Quảng Trị:

Những phụ nữ không mong đợi nhận quà và hoa

(Dân trí) - Ngày 8/3, họ không hy vọng mình sẽ nhận được những bông hoa tươi thắm từ chồng, con, cũng như những món quà cùng lời chúc tụng. Việc quan trọng nhất với họ là chỉ biết quần quật lao động, vun đắp cho cuộc sống gia đình.

Với những chị, em phụ nữ ở chốn thị thành, có thể do điều kiện kinh tế khá giả, công việc hành chính cũng an nhàn hơn, nên ngày 8/3 họ nhận được rất nhiều lời chúc từ người thân trong gia đình, bạn bè đồng nghiệp hoặc với những cô gái, ngày này cũng là dịp để họ nhận được những tình cảm, những lời yêu thương, đằm thắm từ bạn trai của mình. Còn các mẹ, các chị ở nông thôn, ngày 8/3 cũng như bao ngày khác, họ vẫn phải làm việc suốt ngày đêm để cuộc sống không bị đói, không phải thiếu trước hụt sau. Chính vì thế mà ngày này đối với họ cũng không có nhiều ý nghĩa gì đặc biệt.

Tiếp xúc với nhiều mẹ, nhiều chị em phụ nữ ở những miền quê, tôi chợt nhận ra rằng họ không hề biết đến Quốc tế phụ nữ là ngày gì, có liên quan tới họ hay không? Số ít người biết ngày này nhưng vì cuộc sống thường ngày quá bộn bề sự lo toan khiến họ cũng không cần màng tới.

Cứ chiều nào bà Gái cũng gánh hàng rong đi dọc các tuyến phố Đông Hà để bán bánh lọc kiếm sống
Cứ chiều nào bà Gái cũng gánh hàng rong đi dọc các tuyến phố Đông Hà để bán bánh lọc kiếm sống

Cứ chiều đến, bà Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, ở phường 1 Tây Trì, TP Đông Hà) lại đặt lên vai gánh hàng bánh lọc, bánh nậm để bán cho người đi đường. Khuôn mặt của bà khắc khổ và nhiều nếp nhăn hơn bởi bà phải làm vất vả mới đảm bảo cuộc sống cho gia đình.

Bà Gái cho biết, nghe mọi người bàn tán về ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 thì cũng biết vậy thôi: "Tui già rồi, quan tâm làm gì hả chú. Sức khỏe của tui càng ngày càng yếu rồi, không làm được việc nặng nhọc nữa nên mỗi ngày phải đi bán rong như thế này kiếm mấy chục ngàn mà sống qua ngày thôi."

Dù tuổi đã cao nhưng bà Thư vẫn phải lao động để đỡ đần cho các con
Dù tuổi đã cao nhưng bà Thư vẫn phải lao động để đỡ đần cho các con

Ngày 8/3, bà Trần Thị Thư (78 tuổi, ở Cam An, Cam Lộ) vẫn phải ra đồng để bón thúc cho mảnh lúa. Bà cho biết, đây là giai đoạn lúa cần chất dinh dưỡng, chuẩn bị sinh trưởng nên phải bón như thế này để lúa có sức trổ bông. Khi được hỏi về ngày 8/3, bà Thư chỉ cười rồi nói: "Hôm qua nghe mấy chị em trong Hội phụ nữ thôn tổ chức tọa đàm gì đó nhưng tui không đi. Mình già rồi, đâu cần quan tâm đến ngày đó làm gì nữa, để con cháu tham gia."

Vì miếng cơm manh áo, những người như bà Gái, bà Thư phải chấp nhận hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư của chính mình để góp phần vun đắp cho cuộc sống gia đình.

Vì lo toan với cuộc sống khiến nhiều chị em phụ nữ nông thôn quên đi niềm hạnh phúc của riêng mình
Vì lo toan với cuộc sống khiến nhiều chị em phụ nữ nông thôn quên đi niềm hạnh phúc của riêng mình

Với không ít những chị em trẻ tuổi hơn, ngày 8/3 cũng không có gì đặc biệt, dù họ biết đó là ngày cả thế giới tôn vinh phụ nữ, một nửa của thế giới này. Chị Dương Thị Trang cho biết: “Nông dân như chúng tôi quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như vậy mà cũng không đủ ăn và nuôi con cái ăn học thì đâu có thời gian nghỉ ngơi để trau chuốt cho mình. Chỉ mong sao khi các con khôn lớn, có công việc ổn định và bớt vất vả hơn một chút là hạnh phúc lắm rồi”.

Nhiều chị phải đi nhặt vỏ bao bì bán lấy tiền sống qua ngày
Nhiều chị phải đi nhặt vỏ bao bì bán lấy tiền sống qua ngày

Rất nhiều chị em phụ nữ ở các miền quê, do không có việc làm thêm nên phải dạt lên thành phố để bán hàng rong, nhặt lon bia, vỏ bao bì… kiếm sống. Thậm chí, có những chị không quản nặng nhọc xin đi làm phụ hồ, những việc đáng nhẽ chỉ dành cho đàn ông. Đối với họ, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là thấy con cái trưởng thành, gia đình ấm êm. Lúc đó, dù cuộc sống có khó khăn đến mấy, họ cũng vui vẻ nhận vất vả, sự nhọc nhằn về mình.

 Đăng Đức