Những người Mường “cưỡi” ô tô lên nương

(Dân trí) - 5h sáng, những nông dân xóm Rổng Cấn thuộc bản Mường (Lương Sơn, Hòa Bình) đã lục tục khua nhau dậy. Mỗi người lót dạ lưng bát cơm nguội để chuẩn bị cho một ngày mới lên rẫy... Tất cả họ đi làm nương đều bằng xe ô tô.

5h30 sáng 28/10, chúng tôi có mặt tại cổng sân golf xã Lâm Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình, những thúng xôi nóng hổi được bày sẵn để phục vụ bà con lên nương. Khoảng 6h sáng, chiếc xe tải biển kiểm soát 28NN... kìn kìn nhả khói đến đón bà con ở bản Mường - xóm Rổng Cấn cùng quang gánh, cuốc, thuổng, dao rựa... vứt tuốt tuột lên thùng xe ô tô.

Chiếc xe tải dần dần chuyển bánh, ngoắc ngoéo, lắc lư đưa bà con đến tận bìa rừng thuộc địa phận xóm Thung Dâu. Và cứ đúng 11h trưa và 17 giờ chiều, bà con nông dân lại lục tục kéo nhau ra bìa rừng để kịp lên ô tô trở về bản. Người nào rớt lại sẽ phải đi bộ gánh đồ tới 4 - 5km.

Những người Mường “cưỡi” ô tô lên nương - 1
Trời còn mờ sáng, bà con lục tục kéo nhau lên ô tô đi làm nương.
 

Những tưởng, cuộc sống của bà con nông dân ở đây có lẽ là sung túc, hiện đại nhất Việt Nam... Nhưng sự thật lại không như vậy!

 

Đến muộn, 500 m thành 5 km

 

Chị Nguyễn Thị Thắm (xóm Rổng Cấn) tỏ ra bức xúc: “Công việc của người nông dân chúng tôi đi làm từ xưa đến nay đã chẳng có giờ giấc gì, cứ bắt chúng tôi phải trèo lên ô tô đi làm như những người nhà nước thì chẳng khác nào cho chúng tôi đi đày. Sáng ra thì ăn vội ăn vàng, vào nương rẫy cùng phải làm ào ào ra nhanh cho kịp giờ xe chuyển bánh không lại phải đi bộ gánh hàng dài hàng 4 - 5 km ai mà chịu nổi”.

 

Những người Mường “cưỡi” ô tô lên nương - 2
11h15 phút họ gồng gánh trở về.
 
Theo chị Thắm, bà con của xóm Rổng Cấn có khoảng gần 100 hộ dân, trong đó có đến 50 hộ được “cưỡi” ô tô đi làm nương rẫy và trước đây muốn lên ô tô thì số hộ dân này phải có một tấm thẻ đeo vào cổ để vào trong khu vực sân golf, giờ thì họ bỏ rồi, tuy vậy, muốn vào cổng thì đều phải trình diện bảo vệ, ghi tên thì mới được lên xe. 

Theo quan sát của chúng tôi, tại cổng sân golf một người đàn ông mặc đồng phục bảo vệ đang tiến hành ghi họ tên của từng người, khi chúng tôi định thử trà trộn vào đám người nông dân ấy thì ngay lập tức chúng tôi được mời ra khỏi cổng.

Một người nông dân đi cùng chị Thắm tâm sự: “Mỗi lần lên nương làm rẫy chúng tôi đều phải dậy thật sớm, ăn qua loa bát cơm nguội rồi nhanh chân tập trung trước cổng để bảo vệ ghi tên, ô tô tải chở bà con qua khu vực sân golf thả cho đi bộ vào nương sản xuất, thu hoạch. Đấy anh xem mấy người kia chỉ vì ra chậm mà phải quay về đi luồn lách qua đường rừng dài tới 5 cây số, gần trưa mới vào được tới nương”.

 

Những người Mường “cưỡi” ô tô lên nương - 3
Đến chiều lại chờ để được qua cổng bảo vệ đi làm nương.

 

“Cấm” đi nương những ngày đông khách (!?)

 

Thế nhưng được đi ô tô hay đi bộ vòng qua vùng ngoài của sân golf vẫn còn tốt chán, điều mà bà con ở bản Mường sợ nhất vẫn là những hôm sân golf có đông người chơi vào các ngày nghỉ cuối tuần thì họ bị cấm tiệt không được đi vào nương, mặc cho chuối chín rụng, ngô, khoai... “quá thì”.

