Quảng Trị:

Nỗi lo đê biển bị sạt lở nghiêm trọng

(Dân trí) - Đoạn đê ven biển được xây dựng bằng bê tông đã bị sóng biển lấn sâu, gây sạt lở nghiêm trọng chân đê, nhiều cây rừng có chức năng phòng hộ ven biển cũng bị cuốn trôi do mưa, bão.

Do ảnh hưởng của cơn bão vừa qua, hệ thống đê biển cũng như các tuyến kè dọc cửa biển ở tỉnh Quảng Trị bị sạt lở nghiêm trọng. Tình trạng sạt lở tại các tuyến đê, kè ven biển đang tiếp diễn, có nguy cơ gây mất an toàn nếu không được khắc khục kịp thời.

Tuyến đê biển qua xã Vĩnh Thái bị sạt lở nặng
Tuyến đê biển qua xã Vĩnh Thái bị sạt lở nặng

Nhiều tuyến đê biển tại Quảng Trị bị sạt lở nghiêm trọng, người dân bất an

Theo khảo sát, tại tuyến đê biển xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh bị sạt lở nặng do ảnh hưởng của đợt mưa bão vừa qua. Tuyến đê biển qua xã Vĩnh Thái có chiều dài hơn 14 km. Trong đó, tại đoạn đê thuộc thôn Mạch Nước đã bị sạt lở nhiều đoạn. Phần đất dưới chân đê bị sóng biển ăn mòn, lấn sâu, mặt đê có nguy cơ bị sập.

Tuyến đê biển xã Vĩnh Thái hiện được bê tông hóa hơn 6km, còn 4km đê là đất yếu, dễ bị đánh sạt khi sóng biển mạnh tấp vào. Dọc tuyến đê, xuất hiện hơn chục điểm sạt lở, mỗi điểm kéo dài từ 10- 15 m.

Đất đá bị sóng biển cuốn trôi trong đợt mưa bão
Đất đá bị sóng biển cuốn trôi trong đợt mưa bão

Anh Nguyễn Hữu Hậu, trú ở thôn Mạch Nước, xã Vĩnh Thái cho biết, đoạn đê bị sóng cao đánh vào, phần đất cát ở dưới bị sạt lở, khoét sâu thành hàm ếch. Nếu không được sửa chữa kịp thời thì nguy cơ hư hỏng mặt đê rất cao, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân.

Tình trạng sạt lở không chỉ xảy ra trên tuyến đê biển bằng bê tông kiên cố, mà dọc bờ biển cũng bị sạt lở nghiêm trọng do đất cát yếu. Hàng loạt cây cối ven đê có chức năng phòng hộ đã bị cuốn trôi theo sóng biển. Sau bão số 10, nhiều cây phi lao hàng chục năm tuổi cũng bị đổ xuống.

Trước tình trạng này, người dân địa phương vô cùng bất an, lo lắng, bởi tuyến đê này có nhiệm vụ ngăn sóng, bảo vệ người dân. Nhiều năm qua, bờ biển và các loại cây phòng hộ đã phát huy hiệu quả ngăn chặn sự tác động, xâm thực của biển. Phía sau tuyến đê này là hàng ngàn hộ dân đang sinh sống.

Cây phi lao hàng chục năm tuổi bị đổ xuống
Cây phi lao hàng chục năm tuổi bị đổ xuống

Ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh cho biết, những năm qua, chính quyền và người dân đã trồng các loại cây chắn sóng, tạo thành “bức tường” ven biển. Tuy nhiên, qua các đợt bão, trên tuyến đê bị sóng biển đánh vào đưa cát đi, làm cho chân đê bị xói lở, cây cối trồng để chắn đê bị đổ, ngã. Nếu không kịp thời khắc phục thì có nguy cơ sẽ sập mặt đê.

“Địa phương đã đặt vấn đề với Chi Cục Thủy lợi có kế hoạch để đổ đất hàn gắn kịp thời. Thế nhưng, hiện mới khắc phục được một phần”, ông Thanh cho hay.

Tại tuyến kè thuộc khu vực sông Hiếu nối với cửa biển Cửa Việt, huyện Gio Linh có chiều dài 3,2km. Cơn bão số 10 đã làm sạt lở hàng chục đoạn, bình quân các điểm sạt lở có chiều dài khoảng 1 - 2m, điểm nặng khoảng 3 - 4m.

Tỉnh Quảng Trị có bờ biển dài trên 75km, có trên 10km đê trực tiếp biển, gần 50km đê cát và gần 50km đê cửa sông bảo vệ hàng chục nghìn hộ dân sinh sống.

Ông Lê Đa Sơn, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã cho gia cố tạm thời bằng việc lấp đất, đá trên những chỗ bị sạt lở.

Hiện tại, do tình trạng sạt lở nặng ở nhiều tuyến đê, tỉnh Quảng Trị đã cho gia cố tạm thời bằng “phương pháp mềm”. Về lâu dài, các tuyến đê biển cần được gia cố vững chắc, kiên cố để đảm bảo an toàn trong mỗi mùa mưa bão.

Nỗi lo đê biển bị sạt lở nghiêm trọng - 4

Đăng Đức