Những chuyến đò đầy may rủi

(Dân trí) - Sau những vụ chìm đò tang thương vẫn có những chuyến đò đầy bất trắc. Ngồi trên đò, người dân chỉ mong một cây cầu để tính mạng mình bớt mong manh.

Người dân đôi bờ Cẩm Kim - phố cổ Hội An (Quảng Nam) vẫn phải đi những chuyến đò đầy những may rủi như vậy.

 

Câu chuyện về sự vô cảm

 

Cẩm Kim là một xã vùng ven của thành phố Hội An, chia cách với Hội An bởi một đoạn dài con sông Hoài thơ mộng. Từ Cẩm Kim sang Hội An, người dân mất khoảng 15-20 phút ngồi đò. Trong khoảng thời gian không dài ấy, câu chuyện về một cái chết thương tâm mới xảy ra khiến mọi người đều hoang mang, lo sợ và bất bình.

 
Những chuyến đò đầy may rủi - 1
Hàng trăm người đứng trên bến đợi đò...
 

Nạn nhân là một người đàn ông chừng trên 40 tuổi, người Duy Vinh, làm nghề thợ xây. Hôm đó cũng như mọi ngày, ông phải ngồi đò để qua Hội An làm việc. Hôm ấy đò quá đông, ông phải ngồi ngoài be đò cùng nhiều người khác và bất ngờ té xuống sông. Cả lái đò lẫn những người ngồi trên đò đều nghĩ rằng chỗ đó ngay gần bờ, nước nông nên người đàn ông sẽ tự bơi vào bờ được. Con đò vẫn tiếp tục chạy. Khoảng 5 phút sau, không thấy động tĩnh gì, đò quay lại. Người dân vớt nạn nhân lên và ông chết trên đường đi viện.

 

Chị Trần Thị Hội, một đầu bếp nhà hàng, ngày nào cũng phải qua sông để đi làm, bức xúc kể câu chuyện mà chị mắt thấy tai nghe: “Lúc đó tôi đang ngồi trong khoang. Một thanh niên khoảng chừng 30 tuổi đang đứng sau lái bất thình lình hụt chân té xuống sông. Nước rất sâu vì đò đang ở giữa sông, nhưng người lái đò vẫn cho đò chạy. Đến khi thấy người thanh niên nổi lên và bơi được một đoạn thì đò mới dừng lại. Thử hỏi nếu là một người không biết bơi thì tính mạng khó mà giữ nổi”.

 

Những chuyện như vậy không hiếm xảy ra trên dòng sông Hoài nên thơ ấy. Vì cái lợi trước mắt, những người lại đò vẫn thản nhiên chất vô tội vạ cả người và xe đến khi đò chật ních mới thôi.

 

Một người lái đò lý giải: “Mình không chở cũng không được, cũng do khách ai cũng muốn đi cả, có ai chịu chờ chuyến sau đâu”. Còn lực lượng giao thông đường thuỷ thì như người đi đò vẫn nói vui: “thấy mặt các ông còn khó hơn thấy mặt tổng thống Mỹ”.

 
Những chuyến đò đầy may rủi - 2
... ùn ùn kéo xuống đò...
 

Ước mơ một cây cầu

 

Đó là ước mơ chung của tất cả những người dân sống đôi bờ Cẩm Kim. Họ lo cho tính mạng của chính mình và hơn cả là lo cho thế hệ con cháu họ, những em nhỏ phải qua đò tới trường.

 

Chị Điền, mẹ của em Liên, học lớp 11 trường PTTH Trần Quý Cáp, lo lắng: “Nhà cách bến đò hơn 2 km nhưng tối nào con đi học là phải đạp xe xuống bến chờ đón. Gặp được con thì mới yên tâm. Hồi mô cho có chiếc cầu thì tụi tôi và cả tụi nhỏ mới hết khổ”.

 

Có người so sánh: Thành phố Đà Nẵng có tới 4 cây cầu bắc qua sông Hàn, sắp tới còn đón thêm một cây cầu nữa. Còn ở Hội An, một cây cầu bắc qua Cẩm Kim mà chờ mỏi mắt không thấy. Lại có tin đồn sắp có cầu, không phải nhà nước làm, mà do những người dân có điều kiện và tâm huyết, hợp sức lại xây. Ai cũng mừng và hy vọng, nhưng tin đồn ấy có từ năm... 2003, đến nay đã gần 6 năm, cầu chưa thấy và lòng dân đã bớt phần trông đợi.

 
Những chuyến đò đầy may rủi - 3

... và một chuyến đò đầy bất trắc, như bao chuyến đò trong ngày, lại chuẩn bị rời bến Cẩm Kim.
 

Một chuyện không biết đáng cười hay đáng buồn, ấy là bên cạnh những lo lắng rất có cơ sở của người đi đò thì chính họ cũng phớt lờ những khẩu hiệu như “Mặc áo phao khi đi đò” hay “Toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông đường thuỷ nội địa” được treo trên bến. Đò vẫn chở đầy người và phương tiện, chẳng thấy một chiếc áo phao nào. Còn người dân, luật giao thông đường thuỷ nội địa như thế nào họ còn chưa biết, lấy đâu để chấp hành. Mọi người chỉ biết đi cho nhanh về cho sớm.

 

Ở rất nhiều nơi trên mảnh đất hình chữ S này vẫn xảy ra những chuyện kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Chuyện tai nạn sông nước xảy ra rồi mới lo làm cầu cũng không hiếm. Hội An là vùng đất du lịch, nếu có một cây cầu bắc qua Cẩm Kim, người dân sẽ đỡ khổ biết bao. Và vùng đất nổi tiếng với nghề mộc truyền thống Kim Bồng sẽ có điều kiện để phát triển, cùng với sự phát triển chung của thành phố cổ bên dòng sông Hoài.

 

Loan Phương