 

Để vào được với nương rẫy không theo đường… ô tô, bà con phải vượt qua những con dốc dựng đứng.

Bà Đinh Thị Lan, 50 tuổi, ở xóm Rổng Vòng dẫn tôi đi xe máy vòng ra con đường nằm ngoài sân golf. Đây là con đường độc đạo dẫn vào khu “thung lũng nhà bò” trước khi lên nương rẫy của bà con.

Những người Mường “cưỡi” ô tô lên nương - 4
Trèo đèo”...
 

Qua một trạm gác bảo vệ của sân golf, bà Lan chỉ tay về phía hàng rào dây thép gai, nơi có một lỗ hổng, phía dưới là một con đường mòn bé tí xíu: “Đấy! cái lỗ hổng đó chính là bà con bẻ ra để lấy lối đi, nhưng chỉ dám đi chui nhằm lúc bảo vệ nghỉ trưa hoặc chiều tối”.

 

Chiếc xe máy của tôi khựng lại lưng chừng dốc, bà Lan đề nghị tôi để xe máy lại vì muốn vào sâu trong nương thì không thể đi xe máy. Tôi và bà Lan tiếp tục quốc bộ theo con đường hình vòng thúng đến mỏi dừ cả chân.

 

Những người Mường “cưỡi” ô tô lên nương - 5
...Lội suối.

 

Vừa đi, bà Lan vừa kể, “trước kia toàn bộ diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư nhà tôi đến hơn 11.000m2 đều nằm trong khu vực sân golf. Khi bị thu hồi toàn bộ diện tích đất, cả nhà tôi chỉ còn biết trông vào mấy mảnh nương rẫy trên núi, giờ đến vụ thu hoạch, đường vào thì cheo leo, rất khổ mới gánh hàng về được. Đi qua sân golf đường bằng phẳng, thì họ không cho đi. Chúng tôi kêu mãi nhưng cũng chẳng thấy chính quyền đứng ra giải quyết”.

 

Suốt dọc đường chúng tôi bắt gặp không ít các bà, các chị gánh chuối, củ sả... bước đi trệu trạo mang hàng ra bán cho các nhà hàng.

 

Một chị nông dân tâm sự, mỗi cân củ sả chúng tôi chỉ bán được 2.000 đồng, để thu hoạch được một tạ sả chúng tôi cũng phải chăm sóc hàng tháng trời, 4 miệng ăn hàng ngày chỉ biết trông vào mấy sào nương rẫy.

“Phải chấp nhận hi sinh cho việc chung chứ!”

 

Một lãnh đạo xã Lâm Sơn nói, hơn một năm nay người dân ở xã Lâm Sơn này 100% là nông dân và đại đa số là người dân tộc Mường đều phải đi làm nương rẫy bằng ô tô như vậy. Gần 200 hộ nông dân còn lại của xóm Rổng Tằm, Rổng Vòng phải đi làm nương bằng con đường vòng vắt ngang lưng chừng núi dài khoảng 4-5km. Chính quyền cấp trên có biết và năm ngoái họ có xuống khảo sát để làm cho bà con một con đường khác đi vào nương, nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy đường đâu, còn bà con hàng ngày vẫn chịu cảnh như vậy.

 

Trao đổi với Dân trí, chính quyền địa phương nói: Khi thu hồi đất giao cho dự án sân golf chúng tôi chưa bao giờ được UBND tỉnh mời cùng tham gia khảo sát, chỉ khi họ giao quyết định thu hồi đất thì chúng tôi mới biết.

 

Còn ông Nguyễn Quang Hải, Chánh văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình thì khẳng định, khi thực hiện dự án sân golf có tiến hành khảo sát. “Tuy nhiên sự việc xảy ra như hiện nay là sự cố phát sinh trong khi triển khai dự án, quan điểm giải quyết của tỉnh sẽ cố gắng tạo điều kiện cho dân, thế nhưng dự án nào mà không có việc sơ suất này kia, tránh sao khỏi,người dân cũng phải chấp nhận hi sinh cho việc chung chứ”, ông Hải nói.

Bài và ảnh: Hồng Ngân