Những tình tiết “chưa được kể” trong vụ bắt cóc con tin tại Huế

(Dân trí) - Thượng tá Mai Xuân Nghĩa, Thủ trưởng cơ quan điều tra hình sự khu vực 4 (thuộc quân khu IV, đóng tại TP Huế) đã kể lại với <i>Dân trí</i> những tình tiết chưa được công bố ngay trong đêm diễn ra trọng án.


Những tình tiết “chưa được kể” trong vụ bắt cóc con tin tại Huế - 1

Thượng tá Mai Xuân Nghĩa đang tường thuật lại chiến dịch hơn 11 giờ giải cứu con tin
 

Đêm 16/1, Trung tướng Nguyễn Hữu Cường, Tư lệnh Quân khu 4 đã hỏa tốc vào Huế và trực tiếp chỉ huy chính vụ việc. Cùng phối hợp là Thiếu tướng Nguyễn Thanh Toàn - GĐ Công an TP Huế, Thượng tá Đặng Ngọc Sơn - Trưởng CA TP Huế, Đại tá Đặng Ngọc Nghĩa - Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bí thư tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn đại diện tỉnh cũng đã có mặt từ rất sớm.

 

Trung tướng Nguyễn Hữu Cường đã bám sát hiện trường chỉ trong khoảng 100 mét để đốc thúc, chỉ huy anh em. Đây là một khoảng cách này quá nguy hiểm vì đối tượng có thể xả súng bất cứ lúc nào.

 

Do trong tay Minh đang có 1 con tin nên rất nhiều phương án được “cân, đo, đong, đếm” từng ly một. Theo tướng Cường “Chỉ một sơ suất nhỏ có thể lấy đi sinh mạng của rất nhiều người, gồm đối tượng - con tin và các chiến sĩ ”.

 

Toàn bộ lực lượng công an tỉnh, thành phố, bộ đội, dân phòng, dân quân tự vệ đã được báo động khẩn, về tại các vị trí chiến đấu. Một đội lính bắn tỉa cũng sẵn sàng lên đạn tại các điểm cao xung quanh. Cứu thương túc trực vòng ngoài chờ đợi.
 
Những tình tiết “chưa được kể” trong vụ bắt cóc con tin tại Huế - 2

Toàn bộ các lực lượng đã vào cuộc, và không thể thiếu các phóng viên

 

Cái khó là Minh đã bị dồn vào đường chân tường, đang muốn chết và trả thù với súng, đặc biệt là 1 quả lựu đạn. Do người cao lớn (1m73, nặng 64kg), đã học xong ở trường hạ sỹ quan và được huấn luyện qua nhiều lớp chiến đấu đặc biệt nên Minh rất giỏi trong vận dụng địa hình. Điểm nguy hiểm nhất là Minh có thể bắn chính xác trong nhiều điều kiện khác nhau, kể cả trong bóng tối. Với rất nhiều đạn trong người, trong “phút cuối”, như một con thú hung bạo, Minh sẽ có thể gây ra bất cứ hậu quả nghiêm trọng nào cho người xung quanh.

 

Theo nhận định của chỉ huy, Minh vẫn còn đủ lý trí khi chỉ bắn súng cảnh cáo. Không nhắm vào đối tượng nào mà chỉ bắn chỉ thiên hay bắn xuống đất. Vì vậy, hình thức tiêu diệt Minh không được thông qua.

 

Đi cùng hàng trăm chiến sỹ công an, bộ đội lúc đó còn có nhiều biệt động thành phố năm xưa. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải giải quyết nhanh, không nên để qua đêm. Vì đến ngày hôm sau, đối tượng sẽ thuận lợi hơn với ánh sáng. Tướng Cường đã phải cân nhắc rất kỹ các phương án đưa ra. Các cửa sổ được đo từng khung để tính toán hình thức phá cửa. Lựu đạn cay cũng phải hạn chế vì dùng nhiều trong phạm vi hẹp sẽ dễ gây ra tử vong cho con tin lẫn kẻ uy hiếp…
 
Những tình tiết “chưa được kể” trong vụ bắt cóc con tin tại Huế - 3

Căn phòng nơi Minh khống chế con tin

 

Cuối cùng thời gian đã được quyết định: rạng sáng ngày 17/1, các chiến sỹ sẽ đột nhập vào phòng Minh. Vì nếu sáng ra, dân cư sẽ rất hoảng sợ trước đối tượng có vũ trang lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Huế.

 

Lệnh tấn công phát ra, trong gần 30 giây, tất cả được giải quyết. Sau khi hình nhận được điều khiển từ sân thượng đập vỡ cửa sổ, một chiến sĩ đu dây xuống và xịt khói mù vào phòng. Cùng lúc 2 quả lựu đạn cay tung vào. Minh ngất đi ngay tức khắc. Nhưng trước khi ngất, Minh đã chủ động ném súng AK xuống lầu để đầu hàng. Đồng thời anh la lên “Cứu người gấp không họ chết” khi thấy bé Thu Trang (con tin) đã bị ngất xỉu ngay lúc khói tràn vào.
 
Những tình tiết “chưa được kể” trong vụ bắt cóc con tin tại Huế - 4

Vị trí từ cửa sổ tầng 3 nhà nghỉ Như Phước, Minh đã vứt súng AK xuống đất quy hàng.

 

Tại phòng 14 nhà nghỉ Như Phước - nơi trú ẩn của Minh, lực lượng đã thu giữ 21 viên đạn chưa dùng cùng một lựu đạn huấn luyện (loại lựu đạn không gây tử thương, chỉ làm bị thương trong khoảng cách 3m trở lại). Minh và bé Thu Trang ngay sau đó đã được sơ cứu và đưa đi cấp cấp cứu tại bệnh viện. 
 

Bài, ảnh: Đại Dương