Đà Nẵng:

Những cuộc đời “tạm” ở khu ổ chuột

(Dân trí) - Lọt thỏm giữa những tòa nhà cao tầng sang trọng trên đường Trần Hưng Đạo và đường Ngô Quyền (TP Đà Nẵng) là những ngôi nhà được chắp vá tạm bợ bằng cọc tre, bạt nhựa, những tấm tôn rách nát,… Hơn chục ngôi nhà rách nát, rúm ró dựa vào nhau xiêu vẹo.

Cả đời đi ở “tạm”

 

Khu ổ chuột này gồm hơn chục hộ gia đình nghèo, sống nhờ trên mảnh đất của dự án Bạch Đằng Đông đã giải tỏa nhưng chưa sử dụng, cách cầu sông Hàn hoa lệ chỉ chừng 1km.

 

Những hộ dân ở đây, ngoài một cái chung ai cũng thấy là không có một ngôi nhà đúng nghĩa, còn có những điểm chung khác là nghèo, bố mẹ thất nghiệp và con cái thất học.

 
Những cuộc đời “tạm” ở khu ổ chuột - 1

Những người dân này đã sống "tạm" ở đây nhiều năm rồi, và có thể sẽ tiếp diễn nhiều năm nữa, nếu dự án không đòi đất. (Ảnh: Vợ chồng chị Tươi làm bánh bèo, chuẩn bị mang ra chợ bán).

Chị Lê Thị Ba và anh Đặng Văn Hạo có 4 người con. Trước anh chị ở với bố mẹ. Sau anh chị sinh nhiều con, nhà cửa chật chội, không có chỗ ở, anh chị dắt díu con cái ra đây dựng lều lấy chỗ chui ra chui vào. “Tạm” nhưng cũng được 5 năm rồi, và không biết còn “tạm” bao nhiêu năm nữa.

 

Anh Hạo trước đây làm nghề đi biển nhưng mấy năm nay làm ăn thua lỗ nên ở nhà phụ vợ bán nước. Cả hai vợ chồng mỗi ngày kiếm được khoảng 50-60 ngàn đồng. “Với thu nhập như thế chỉ đủ ăn hàng ngày thôi đã khó, mơ gì đến chuyện có tiền mua nhà”, chị Ba tâm sự.

 

Gia đình chị Trần Thị Tươi thì gắn bó với khu ổ chuột này 10 năm rồi. Anh Bằng chồng chị là người Bắc vào Đà Nẵng làm ăn, chị Tươi bố mẹ mất sớm nên không thể nhờ ai. Ngôi nhà mà vợ chồng chị đang ở được chắp vá bằng nhiều tấm tôn, bạt nhựa, miếng gỗ. Trước đây anh Bằng đi làm phụ hồ, đồ cũ họ không dùng cho anh đưa về che chắn quanh nhà. Ngôi nhà chằng chịt với nhiều tầng tầng lớp lớp chồng lên nhau. Hai năm nay anh đổ bệnh, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Một mình chị Tươi làm bánh bèo bán ở vỉa hè kiếm tiền nuôi cả gia đình.

 

“Ở đây mùa hè thì nóng như cái lò, mùa mưa dột tứ tung, hứng chỗ này thì dột chỗ kia”, chị Tươi ngán ngẩm.

 

Theo những người dân ở đây, mùa mưa bão là khoảng thời gian vất vả nhất đối với họ. Mưa dột nát, gió đánh bay cả nhà. Bão thì cả xóm chạy lên phường trú. Mấy đứa nhỏ trong xóm này sống lủi thủi, lem luốc giữa những ngôi nhà lụp xụp, hình ảnh đáng thương ấy, họ nhìn mãi cũng thành quen.

 

Chúng tôi băn khoăn: “Sau này dự án lấy đất thì sao?”, anh chị ráo hoảnh: “Thì kiếm chỗ đất trống khác để dựng nhà tiếp”.
 
Những cuộc đời “tạm” ở khu ổ chuột - 2

 

Những đứa trẻ thất học

 

Khu ổ chuột này nghèo thật, nhưng nhà nào cũng đông con, nhà ít cũng đã 3-4 đứa. Sắp đến ngày tựu trường, không thấy đám trẻ ở đây náo nức chuẩn bị quần áo, sách vở. Sống ở đây, được đến trường đã là may lắm, chuyện chuẩn bị cho mùa khai giảng giống như một việc làm xa xỉ. Nhiều em học đến lớp 4, lớp 5 đã phải nghỉ học vì bố mẹ không kham nổi.

 

Đứa con lớn của vợ chồng chị Ba mới học xong lớp 5 đã phải nghỉ học vì theo lời chị Ba, “không có tiền để ăn làm gì có tiền cho chúng học cao lên. Biết đọc biết viết là may lắm rồi”. Còn 3 đứa nhỏ hơn vẫn được đến trường, nhưng chị Ba lo lắm: “Giờ sắp vào năm học mới mà chưa có đồng nào để mua sách vở cho 3 đứa sau đây”.

 

Gia đình anh Phạm Văn Quý có tới 7 người con. Cả 9 con người chen chúc trong ngôi nhà tạm bợ rộng chừng 10m2. Đứa lớn đã bỏ học giữa chừng học nghề may phụ giúp bố mẹ. 6 đứa còn lại đang đến trường nhưng nguy cơ bỏ học cũng rất lớn.

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Thành chẳng khá hơn. Anh Thành làm nghề “thợ đụng” (đụng đâu làm đấy), công việc bữa đực bữa cái. Vợ anh bán sữa ở chợ. Nhà có 3 đứa con thì đứa lớn học hết lớp 6 cũng phải nghỉ học.
 
Những cuộc đời “tạm” ở khu ổ chuột - 3
Những đứa trẻ lê la trong khu nhà tạm.

 

Những đứa trẻ thất học khi tuổi còn quá nhỏ, vì vậy nhiều em cũng chỉ biết ở nhà trông em chứ chưa phụ cha mẹ được việc gì. Đám trẻ cứ lê la trong khu nhà ẩm thấp rách rưới, lem luốc đến tội nghiệp.

 

Nhìn cảnh sống tạm bợ của những người dân nơi đây, chính quyền cũng thấy nao lòng. Nhưng vì các hộ này không có đất nên không thể hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm. Cuộc sống tạm vì thế cứ tiếp diễn không biết đến bao giờ.

 

Khánh Hồng