TPHCM:

Những cây cầu nghìn tỷ mới xây đã xuống cấp

(Dân trí) - Chỉ mới đưa vào sử dụng được 2 - 3 năm, những cây cầu băng sông trị giá hàng ngàn tỷ đồng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lún, nứt…

Cầu Thủ Thiêm có nhiều vị trí lún liên tiếp
Cầu Thủ Thiêm có nhiều vị trí lún liên tiếp

"Tai tiếng" nhất phải kể đến cầu Thủ Thiêm băng sông Sài Gòn, nối quận 2 với quận Bình Thạnh (TPHCM). Cây cầu này được khởi công vào tháng 8/2005 với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Phần chính của cầu được đưa vào sử dụng từ năm 2008 nhưng đến cuối năm 2010 thì toàn bộ công trình cầu Thủ Thiêm với 4 nhánh cầu mới hoàn tất toàn bộ.

Tuy nhiên, ngay từ năm 2010, phần đường dẫn lên cầu phía quận 2 đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lún nghiêm trọng, đơn vị thi công phải nhiều lần bù lún mới khắc phục được.

Sang tháng 9/2011, tình trạng lún nứt tại đây xảy ra càng nhiều hơn tại nhiều vị trí khác nhau như vết nứt ngang kéo dài suốt mặt nhánh cầu dẫn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh lên cầu chính (phía quận Bình Thạnh), chân nhánh cầu dẫn từ cầu chính vào đường Nguyễn Hữu Cảnh dẫn về quận 1 cũng bị lún nặng, tạo thành 2 vết nứt dài trên mặt đường gần sát biên cầu.

Dù tình trạng này đã được đơn vị thi công khắc phục nhưng sang đến quý 2/2012, việc lún nứt tại cầu Thủ Thiêm lại tái diễn. Cụ thể là từ tháng 4 - 5, nhánh cầu dẫn từ đường Nguyễn Hữu Cảnh lên cầu chính và nhánh rẽ phải từ cầu chính xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh đều xuất hiện vết nứt kéo ngang mặt đường; mặt đường dẫn xuống hầm chui cũng xuất hiện nhiều vị trí lún cục bộ…

Đường dẫn xuống hầm chui xuất hiện nhiều vị trí lún cục bộ
Đường dẫn xuống hầm chui xuất hiện nhiều vị trí lún cục bộ

Nghiêm trọng nhất là vị trí chân nhánh cầu dẫn từ cầu chính vào đường Nguyễn Hữu Cảnh dẫn về quận 1 tiếp tục lún nặng, đoạn lún kéo dài hơn 10m. Mặt đường tại đây tiếp tục bị lún chừng 10cm so với phần đường sát viền cầu. Các thanh bê tông hai biên cầu tại đoạn này cũng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài, có vết kéo dài hết mặt cắt ngang thanh bê tông, có vết mới nứt cũng có vết nứt từ rất lâu…

Đường dẫn xuống hầm chui xuất hiện nhiều vị trí lún cục bộ
Tại chân nhánh cầu dẫn từ cầu chính xuống đường Nguyễn Hữu Cảnh về quận 1, mặt đường lún sâu tới 10cm, tạo thành 2 vết nứt dài sát 2 biên cầu

Các thanh bê tông biên cầu cũng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài suốt mặt cắt
ngang thanh bê tông
Các thanh bê tông biên cầu cũng xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài suốt mặt cắt ngang thanh bê tông

Đến ngày 28/6, đoạn lún này đã được đơn vị thi công đắp nhựa đường bù lún. Điều đáng nói là vị trí này tiếp tục lún nặng đến 10cm chỉ sau 6 tháng bù lún. Điều đó có nghĩa là tốc độ lún tại vị trí này rất cao và vẫn có thể sẽ còn lún tiếp. Những vết nứt trên các thanh bê tông tại đoạn này cũng chưa được khắc phục…

Một công trình khác cũng không kém phần tai tiếng là cầu Phú Mỹ. Cây cầu này có vốn đầu tư đến hơn 1.800 tỷ đồng, được khánh thành vào tháng 9/2009 và từng được xem như là biểu tượng của TPHCM. Tuy nhiên, vừa được đưa vào sử dụng không bao lâu thì công trình đường dẫn lên cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng loạt ổ voi, ổ gà xuất hiện dày đặc trên phần đường dẫn phía quận 2.

Phần đường trên cao nối cầu Phú Mỹ với đường Nguyễn Văn Linh mới được đưa vào sử dụng từ năm 2010 nhưng sang đầu năm 2012 đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lún, nứt kéo dài ở khu vực chân cầu.

Ngoài ra, hàng loạt cây cầu vượt bộ hành trên đại lộ Võ Văn Kiệt cũng xuất hiễn tình trạng nứt nhiều vệt ngang mặt cầu, thành cầu, lún nền, trồi móng… chỉ sau khi đưa vào sử dụng được 1 năm, dù rất ít người đi lại.

Theo kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch Hội Xây dựng TPHCM, nhiều công trình cầu đường tại TPHCM xảy ra tình trạng lún nứt là do đặc trưng địa chất khu vực có nền đất yếu, nếu khảo sát địa chất không tốt dẫn đến sử dụng kỹ thuật gia nền không phù hợp sẽ rất dễ lún, nứt. Biện pháp khắc phục là bù lún ngay khi xuất hiện tình trạng này. Tuy nhiên, nếu tình trạng lún, nứt xuất hiện liên tục và tốc độ lún cao thì cần khảo sát lại địa chất để có hướng khắc phục triệt để.