Những giọt máu tình người

(Dân trí) - Nghe tin bệnh nhân Nguyễn Thị Lan bị ung thư máu, cần một lượng máu lớn, phục vụ cho ca ghép tuỷ đầu tiên ở Việt Nam, hàng trăm người đã tìm đến Viện Huyết học và truyền máu trung ương chia sẻ những giọt máu của mình.

Niềm tin cho những người bị ung thư máu

Nguyễn Thị Lan - sinh viên năm thứ I Đại học Y Hải Phòng, bị ung thư máu - là bệnh nhân đầu tiên được Viện Huyết học và truyền máu trung ương chọn để ghép tủy theo phương pháp diệt tủy tối thiểu và tế bào gốc được gạn tách ở máu ngoại vi.

Đây là một trong những phương pháp tiên tiến, hiện đại nhất, với xác suất thành công rất cao, nhưng đòi hỏi một lượng máu lớn, đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về y học.

Ước tính, cần tới 300 người có cùng nhóm máu O với Lan mới gạn lọc đủ số máu tiêu chuẩn cho ca ghép này. Nếu không có đủ lượng máu cần thiết, mọi sự cố gắng của Viện cũng chỉ là con số không.

Anh Vũ Đình Mạnh, Uỷ viên thường trực Hội Thanh niên tình nguyện hiến máu nhân đạo (thuộc Hội liên hiệp thanh niên Hà Nội) cho biết, hội ý thức rất rõ tầm quan trọng của nhiệm vụ mà Viện Huyết học và truyền máu trung ương đã giao.

Phần lớn những người tình nguyện tham gia hiến máu chính là những thành viên của hội, những người luôn sẵn sàng hiến máu bất cứ khi nào có người cần. Ngoài ra có cả những người chỉ nghe tin cũng đến hiến máu. Chỉ trong một thời gian ngắn, số lượng máu yêu cầu đã có đủ. "Mất một ít máu nhưng có thể cứu được mạng sống của một con người. Đó là một việc làm rất nhân đạo" - anh Mạnh chia sẻ.

Bệnh nhân Lan đã trải qua 8 đợt điều trị hóa chất, tái phát 3 lần, gặp biến chứng trong quá trình điều trị như viêm gan nhiễm độc, nhiễm nấm nội tạng. Cô may mắn được chọn để tiến hành ca ghép tủy đồng loài đầu tiên của viện với người cho tuỷ là chị gái của cô. Được biết, quá trình ghép tuỷ của bệnh nhân đang được thực hiện và theo dõi.

Ca ghép tuỷ thành công không chỉ là sự mong đợi của những bệnh nhân đang bị ung thư máu hiện nay mà còn niềm mong chờ của những trái tim yêu thương đồng loại, những người đã tình nguyện hiến máu cho bệnh nhân Nguyễn Thị Lan.

Tình nguyện đã khó, tuyên truyền còn khó hơn

Ca ghép tuỷ của bệnh nhân Lan đặt ra vấn đề cần phải tuyên truyền như thế nào để ngày càng có nhiều người tình nguyện tham gia hiến máu. Bởi nếu không có đủ lượng máu cần thiết, thì dù y học có hiện đại tới cỡ não, các y, bác sĩ cũng đành bó tay. Tình nguyện hiến máu đã khó, nhưng tuyên truyền còn khó hơn. Đó là một thực tế hiện nay.

Lần đầu tiên đi đến quyết định hiến máu, đối với anh Vũ Đình Mạnh không dễ chút nào. Anh Mạnh kể: "Cũng phải mất 2 tháng suy nghĩ tôi mới dám hiến máu. Mới đầu tôi cũng lo vì có đọc một số tài liệu đâu đó nói rằng, lấy máu có hại và tôi cũng sợ đau. Nhưng về sau được mọi người giải thích là việc hiến máu này không đau lắm và sức khoẻ vẫn bình thường nên tôi đã đồng ý. Tính đến này, tôi đã hiến máu được 14 lần".

Lý do của Nguyễn Quỳnh Trang, sinh viên năm thứ 2, Học viện Báo chí tuyên truyền thì khác: "Năm đầu tiên vào trường, em cũng tò mò tham gia. Mục đích ban đầu là để được cộng điểm. Nhưng về sau khi tiếp xúc với các bạn tình nguyện viên nhận thấy việc làm này rất có ý nghĩa và em đã tham gia hội thanh niên tình nguyện vận động hiến máu. Từ đó đến giờ, em vẫn hiến máu thường xuyên, cứ 3 tháng lại hiến máu một lần. Tính đến nay đã được 8 lần".
 
Những giọt máu tình người - 1
Trang đang được bác sỹ hỗ trợ để hiến máu cứu người

Công việc của tuyên truyền viên vận động hiến máu thật không đơn giản chút nào. Trang cho biết, cô cùng các bạn thường vào các khu trọ sinh viên, phát tờ rơi, tuyên truyền bằng miệng trên đường phố, chăm sóc những người hiến máu, vận động gia đình bạn bè cùng lớp, những người mới quen hoặc là nói chuyện trên mạng...

Trang tâm sự: "Đi tuyên truyền khổ lắm. Bọn em cứ tuyên truyền theo kiểu đi lang thang trên đường phát tờ rơi, xin họ thời gian để đứng lại nghe mình nói. Hiệu quả thì không cao vì hầu như ai cũng không muốn đứng lại để nghe, để kịp hiểu.

Có lần ở quán nước, lúc trước mặt bọn em, họ không nói gì. Nhưng vừa quay lưng đi, họ đã bảo:"Hiến gì mà hiến, bọn này chỉ vớ va vớ vẩn". Thậm chí có những người nghĩ chúng em vận động hiến máu nhân đạo không phải vì mục đích nhân đạo. Họ nghĩ là nếu họ hiến không cho mình, rồi mình về lại bán lại cho người khác!".

Theo Trang, những người khó vận động họ đi hiến máu là những người đã ác cảm với chuyện này. Người sợ đau, người sợ bị lây nhiễm một số bệnh qua đường máu, và còn nhiều lý do khác nữa.

Anh Mạnh giải thích rõ hơn: Đó là những người đã có nhận thức lệch lạc, bảo thủ về việc hiến máu tình nguyện thì họ nhất quyết không thay đổi. Thứ hai, họ không được cung cấp thông tin đầy đủ và đặc biệt là họ đã từng chứng kiến những bất cập trong ngành truyền máu, ví dụ như phân phối máu không đều, hoặc có những tiêu cực...

"Thực ra số ấy không nhiều, nhưng những người ấy có thể vận động những người khác không đi hiến máu nữa, điều này thì rất nguy hiểm" - anh Mạnh nói.

Mặc dù các cơ quan đoàn thể, chính quyền đều tham gia vận động hiến máu nhân đạo nhưng trên thực tế, đối tượng tình nguyện hiến máu chủ yếu vẫn là thanh niên (chiếm 90% hiện nay) và lượng máu dự trữ trong các bệnh viện luôn trong tình trạng thiếu nghiêm trọng. Điều đó cho thấy, công tác vận động hiến máu ở nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, chưa đem lại hiệu quả.

Để thay đổi nhận thức của mọi người, theo suy nghĩ của Trang, rất cần sự tham gia tích cực của truyền thông đại chúng và các Bộ, ngành liên quan mà đơn cử ở đây là Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.

Lan Hương