Những cuộc mưu sinh lúc 0 giờ

(Dân trí) - Sài Thành về đêm, phố đã vắng bóng người, nhưng ở mọi góc hẻm, ngách phố vẫn thấp thoáng những mảnh đời mưu sinh. Kể cả lúc 0 giờ…

Những cuộc mưu sinh lúc 0 giờ  - 1

Quầy bắp nướng có khi đến 2-3h sáng vẫn chưa thôi đỏ lửa, dù khách mua rất thưa thớt.
 
Gần 12 giờ đêm, khu vực cầu Chợ Cầu 1 (quận Gò Vấp) đã bắt đầu thưa thớt. Ngay chỗ nhếch nhác nhất của đoạn cuối con đường Quang Trung nối với chiếc cầu, một hàng bắp nướng vẫn còn đỏ lửa. Cứ có người đi qua, cậu thanh niên bán hàng tầm tuổi 20 lại lên tiếng mời: “Bắp anh chị ơi!”. 

 

Cậu là Dương Văn Trang, thuê trọ trong con hẻm ở đường Phan Huy Ích (P.14, Q.Gò Vấp) bán bắp đêm đã hơn một năm nay. Mỗi đêm, bọc đựng hàng của Trang chứa từ 50 - 80 trái bắp, bán hết cậu mới soạn đồ ra về. Trang bán từ 6 giờ tối, thường khoảng 1 giờ sáng là hết hàng.

 

“Có hôm ế, em ngồi đến 2 - 3 sáng mà vẫn không hết thì phải mang về. Thế là cả ngày hôm sau tha hồ ăn bắp trừ bữa. Bắp nhìn vậy thôi chứ để qua ngày, mất tươi nướng lên không ngon nữa. Cũng có lúc hên, khách đến mua mấy chục bắp lận thì 12 giờ là em về rồi, nhưng hiếm khi vậy lắm”, Trang nói.

 

Bán hàng đêm hôm, Trang sợ nhất là gặp dân “xì ke” đi “xin đểu”. Không ít lần, bao nhiêu tiền bán bắp, Trang phải đưa hết cho bọn nghiện. Cậu cho hay: “Trước đây thôi, bây giờ thì ít gặp lắm. Em cũng quen nhiều bác xe ôm rồi nhiều anh em lao động mình quen ở trọ gần đây hay ra ngồi cùng nên bớt sợ hơn”.

 

Hơn 1 giờ sáng, Trần Đức Hoàng, 24 tuổi, thuê trọ tại quốc lộ 22, gần ngã tư An Sương mới bắt đầu đóng gói hàng hóa kết thúc một ngày làm việc của mình. Hoàng bán gấu bông trên đường Nguyễn Oanh (Q.Gò Vấp). “Em cố bán “rốn” thêm thôi chứ giờ này ít khách lắm. Cùng lắm có một vài đôi đi chơi về muộn ghé mua thôi”.
 
Những cuộc mưu sinh lúc 0 giờ  - 2
Tết này Hoàng quyết bám trụ qua ngày mùng 1 vì mong kiếm thêm chút tiền dịp Valentine.

 

Quê Hoàng ở huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), cách TPHCM gần 400 cây số. Không xa, nhưng Hoàng tính năm nay sẽ không về quê ăn tết vì mùng một Tết năm nay trùng với ngày lễ Valentine, “người ta nghỉ nhiều nên em ở lại bán gấu bông tranh thủ kiếm thêm, đến mùng 3 sẽ về”.

 

“Anh chị ơi đẩy giùm với!”, cứ 1- 2 giờ sáng ở dốc cầu vượt Ngã Tư Ga (đường Hà Huy Giáp, quận 12) người đi đường rất dễ nghe người gọi nhờ đẩy xe như vậy. Giờ đó, nhiều phụ nữ làm nghề thu mua vỏ chai, bìa giấy trên đường chở hàng về. Những xe hàng cao ngất, nặng trịch nên cứ đến dốc chân cầu là họ bị kẹt, không đẩy được nên họ thường phải “cầu cứu” người đi đường.
 
Những cuộc mưu sinh lúc 0 giờ  - 3
Theo nghề này, mỗi ngày các chị chỉ ngủ không quá 4 tiếng.

 

Đẩy được xe hàng lên dốc, chị Nguyễn Thị Quý (quê ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thở phào: “Thế là gần về đến nhà rồi, chỉ còn hai cây nữa thôi”. Hôm nào cũng vậy, 9 giờ tối, chị Quý mới bắt đầu công việc đi thu mua ve chai tại các quán nhậu đêm.

 

Chị cho hay: “Tôi lùng mua hàng tận nơi, lên tận quận Nhất lận, mình phải chờ các quán nhậu tàn nên hôm nào cũng giờ này mới về. Hơn năm năm nay rồi, không kể nắng mưa, ngày nào cũng vậy”.

 

Chị kể, không ít lần dây cột bị bung, hàng đổ chổng kềnh giữa đường phải ngồi xếp lại đến tận sáng. Vậy nhưng không phải về đến chỗ trọ là chị Qúy được đặt lưng ngủ ngay. Chị phải phân loại đồng nát để đưa hàng sang cho chủ thu mua. Chừng ấy thời gian theo nghề thua mua đồng nát, mỗi ngày chị Quý ngủ không quá 4 tiếng đồng hồ. “Lúc nào cũng chỉ thèm được ngủ luôn cả ngày mà đâu có dám nghỉ”. Nói đến đó, chị Quý lên xe đạp đi. Xuống dốc, chiếc xe vẫn lảo đảo, nghiêng ngả…

 

Đã hơn 2 giờ sáng! Ngay phía bên kia chân cầu vượt này, quán ốc nóng, cháo lòng vỉa hè của má Năm vẫn chưa dọn hàng. Không có khách, má vẫn chờ: “Bán đêm mà, cũng ăn may thôi, hôm thì có khách hôm thì không nhưng mình vẫn thức, thêm được khách nào hay khách đó”.

 

Cả gia đình má sống nhờ quán nhậu vỉa hè này, vậy mà má Năm có những quy định bán hàng rất lạ. Khách gọi bia rượu, má chỉ bán một lượng nhất định, gọi thêm là má từ chối thẳng. Thế nên quán nhậu của má không bao giờ có khách xỉn. “Mình bán đêm, để khách xỉn phức tạp lắm”.
 
Những cuộc mưu sinh lúc 0 giờ  - 4

Má Năm với gian hàng nhậu đêm

 

Khách gọi đồ ăn, bia, rượu đến giấy lau, tăm… một mình má cứ chạy đi chạy lại. Chỉ cuối tuần, đứa cháu được nghỉ học mới ra phụ má. Thường 3 giờ sáng, má Năm soạn sửa để nghỉ, sáng hôm sau 6 giờ đã dậy đi lấy hàng cho ngày mới.

 

Má Năm nói: “Tui tính cố bán thêm một năm nữa rồi nghỉ chứ mệt quá rồi. Tính kiếm việc gì khác chứ già rồi cứ thức đêm thức hôm thế này không ổn lắm”. Cũng phải, năm nay má đã bước qua tuổi 65.

 

Hoài Nam