1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Những dự án “hậu Vinashin” bị bỏ rơi

Hơn 2 năm kể từ ngày Vinashin bị đổ bể, hàng loạt lãnh đạo chủ chốt bị khởi tố, bắt giam. Cho đến nay, nhiều dự án của tập đoàn này vẫn đang trong tình trạng "thoi thóp", bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, gây lãng phí lớn...

Hiện Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) đã có bộ máy lãnh đạo mới, được tái cơ cấu với những hy vọng sáng sủa rằng năm 2013 có thể có lãi.
 
Dây chuyền Nhà máy cán thép nóng Cái Lân dừng hoạt động từ 2 năm nay. Ảnh: Trần Ngọc Duy
Dây chuyền Nhà máy cán thép nóng Cái Lân dừng hoạt động từ 2 năm nay. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Quảng Ninh: Tắt ngấm lò thép, hoang tàn khu công nghiệp cảng biển

Nhà máy cán thép nóng công suất 500.000 tấn/năm giá trị gần 2.900 tỉ đồng bỏ hoang; cách đó vài chục mét là nhà máy phát điện diesel công suất 39MW với suất đầu tư 36 triệu USD ở ngay tại KCN Cái Lân (TP.Hạ Long) cùng chung cảnh ngộ; đi thêm 160km về hướng đông bắc, KCN cảng biển Hải Hà trơ trụi, hoang vắng... Đó là tình cảnh của những dự án điển hình trong số 18 dự án được Tập đoàn Vinashin ồ ạt tổ chức đầu tư vào Quảng Ninh trong những năm “vương giả”.

Thép và điện cùng “chết”

Chiều 7/11, phóng viên tiếp cận Cty thép Cái Lân - Vinashin (KCN Cái Lân, TP.Hạ Long) chứng thực cảnh suy tàn, không một máy móc, thiết bị nào hoạt động và cũng chẳng có một bóng dáng công nhân ở nhà máy rộng vài chục hécta này. Các giàn máy trong nhà xưởng rộng mênh mông đều ở tình trạng phủ bụi. Một nhóm bảo vệ và nhân viên bảo trì của tổng thầu là Cty CP công nghiệp nặng Cửu Long (Hải Phòng) ngày đêm vẫn túc trực trông coi đống thiết bị Nhà máy thép Cái Lân.

Theo KS Nguyễn Trung Thu (người của bên Cty Cửu Long): Toàn bộ nhà máy cán thép tấm dành cho đóng tàu công suất 500.000 tấn/năm đã được lắp đặt xong và vận hành chạy thử đạt yêu cầu, nhưng chưa thể bàn giao (chìa khóa trao tay) cho phía Cty thép Cái Lân - Vinashin. Nhà máy này chỉ hoạt động được vài buổi sau khi ra lò mẻ thép tấm đầu tiên vào tháng 1.2010 và lần chạy “PR” trước quan khách trong buổi làm việc nêu trên... rồi tắt ngấm lò từ đó đến nay.

Nằm kế bên, cách vài chục mét là nhà máy phát điện diesel công suất 39MW cũng tắt ngấm cùng thời điểm với Nhà máy thép Cái Lân. Dự án này được Vinashin ký kết với Cty Jacobsen với nội dung thiết kế, xây dựng, (hợp đồng EPC - chìa khóa trao tay với giá trị 35,950 triệu USD). Theo kế hoạch, nhà máy được Vinashin phân phối vào lưới điện quốc gia và cung cấp cho Nhà máy cán thép nóng Cái Lân.
Vị Chủ tịch Cty công nghiệp tàu thủy Cái Lân là ông Tô Nghiêm đã bị cơ quan điều tra bắt giữ và đưa ra xét xử trong vụ án Vinashin do cố ý làm trái khi nhập dây chuyền, thiết bị quá đát hàng chục năm, không đúng trong hợp đồng. Toàn bộ thiết bị chính của nhà máy được tháo dỡ từ một nhà máy điện đã được lắp đặt, sử dụng tại Trung Quốc. Do đầu tư công nghệ lạc hậu, 2 năm qua, nhà máy điện này không thể hoạt động và đóng cửa hoàn toàn.

