Nồi bánh chưng đỏ lửa giữa Sài thành

(Dân trí) – Cứ mỗi độ tết đến xuân về, thay vì phải đi mua, nhiều gia đình ở Sài Gòn vẫn tự tay gói bánh chưng xanh ăn Tết. Đây không chỉ là một cách để tiết kiệm chi tiêu mà còn là một thú vui, để không khí ngày Tết thêm trọn vẹn.

Gói bánh chưng đón tết đã trở thành thông lệ trong gia đình bà Lan Hương

Gói bánh chưng đón tết đã trở thành thông lệ trong gia đình bà Lan Hương
Gói bánh chưng đón tết đã trở thành thông lệ trong gia đình bà Lan Hương

Mâm cỗ ngày Tết trong mỗi gia đình Việt dù sang hay nghèo đều không thể thiếu chiếc bánh chưng xanh. Khác với những vùng thôn quê, sau mùa vụ người dân có thời gian rãnh rỗi để chuẩn bị cho gia đình những ngày xuân chu toàn nhất, ở chốn thành thị mọi người đều vùi đầu vào công việc. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những gia đình còn rất mặn mà với cách ăn Tết truyền thống. Họ muốn tự tay mình chuẩn bị những món truyền thống cho ngày tết thêm đầm ấm hơn.

Nhiều năm qua, chừng khoảng 27 hoặc 28 tết khi các con bước vào kỳ nghỉ tết, gia đình bà Lan Hương (ngụ tại quận Phú Nhuận) lại râm ran tiếng cười nói. Mỗi người một tay, từ chuẩn bị khuôn, lá giong, lạt giang đến… gói bánh gần như ai cũng thành thạo. Không phải là dân chuyên nghiệp nấu bánh để bán nhưng những chiếc bánh qua bàn tay "thợ nhà" vẫn vuông thành sắc cạnh trông rất bắt mắt.

Những chiếc bánh vuông thành sắc cạnh được tạo nên từ những đôi tay thợ nhà.
Những chiếc bánh vuông thành sắc cạnh được tạo nên từ những đôi tay "thợ nhà".

Bà Lan Hương cho biết: “Năm nay gia đình tôi gói 10kg gạo kết hợp với nhân đậu xanh, thịt heo, hành, đậu phụng. Sau khi luộc chín, dự kiến sẽ cho ra lò khoảng gần 30kg bánh thành phẩm. Theo thông lệ như mọi năm, những chiếc bánh sẽ được mang biếu, tặng những người thân trong gia đình và đối tác làm ăn của các con. Việc gói bánh và nấu bánh tuy hơi cực và mất nhiều thời gian nhưng ai trong gia đình cũng thấy vui. Với gia đình tôi gói bánh chưng đón tết từ lâu đã thành một thông lệ, chúng tôi muốn gìn giữ cho con cháu những nét đẹp của văn hóa tết truyền thống.”

Năm nay cũng có không ít gia đình chuyển từ mua bánh chưng bán sẵn về ăn Tết để quay lại với việc tự tay gói bánh. “Cách đây ba năm, tôi mua tặng sui gia cặp bánh chưng để biếu làm quà. Đầu năm mới khi gia đình tôi qua chúc tết, ông bà sui mang cặp bánh ra làm cỗ thì mới hay bánh luộc còn chưa chín. Chuyện ngoài ý muốn nhưng tôi cứ thấy áy náy trong lòng nên từ hai năm nay tôi quyết tâm nấu bánh, tận tay mang biếu sui gia và để dùng trong gia đình. Ăn uống chẳng hết mấy nhưng cái thú là tìm được niềm vui trọn vẹn cho ngày Tết.” Bác Nguyễn Văn Bình, ngụ tại quận Thủ Đức chia sẻ.

Tự tay nấu bánh để mang niềm vui trọn vẹn cho ngày Tết
Tự tay nấu bánh để mang niềm vui trọn vẹn cho ngày Tết

Cùng với bác Bình, không ít người cũng quyết định quay lưng với bánh chưng “chợ trời” bởi bánh mua về nhiều khi ăn không hợp khẩu vị, bánh đã để lâu… và đặc biệt trong thời buổi kinh tế khó khăn bỏ ra hàng trăm nghìn đồng để mua một hai cặp bánh chưng ăn tết cũng là chuyện đáng để bàn. Vì thế giữa Sài Gòn tấp nập mỗi khi Tết đến xuân sang, nét đẹp của văn hóa truyền thống cũng theo về khi nhiều gia đình nổi lửa nấu bánh chưng.

Chiếc bánh chưng luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong mâm cúng tổ tiên
Chiếc bánh chưng luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong mâm cúng tổ tiên

Vân Sơn