Ngày chăm sóc và bảo vệ người khuyết tật Việt Nam 18/4:

Những phụ nữ khuyết tật giàu nghị lực

(Dân trí) - Những người phụ nữ khuyết tật không thiếu nghị lực để sống, để hòa nhập với xã hội và để vươn lên trong cuộc sống. Nhưng con đường họ phải đi quá gian lao và đầy ánh mắt e ngại…

“Chúng tôi không muốn dựa dẫm”

Dù dị tật đôi chân nhưng chị Xuân Thủy (quận 8) vẫn không cam chịu số phận dựa dẫm cả đời vào gia đình. Chị luôn tự nhủ: “Mình đã không đi được bằng đôi chân thì mình vẫn còn đôi tay”.

Vậy là chị tham gia tập luyện và trở thành vận động viên bơi lội của TP, năm nào cũng giành được nhiều huy chương vàng của các giải thi đấu dành cho người khuyết tật (NKT). Tự biết thể thao cũng không nuôi sống được mình, chị cố công tìm một công việc cho bản thân. Cuối cùng, chị quyết định học nghề chăm sóc thẩm mỹ. Đến nay chị cũng đã có một công việc ổn định.

Sinh ra cũng như bao đứa trẻ khác, nhưng cơn sốt năm 1 tuổi đã làm đôi chân chị Huỳnh Anh không phát triển bình thường được nữa, nó teo tóp dần. Dù vậy, chị chưa từng nghĩ cái tật ấy cản trở con đường học tập và phấn đấu của mình. Chị vẫn đến trường đều đặn như những người bạn cùng trang lứa và cũng tốt nghiệp đại học với thành tích chẳng hề kém ai.

Lấy chồng cũng là một NKT, sinh 2 đứa con, gánh nặng gia đình đè nặng trên vai người phụ nữ khuyết tật nhỏ bé nhưng chị chưa từng nản lòng và làm quần quật cả ngày để có thu nhập chăm lo cho gia đình. Chị còn cố dành ra một khoản tiền nhỏ hàng tháng để lập quỹ học bổng “Ngọn nến niềm tin” cho các em KT khó khăn mà mình biết.

Chung số phận, chị Hoàng Yến cũng bị tật chân sau cơn sốt bại liệt năm ba tuổi, một chân của chị mất khả năng vận động, chân còn lại rất yếu. Chị chỉ có thể di chuyển bằng nạng trong một quãng đường ngắn.

Thế nhưng chị vẫn cố gắng học tập, ganh đua với xã hội. Đến nay chị đã có hai bằng đại học, tốt nghiệp thạc sĩ ngành Khoa học hành vi tại ĐH Kansas, Hoa Kỳ với khóa luận xuất sắc, làm Giám đốc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển của ĐH Mở TPHCM, nhận được nhiều giải thưởng của các tổ chức quốc tế về hoạt động nghiên cứu và cống hiến cho cộng đồng NKT Việt Nam…

Chị Phạm Chi Lan, Giám đốc Công ty Trái tim hồng, một NKT thành đạt chia sẻ: “Chúng tôi không muốn dựa dẫm, muốn vươn lên hòa nhập cộng đồng bằng chính đôi tay và khối óc của mình”.

Những phụ nữ khuyết tật giàu nghị lực - 1
NKT không hề thiếu nghị lực

Những cơ hội xa vời…

Để đạt được những thành công nhất định trong cuộc sống, mọi người đều phải nỗ lực. Nhưng đối với NKT nói chung và phụ nữ KT nói riêng, nỗ lực ấy càng phải lớn lao vô cùng…

Để đạt được những thành công hôm nay trong ngành thể thao NKT, chị Xuân Thủy đã mất không biết bao nhiêu ngày tập luyện trong khó khăn, thiếu thốn. Để có một công việc ổn định, chị cũng phải kiên trì tìm kiếm, học tập và cạnh tranh với nhiều người…

Để có thành công hôm nay, chị Hoàng Yến cũng mất gần 30 năm tuổi trẻ cho việc học tập, học từ trong nước đến nước ngoài để chứng tỏ mình không thua kém mọi người. Chị tâm sự: “Khi vừa tốt nghiệp Đại học, tôi đi tìm việc ở nhiều nơi, phỏng vấn thì ai cũng hài lòng với năng lực của mình nhưng khi thấy đôi chân của tôi thì họ lại e ngại. Điều đó càng khiến tôi cố gắng học tập nhiều hơn, hoạt động nhiều hơn để thay đổi nhận thức xã hội, hỗ trợ NKT phát triển hoàn thiện hơn”.

Còn con đường của chị Huỳnh Anh cũng không kém chông gai. Chị đã mất không biết bao nhiêu lần tìm việc trước ánh mắt e ngại của mọi người, chị cũng đã 5 lần đổi việc mới có công việc ổn định và thu nhập tạm ổn như hiện nay. Chị tâm sự: “Cuộc sống luôn khó khăn đối với mọi người, phải thích nghi với mọi hoàn cảnh để sống tốt hơn. Hãy chấp nhận rồi tự bản thân điều chỉnh”…

Thế nhưng, trong số 6,1 triệu NKT Việt Nam có bao nhiêu người có nghị lực và tài năng như Huỳnh Anh, như Hoàng Yến, như Xuân Thủy… để vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực để đạt được điều bình thường nhất trong cuộc sống: một công việc bình thường và ổn định?

Chị Thanh Phương, chủ cơ sở Thêu Cuộc sống, tâm sự: “Trước đây, khi đi tìm việc, tôi cũng từng gặp những cái nhìn nghi ngại của nhiều người. Nhưng với nghị lực của mình, tôi đã vượt qua tất cả và tạo dựng cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho chị em cùng cảnh. NKT không thiếu nghị lực, chỉ mong sao nhà nước, doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện giúp họ có việc làm, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống”.

Những phụ nữ khuyết tật giàu nghị lực - 2
Như cánh nhạn yếu muốn bay về phương nam tránh rét, cần có sự chở che chắn gió của đồng loại mạnh khỏe hơn.

Tùng Nguyên