Quảng Nam:

Những chuyến đò “phong phanh”

(Dân trí) - Giữa trưa, chuyến đò trên bến Đá Giăng (thôn Danh Sơn, Tam Sơn, Núi Thành, Quảng Nam) chở hàng chục học sinh. Chị lái đò hồn nhiên: áo phao có nhưng để ở nhà. Cách bến đò không xa, 1 cây cầu khởi công từ năm 2004, đến giờ vẫn chỉ có 2 trụ cầu.

“Chỉ có áo phao cho chủ đò”

 

Chúng tôi theo chân hơn chục học sinh lên đò, gặng hỏi áo phao, chị chèo đò nói áo để ở nhà, khi nào mưa gió chồng chị mới mang xuống (chị chèo đò thay chồng vào buổi trưa). Rồi chị lôi dưới sàn đò lên 3 chiếc áo phao cũ nát, bảo: “Ở đây chỉ có áo phao cho chủ đò chứ không có cho học sinh (!)”.

 

Hỏi một học sinh lớp 8 ngày mấy buổi ngồi đò đi học, em này nói chưa bao giờ mặc áo phao, dù những hôm mưa gió qua sông cũng thấy rất sợ.
 
Những chuyến đò “phong phanh” - 1

Con đò ọp ẹp này có nhiệm vụ chở học sinh qua sông đi học.

 

Ở bến đò này, học sinh đi học bằng đò trả bằng lúa, cứ một năm học mỗi em phải đóng 3 ang lúa (ai không có lúa thì quy ra tiền khoảng 70-80 ngàn đồng). Đây là một trong 2 bến đò đưa học sinh qua sông học của xã Tam Sơn. Cách đó hơn 1km, một bến đò nhỏ hơn tên Thuốc Hột cũng làm nhiệm vụ đưa đón cả trăm học sinh và người dân qua lại nhưng cũng không có lấy một cái áo phao.

 

Chủ đò tên Bùi Văn Thanh (54 tuổi) đã đưa đò được 3 năm bảo đò ông được phát 12 áo phao nhưng toàn cất… ở nhà, khi nào mưa gió mới đem xuống.

 

Tôi đem thắc mắc này gửi đến ông Huỳnh Hùng, Chủ tịch xã Tam Sơn. Ông này cho biết: “Mỗi đò chỉ cấp được từ 10-12 cái áo phao, hiện số lượng áo phao ấy chỉ đủ cho 30% số người đi đò, nhưng xã không có kinh phí để trang bị thêm. Còn việc không có áo phao trên đò là thuộc về trách nhiệm của người lái đò”.
 
Những chuyến đò “phong phanh” - 2
Mười mấy con người mà chỉ có vài chiếc áo phao rách nát.

 

Cũng theo chủ tịch xã, trước mùa mưa bão xã kiểm tra thường xuyên việc mặc áo phao khi qua đò; vào mùa mưa lũ, cán bộ xã phải chia làm 2 tốp túc trực hai bên bờ sông chỉ huy trực tiếp người dân.

 

Dài cổ chờ cầu

 

Cách bến đò Thuốc Hột hơn trăm mét là cây cầu Tam Sơn đang xây dựng dở dang. Cầu được khởi công từ năm 2004, do Công ty Xây dựng và cấp thoát nước Quảng Nam thi công, chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng huyện Núi Thành. Đến năm 2006, sau khi làm được 2 mố cầu và hai trụ giữa sông thì đơn vị thi công bỏ đi. Từ đó đến nay, trụ cầu cứ nằm đó… chống trời.

 

Anh Lê Thanh Tịnh, người dân sống gần bến đò, tha thiết bày tỏ niềm mong mỏi có một cây cầu bắc qua sông để con đường đến trường của trẻ bớt hiểm nguy, người dân cũng tiện đi lại làm ăn. Cũng như anh Tịnh, bà Nguyễn Thị Phó năm nay đã 69 tuổi, chia sẻ: “Tui chỉ ước mong một lần được đi qua cầu rồi chết cũng yên lòng”.
 
Những chuyến đò “phong phanh” - 3
Hai trụ cầu nằm "chống trời" suốt mấy năm nay

 

Cách đây gần một tháng, ngày 25/8/2009, Công ty Tracodi (chi nhánh Đà Nẵng) trúng thầu, tiếp tục thi công cây cầu. Ông Trần Phước Sang, chỉ huy công trình khẳng định: “Cây cầu đã lỡ hẹn mấy năm với bà con ở đây nên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức”.

 

Không biết cầu Tam Sơn khi nào sẽ hoàn thành nhưng mùa mưa lũ này, các em học sinh vẫn phải đi đò qua sông kiếm con chữ. Nhìn những con đò mỏng manh giữa sông nước, không áo phao, chúng tôi thoáng lạnh người khi nghĩ đến những cái chết thương tâm vì chìm đò đã từng xảy ra trên khúc sông này.

 

Công Bính