Những pha "lội ngược dòng" của ngành nông nghiệp năm 2016

(Dân trí) - Sáng nay (26/12), Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2016 và triền khai kế hoạch 2017. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo hội nghị.

Quang cảnh Hội nghị...
Quang cảnh Hội nghị...

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong năm 2016, toàn ngành NN&PTNT đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những kết quả tích cực; tình hình sản xuất, kinh doanh được duy trì và có những “bứt phá ngoạn mục”; qua đó, góp phần ổn định đời sống, bảo đảm an sinh xã hội của nhân dân và phát triển đất nước.

Ba điểm sáng lớn mà ngành đạt được là: Tăng trưởng được phục hồi sau 6 tháng tăng trưởng âm; xuất khẩu đạt mức cao kỷ lục 32,1 tỷ USD, tăng hơn 6% so với 2015; vấn đề an toàn thực phẩm có sự chuyển biến căn bản, rõ nét, được cả hệ thống chính trị, xã hội đánh giá cao.

Trong bối cảnh khó khăn dồn dập, liên tục xảy ra, Bộ NN&PTNT đã đề ra các giải pháp sát đúng và quyết liệt triển khai thực hiện, nên tăng trưởng ngành được phục hồi sau 6 tháng cuối năm.

Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt khoảng 1,2%; giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) tăng 1,44%, trong đó: Trồng trọt giảm 0,9%, chăn nuôi tăng 5,4%; lâm nghiệp tăng 6,17%; thuỷ sản tăng 2,91%. Đây là kết quả quan trọng, khẳng định được sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng và sự điều chỉnh sản xuất, kinh doanh kịp thời của cả ngành nên đã phục hồi được tăng trưởng.


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Con số tăng trưởng GDP Ngành đạt 1,2% thể hiện sự cố gắng rất lớn của các địa phương, bà con nông dân, đường lối chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và của cả hệ thống chính trị. Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV vừa qua, 70% ý kiến các đại biểu Quốc hội phát biểu tập trung cho nông nghiệp là chính. Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp bàn cũng chủ yếu về nông nghiệp; Chính phủ thì hầu như kỳ họp nào cũng dành một thời gian thích đáng cho nông nghiệp nên chúng ta đã giành được một kết quả trong một hoàn cảnh khó khăn, khốc liệt như vậy”.

Theo báo cáo, để có thể lấy lại đà tăng trưởng ngành trong 6 tháng cuối năm, phải nhắc vai trò chỉ đạo, điều hành sâu sát và quyết liệt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ ngành cùng sự đồng hành vào cuộc của các địa phương. Như cơn bão số 1 (đầu tháng 8/2016) đã khiến 229.000ha, chiếm 45% diện tích lúa khu vực đồng bằng sông Hồng vừa cấy xong bị ngập lụt. Đích thân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, người vừa mới nhậm chức “tư lệnh” ngành NN&PTNT đã trực tiếp xuống bàn với 4 tỉnh trọng điểm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cơn bão này gây ra. Cuối cùng, chúng ta đã có được vụ mùa bội thu với năng suất đạt từ 60-62 tạ/ha.

Nhờ chỉ đạo quyết liệt, trong năm 2016, mặt hàng rau quả đánh dấu sự phát triển mạnh vượt trội khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đã “vượt qua mặt hàng gạo”, cán đích 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015. Tương tự, mặt hàng tôm nước lợ đã phục hồi và gia tăng mạnh mẽ sau khi Bộ ban hành kế hoạch hành động cụ thể cho 6 tháng cuối năm.

“Với kế hoạch hành động quyết liệt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám đã trực tiếp chỉ đạo các hội nghị cùng với các địa phương về quản lý giống, nuôi và tiêu thụ, nên 6 tháng cuối năm sản lượng tôm đạt vượt 650.000 tấn. Đây là một mốc lịch sử đối với tôm. Bên cạnh đó, diện tích thả nuôi cũng được mở rộng lên 700.000 ha... Nhờ đó, xuất khẩu tôm cả năm nay ước đạt 3,2 tỷ USD” – ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết.

Lĩnh vực chăn nuôi cũng có sự “bùng nổ” mạnh mẽ trong năm nay với tổng đàn lợn tăng lên 29,1 triệu con (tăng 4,8%), đàn gia cầm tăng lên 364,5 triệu con (tăng 6,6%)…; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng 5,4% so với năm 2015.

Đánh giá về tiềm năng phát triển chăn nuôi, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: Năm 2016, Việt Nam xuất khẩu được gần 60.000 tấn lợn hơi với giá trị đạt hơn 1 tỷ USD. Thời gian tới, ngành chăn nuôi Việt Nam nếu làm tốt và bài bản hơn thì hoàn toàn có thể xuất khẩu được 2 triệu tấn lợn hơi.

Tựu chung lại, chính định hướng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản kịp thời với giá cả hợp lý, có lợi cho nông dân, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản gia tăng ở mức “kỷ lục”, cả năm ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 1,7 tỷ USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê tăng 25,5%, hạt điều tăng 18,3%, hạt tiêu tăng 12,7%, thủy sản tăng 6,3%... và chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai không có Tết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không được để người dân vùng chịu ảnh hưởng thiên tai không có Tết.

Tại Hội nghị trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những thành tích mà ngành nông nghiệp đã đạt được. Nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm qua, đặc biệt là năm 2016 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, đóng góp rất lớn cho tăng trưởng chung GDP của cả nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT và các địa phương cần tiếp tục khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Trước mắt, huy động mọi nguồn lực lo Tết cho người dân khu vực vừa chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, không được để người dân nào không có Tết.

"Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao chất lượng, không chỉ tập trung vào sản lượng; tiếp tục tổ chức sản xuất, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nông nghiệp, các công ty lâm nghiệp tổ chức sao cho có hiệu quả; Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế biến sâu; Tiếp tục khai thác mạnh mẽ quốc tế hơn; Cần tập trung phát triển theo hướng nhóm sản phẩm lợi thế quốc gia, vùng miền, tránh đầu tư dàn trải" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nguyễn Dương