Những đứa trẻ lớn lên từ bãi rác

(Dân trí) - “Nó là của em, em nhìn thấy trước mà…”, Nhật vừa mếu máo khóc vừa cố giành bằng được chiếc vỏ chai từ tay Huy. Đó là một trong vô vàn “cuộc chiến” tranh giành phế liệu của đám trẻ ve chai ở Huế.

Vào đời bằng những biệt danh

 

Đặc điểm của nhóm trẻ này là tuổi đời thì ít, tuổi “nghề” thì nhiều. Chúng đến từ nhiều nơi trong TP Huế, tụ tập thành những nhóm nhỏ và “chiếm cứ” cho mình những bãi rác riêng để “khai thác” phế liệu.

 

Nguyễn Văn Nam (cu Đen) - một “lão làng” vào bậc nhất của nhóm Trường An - lý giải nguyên nhân đi nhặt rác: “Cứ đến hè là bọn em lại nhặt phế liệu. Gia đình nghèo nên em phải phụ giúp ba mẹ”. Với chiếc mũ lưỡi trai rách nát, bộ quần áo ba lỗ cũ kỹ, chiếc bì đựng phế thải to tướng, cu Đen ra hiệu cho những đứa trẻ khác tản ra “kiếm ăn”. Cứ hai đứa thành một cặp.

 

Đứa nhỏ nhất trong nhóm là Lê Văn Bôn (cu Bôn) mới học lớp 3 nhưng hai tuần nay ngày nào cũng theo anh chị trong xóm đi lượm rác. Là người nhỏ nhất trong nhóm, không tìm được nhiều bằng các anh chị nhưng mỗi khi phế liệu của mọi người được “tập kết”, chiếc bì của cu Bôn cũng khá nặng. Các anh chị mỗi người cho nó một ít. Vì thế mà ngày nào trên con đường Ngự Bình - TP Huế, cu Bôn cũng có mặt để bán phế liệu cho các cô, chú đi thâu mua. Mỗi ngày cu Bôn kiếm được 15-25 nghìn đồng. Còn đàn anh chị của nó kiếm được trên 30 nghìn. Đó là số tiền lớn mà những đứa trẻ như chúng có thể đem về phụ giúp gia đình.

 

Cùng với các nhỏ Trường An của hội cu Đen, ở thành phố Huế còn có rất nhiều nhóm trẻ nhặt phế liệu khác như: nhóm An Cựu của cu Bi (Trần Văn Bình); nhóm Duy Tân của cu Sẹo (Hồ Văn Tuấn); Hàm Nghi có nhóm của cu Bin…

 

Những biệt danh giản dị, dễ thương như cu Đen; cu Sẹo; cu Bin… sẽ theo các em đi hết tuổi thơ cùng những bì phế liệu.

 

Ngay từ sáng sớm, nhiều nhóm trẻ đã bắt đầu “xuất kích” đi lùng sục khắp các ngóc ngách trong thành phố; từ cống rãnh đến những thùng rác, từ mép sông đến khe núi, từ dọc đường ray đến các công trường, bến xe… Không chỉ những em trai mà cả các bé gái cũng nhập cuộc.

 

Nguyễn Thị Thủy, cô bé trong nhóm cu Sẹo có mái tóc vàng cháy, nước da rạm nắng, đưa tay vén tóc tâm sự: “Bé đi nhặt phế liệu được bốn năm rồi. Cứ đến hè là bé lại cùng các bạn trong xóm rủ nhau đi. Không ai bắt tụi bé đi cả! Chỉ thương ba mạ nên tự ý đi thôi. Hôm nào được nghỉ học là tụi bé lại đi…”.

 

Bọn trẻ xông pha vào những bãi rác hầu hết bằng đôi chân trần hoặc đôi dép lê rách nát, đôi tay không được bảo hộ, cúi mặt thẳng xuống những bãi rác hôi hám và ô nhiễm. Nguy hiểm có thể đến bất cứ lúc nào, nếu chẳng may các em bới hay giẫm phải những mảnh chai, kim tiêm, sắt thép gỉ, hóa chất độc hại... Nhưng bọn trẻ vẫn vô tư đào bới, mong kiếm được càng nhiều phế liệu càng tốt.

 

Mịt mù đường đến tương lai

 

Trong số những em nhỏ nhặt rác ở Huế, chỉ có 1 số ít em may mắn vẫn còn có buổi cắp sách tới trường. Còn lại đa phần đã phải xa rời sách vở, cả ngày cúi mặt bên bãi rác. Có em chưa kịp tốt nghiệp cấp 1. Gia cảnh khốn khó không cho phép các em đi hết ước mơ học trò của mình.

 

“Con  Thủy nó học giỏi và ngoan lắm, nghe đâu năm nào cũng được học sinh tiên tiến. Chập tối nó mang phế liệu sang nhà tôi bán, rồi lại về chong đèn học đến khuya”, chị Nguyễn Thị Hương, một người thu mua phế liệu, cho biết.

 

Hầu hết trẻ trong nhóm phế liệu đều thông minh, lanh lợi; chỉ vì cả ngày vất vả bên những mảnh sắt, nhựa nên các em không còn thời gian giành cho việc học. Nhiều em học khá đến mấy, bố mẹ cố lắm cũng chỉ hết cấp 3 là dừng bút.

 

Tuổi thơ nhọc nhằn gắn với những bịch phế liệu nặng trĩu trên vai, tương lại vì thế cũng mịt mùng, xám ảm đạm như mảnh ve chai.

 

Lê Phi