CN vận hành máy Trịnh Quang Điện và 8 bảo vệ ở đây- khi tiếp xúc với PV Báo Lao Động- đã than phiền rằng: “Chúng tôi đã 8 tháng nay bị Cty nợ lương, khiến hầu hết anh em phải tranh thủ làm ngoài để có tiền mưu sinh. Hiện “đống sắt” nổi này cũng đang bị ngân hàng tịch biên và không thể hồi sinh, do đốt dầu vận hành sẽ càng lỗ to”...

Khu công nghiệp, cảng biển - bãi hoang

Ngày 18.3.2007,-một ngày có ý nghĩa trọng đại với người dân nghèo huyện miền núi Hải Hà và tỉnh Quảng Ninh- khi sự kiện động thổ KCN cảng biển Hải Hà và khởi công Nhà máy đóng tàu Hải Hà -do Vinashin làm chủ đầu tư. Dự án gần 5.000ha được kỳ vọng sẽ có vài tỉ USD vốn đổ vào lĩnh vực: Luyện- cán thép, đóng mới, sửa chữa tàu biển, sản xuất nhiệt điện và lọc- hóa dầu kết hợp phát triển đô thị, được tỉnh Quảng Ninh coi là khu vực có vai trò quan trọng trong giao thương giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Mặc dù được “ưu ái” tạo mọi điều kiện trong khi chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, hồ sơ do các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chủ đầu tư là Tập đoàn Vinashin đã “sốt sắng” cùng các đối tác lao vào đổ đất lấn biển và khuếch trương dự án.

Vào thời điểm đầu năm 2008, tại đây luôn hiện hữu trên 300 phương tiện thủy và rất nhiều ôtô, xe máy hút, phun cát, đổ đất tạo mặt bằng cho KCN khiến nhiều người dân và chính quyền hứng khởi, tin tưởng dự án triển khai nhanh sẽ thay đổi diện mạo kinh tế địa phương. Nhưng vào cuối năm 2009, một số nhà thầu thi công nhận thấy dự án “bánh vẽ” được giao cho nhà đầu tư không có thực lực. Vài nhà thầu lâm vào cảnh không đòi được tiền thi công từ chủ đầu tư là Vinashin.

Tại thời điểm này (sau hơn 5 năm), khu vực này cũng chỉ là bãi đất hoang rộng vài chục hécta và cũng không có nhà máy đóng tàu nào được dựng lên. Để khu kinh tế, cảng biển này không thể ''chết'', Chính phủ vừa chấp thuận Cty CP Tập đoàn Indevco tiếp nhận dự án trên.

Theo lãnh đạo huyện Hải Hà, phía Tập đoàn Indevco đã xác lập xong quy hoạch xây dựng chi tiết (tỉ lệ 1/2.000), với các phân khu dự án cảng tổng hợp container, kho cảng hàng lỏng và một số nhà máy tạo tiền đề hạ tầng cơ sở, nhằm biến Khu kinh tế cảng biển Hải Hà sớm trở thành khu vực năng động trong mắt các nhà đầu tư.
Cảng khách Hòn Gai - Vinashin hiện đang được tỉnh Quảng Ninh xúc tiến tiếp nhận lại, sau vài năm bỏ hoang phí. Cảng này được Vinashin khởi công, nâng cấp vào 8.2007, với quy mô hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế cho tuyến vận tải hành khách cao tốc đường biển Bắc - Trung - Nam, có thể tiếp nhận loại tàu 85.000GT (vận chuyển 100.000 ôtô và 200.000-300.000 lượt khách/năm).

Dự án chia làm 2 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 645 tỉ đồng, gồm: Mở rộng cảng cũ ra biển thêm 28m, chiều dài cầu bến 250m; hệ thống nhà ga đón-trả khách tiêu chuẩn quốc tế 4 tầng với diện tích sử dụng 15.000m2; đường giao thông nội bộ, sân bãi đỗ xe và các công trình phục vụ đồng bộ.

Tuy nhiên, sau khi con tàu Hoa Sen “chết yểu” thì hoạt động của cảng khách Hòn Gai cũng “tê liệt” theo, trong khi các hạng mục đầu tư còn dang dở.
 
Theo Trần Ngọc Duy