Những băn khoăn về đất khi Hà Nội mở rộng

(Dân trí) - Thu hồi 30%, 70% hay 90% đất nông nghiệp thì việc hỗ trợ có gì khác nhau? Vấn đề bố trí mua nhà tái định trong điều kiện quỹ nhà đang khó khăn sẽ ra sao… Đó là những băn khoăn chính đáng của người dân về một Hà Nội mở rộng.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên báo Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Biền - Trưởng Ban GPMB TP Hà Nội.

Xin ông cho biết, quyết định 33 của thành phố ra đời nhằm tháo gỡ những vướng mắc gì hiện nay?

Ngay sau khi Nghị định 84 của Chính phủ ban hành thì chính sách bồi thường bằng đất ở khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp được quy định trong điều 48 hết sức nóng bỏng. Mặc dù vậy, kể từ đó vẫn chưa có văn bản nào mà theo chỉ đạo của Thủ tướng thì cần phải thực hiện ngay.

Mục tiêu khi nghiên cứu ban hành quyết định 33 được xác định là phải quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân, giải quyết kịp thời những vướng mắc trong GPMB hiện nay, đặc biệt bảo đảm cho những công trình trọng điểm hướng tới 1.000 năm Thăng Long.

Đối với những hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp thì sẽ được giải quyết thế nào, thưa ông?

Thu hồi dưới 30% diện tích đất nông nghiệp thì chưa được hưởng. Họ phải chờ khi có những dự án tiếp và tiếp tục thu hồi đến trên 30% thì bắt đầu được hưởng chính sách này. Ở đây, nghị định 84 đưa ra con số 30% là cũng đã được tính toán tới việc khi thu hồi tới trên 30% mới bắt đầu tác động lớn đến đời sống của họ.

Nhưng có một thực tế, những người có diện tích đất là 1 nghìn m2 và những người chỉ có 100m2 thì 30% trên tổng số diện tích đó rất khác nhau?

Bất luận thế nào thì cần phải phụ thuộc vào hạn mức giao đất trước đây. Vì lúc giao đất, người ta căn cứ vào quỹ đất của địa phương cùng số nhân khẩu hiện có tại thời điểm đó. Do đó, có những nơi, hạn mức giao là 1 nghìn m2, nhưng có những nơi số khẩu nhiều mà diện tích thấp thì hạn mức chỉ có 400m2 chẳng hạn.

Việc hỗ trợ cho những hộ bị thu hồi từ 30% diện tích đất trở lên hay 70%, 90% thì có khác gì nhau không, thưa ông?

Không có sự khác biệt. Việc hỗ trợ cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định này chỉ được thực hiện một lần căn cứ trên hạn mức. Những lần sau, khi nhà nước thu hồi nốt, người dân sẽ không được hỗ trợ nữa.

Các trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nhưng không phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không đựơc hưởng chính sách hỗ trợ theo quyết định này. Mà như ông biết, trên thực tế, việc chuyển nhượng đất nông nghiệp không phải là ít? Ông có nghĩ rằng, việc giải quyết thiếu công bằng như vậy có thể dẫn tới khiếu kiện?

Đối với người dân làm nông nghiệp, tư liệu sản xuất của họ là đất. Và nhà nước muốn lo cho những người dân làm nông nghiệp khi bị thu hồi đất. Còn những người mua lại ấy, họ sống không phải nhờ mảnh đất này, thực tế đây là những người mua để đầu tư chứ không phải để sản xuất. Và khi họ bỏ tiền ra mua thì đã có sự thoả thuận tất cả mọi thứ rồi, nếu phải thu hồi thì họ cũng đã được đền bù và hưởng những chính sách khác theo quy định.

Quỹ nhà hiện nay rất khó khăn, và quyết định 33 ra đời càng tạo áp lực thêm cho nó. Ông có nghĩ điều này có thể dẫn tới việc triển khai khó khả thi?

Theo quy định này, chậm nhất là 3 năm kể từ khi thu hồi đất, nhà nước phải thực hiện giao nhà cho dân. Nếu quá thời hạn trên thì trách nhiệm thuộc về nhà nước.

Vậy nguồn kinh phí để thực hiện hỗ trợ hay xây dựng nhà ở tái định cư cho dân sẽ được lấy ở đâu ?

Việc lấy đất của dân thì cần phải thực hiện chính sách của nhà nước. Chủ đầu tư khi thực hiện các dự án cũng phải cân nhắc để thực hiện có hiệu quả. Đối với dự án của nhà nước thì đương nhiên phải là ngân sách nhà nước. Về nguồn kinh phí, thực chất nguồn tiền này là ứng trước, còn sau này là người dân mua vì họ đã được giao và trả tiền.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là khi tới thời điểm Hà Tây nhập vào Hà Nội (ngày 1/8/2008), quyết định này còn có hiệu lực không, nhất là khi Hà tây đang áp dụng chính sách hỗ trợ 10% đất dịch vụ?

Tôi khẳng định là không có chuyện thực hiện 10% đất dịch vụ ở Hà Tây. Người ta cứ nói như vậy nhưng trong luật đất đai và trong nghị định 84 không hề nói đến 10% mà tuỳ theo khả năng quỹ đất và điều kiện cụ thể của từng địa phương mà Chủ tịch UBND của tỉnh thành ấy quyết định trực tiếp. Theo tôi được biết, Hà Tây giao tối đa là 150m2.

Vậy khi hợp nhất thì sẽ thế nào?

Khi Hà Nội mở rộng thì việc quyết định 33 tiếp tục thực hiện như thế nào cần phải có một quyết định đồng thời theo nó để áp dụng. Lúc ấy sẽ phải ban hành các văn bản pháp lý để giải quyết những văn bản hành chính trước đây.

Xin cảm ơn ông!

Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp mà không có nguyện vọng nhận bồi thường bằng đất làm mặt bằng sản xuất hoặc kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp thì được bồi thường bằng giao đất ở có thu tiền sử dụng đất tại khu tái định cư hoặc tại vị trí trong khu dân cư phù hợp với quy hoạch.

Giá đất ở được giao bằng giá loại đất nông nghiệp tương ứng đã thu hồi cộng với chi phí đầu tư hạ tầng khu dân cư nhưng không cao hơn giá đất ở có điều kiện tương ứng tại thời điểm thu hồi đất đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định và công bố.

Trích điều 48. Bồi thường bằng đất ở khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp - NGHỊ ĐỊNH 84 Quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất giải quyết khiếu nại về đất đai.

Lan Hương