Nhọc nhằn gánh trứng lộn

(Dân trí) - Thành phố Huế vào khuya, lẫn trong tiếng động cơ thưa thớt là những lời rao “Ai lộn đây… lộn nào!” nhọc nhằn của những phụ nữ nghèo mưu sinh chốn thị thành nhờ thúng trứng vịt lộn.

Nghề gian lao

 

Những ngõ ngách sâu, xa đến mấy, miễn có người ở, là họ tìm đến. Khi trời vào khuya, nhà nhà lên đèn, có khi đã chuẩn bị đi ngủ, họ mới bắt đầu cuộc mưu sinh. Hành trang kiếm sống chỉ có chiếc làn nhỏ, một chiếc thúng, một cây đèn dầu, vài chục quả trứng vịt lộn và một chiếc áo mưa phòng thân.

 

Nghề này đặc biệt không có đàn ông tham gia. “Đàn ông vai u thịt bắp có thể bê, vác nặng nhưng làm nghề bán nước bọt, đi khuya về sáng ni thì chịu, họ không đủ kiên nhẫn như tụi tui...”, chị Lê Thị Hạnh lý giải theo cách riêng của mình.

 

Cứ chập choạng tối, chị Hạnh lại cùng cô con gái út bê thúng trứng ra đầu ngõ bán. Thúng trứng, cây đèn dầu này là “cần câu cơm” của cả nhà, ngoài khoản tiền chạy xe ôm ít ỏi của chồng chị. Đến khuya, đã vãn khách, hai mẹ con lại chia nhau đi rao tận các ngõ nhỏ, đến khi hết hàng mới thôi.

 

“Tui làm nghề này được cả chục năm rồi, lời lãi không được bao nhiêu nhưng không có nghề ngỗng chi nên phải làm thôi. Mà nghĩ cũng lạ, làm nhiều rồi quen miết, nghỉ một hôm lại thấy nhớ. Cả đêm rao hoài, sáng mai lại phải chỉnh tu lại giọng”, cô Nguyễn Thị Lài vừa thoăn thoắt lấy trứng cho khách vừa bộc bạch. Cô là người đã nuôi hai con vào đại học bằng nghề rao trứng lộn hằng đêm và gánh bánh canh mỗi sáng.

 

Để có những cuộc hành trình vào đêm như chị Hạnh, cô Lài…, những người phụ nữ ấy phải chuẩn bị từ đầu chiều: chọn trứng, luộc trứng, nhặt rửa gừng răm,... Lời lãi không nhiều nhưng cũng lọ mọ suốt buổi. Nghề nghe thấy nản nhưng đã nuôi bao người con cảnh nghèo xứ Huế này nên người…

 

“Lộn đê, lộn nào… ai lộn không”

 

“Họ đang la gì lạ vậy? Cứ lộn lộn gì đó…”, Nguyễn Văn Thanh, một học sinh tỉnh khác ôn thi tại TP Huế giật mình hỏi. Đây không phải là câu hỏi thường gặp của những người lần đầu đến Huế. Đó cũng là điểm khác biệt, giản dị mà quen thuộc của những người dân Huế.

 

Lạ một nỗi, tiếng rao trứng lộn văng vẳng ấy không hiểu sao không bao giờ làm những chú chó vốn hậm hực với âm thanh khuya bực mình lên tiếng. Có lẽ chúng cũng biết phân biệt đâu là kẻ gian, đâu là người kiếm miếng cơm cực nhọc trong đêm khuya vắng.

 

“Khách của mệ chủ yếu là sinh viên mà. Mệ phải vào từng xóm trọ rao bán”, bà Cung Thị Loan tâm sự. Đã gần 70 tuổi nhưng không đêm nào, những ngõ ngách của con đường Phan Châu Trinh vắng tiếng mệ rao. Những sinh viên học bài khuya nhớ tiếng mệ, thèm lời rao “ai lộn đê, lộn này…” như một lời hỏi han ân cần của mệ.

 

Tiếng rao bây giờ có hiện đại hơn. Cô Lài, chị Hạnh, mệ Loan… ít phải chỉnh chu giọng mỗi sáng mai vì đã có cái máy đài rao giùm. Nhưng không phải ai trong số những người rao trứng lộn cũng có máy, bởi một chiếc máy như vậy phải đầu tư đến 2-3 trăm ngàn đồng, một khoản tiền khá lớn so với thu nhập ít ỏi của họ.

 

Lê Phi