lũ
Chị Xuân bên căn nhà tan hoang sau trận lũ

“Mọi thứ như giường chiếu, lúa bị nước cuốn trôi hết, sách vở, quần áo bị nước lũ nhấn chìm. Căn nhà bếp thì bị tốc mái, hư hỏng nặng. Sáng nay, mấy đứa con đi học không có sách vở gì cả. Gia đình mấy ngày nay gạo cũng không có ăn, mấy đứa nhỏ cứ đòi cơm nhưng nay làm gì có, khổ thương mấy đứa con nhỏ”.

Và những giọt nước mắt khi cơn lũ đi qua
Và những giọt nước mắt khi cơn lũ đi qua

Nhắc đến ngày phụ nữ Việt Nam chỉ Xuân mắt rơm rớm lệ: “Hằng năm đến ngày 20/10 chị em vẫn thường tổ chức đánh bóng chuyền rồi văn nghệ, nhưng năm nay chẳng ai dám nghĩ tới. Chỉ mong đừng lũ lụt nữa, người dân ở đây khổ lắm rồi chú ơi!”.

Đó là tình cảnh chung của những người dân ở các vùng bị lũ lụt tàn phá vừa qua.

Sự chia sẻ của người dân cả nước cũng phần nào làm ấm lòng những người dân nơi đây
Sự chia sẻ của người dân cả nước cũng phần nào làm ấm lòng những người dân nơi đây

Dù các chị, các mẹ không nhớ, không dám nghĩ đến cái ngày tôn vinh mình nhưng người dân cả nước vẫn đang hướng về các chị, các mẹ…. Hằng ngày những dòng xe cứu trợ nối đuôi nhau mang theo cả vật chất và tình cảm hướng về các vùng quê chịu ảnh hưởng của lũ lụt. Những hình ảnh, tấm lòng đó cũng phần nào làm ấm lòng những người dân nơi đây.

Xuân Sinh