1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Nhìn lại một vụ bắt cóc sỹ quan CIA Mỹ

Carlos Rey Gomes là một trong 5 chiến sĩ du kích đã tham gia vụ bắt cóc nổi tiếng thế giới lúc ấy để ủng hộ cuộc chiến đấu của Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ.

 
Carlos Rey Gomes là khách mời đến Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký hiệp định Paris. Cái tên Tây Ban Nha của ông chắc ít người biết, song nhắc tới sự kiện 5 du kích Caracat đã bắt sống đại tá Michael Smolen tháng 8/1964 để "đổi" lấy anh Nguyễn Văn Trỗi hẳn nhiều người trong chúng ta nhớ mãi.

Cùng đi với ông là con trai ông, anh Phedro Rey, một nhà báo Venezuela. Ông dành cho Tuần Việt Nam cuộc phỏng vấn.

Chúng tôi đã biết đến ông qua câu thơ của Tố Hữu:"Nguyễn Văn Trỗi" "Du kích Caracat đã vì anh; Bắt một tên Mỹ giữa đô thành". Là một thành viên của đội du kích đó, xin ông cho biết ai đã báo đội du kích của ông biết tin anh Trỗi của Việt Nam bị bắt và sắp bị xử bắn?

Báo chí loan tin và hình ảnh anh Nguyễn Văn Trỗi bị bắt vào rạng sáng ngày 5/4/1964 cùng với Nguyễn Hữu Lợi vì đặt mìn ám sát bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara và đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam Henrry Cabot Lodge.

Ngay lập tức, Lữ đoàn 1 thuộc lực lượng vũ trang Giải phóng dân tộc Venezuela quyết định phát động chiến dịch nhằm trả tự do cho người chiến sĩ biệt động của Cách mạng Việt Nam. Nhiệm vụ được giao cho đơn vị hành động tác chiến mang tên Ivan Barreto, viết tắt UTC, là phải bắt sống trung tá Michael Smolen, phó chỉ huy cơ quan đặc nhiệm của Mỹ tại Venezuela.

Tại sao lại bắt phó chỉ huy mà không bắt chỉ huy cơ quan đặc nhiệm là cấp cao hơn?

Chúng tôi tính toán kỹ việc này. Dù là phó nhưng Michael Smolen là cựu phi công Mỹ rất nổi tiếng trong đại chiến thế giới thứ 2 ở mặt trận Thái Bình Dương. Ông ta có uy tín cao trong quân đội và chính giới Mỹ, bắt ông ta sẽ gây áp lực mạnh hơn.

Chúng tôi dành một tuần lễ theo dõi lộ trình của ông ta (trung tá Smolen) tại khu Bello Monte ở phía động thủ đô Caracat. Biết được lộ trình và lịch sinh hoạt, chúng tôi vạch ra kế hoạch tác chiến như sau: 7h30 sáng ngày 9/10/1964, chúng tôi chia làm 2 tổ tác chiến. Một tổ do chỉ huy Noel Quintero mai phục gần nơi ở của Michael Smolen; tổ kia lái chiếc xe Chevrolet sedan 1958 chờ sẵn.

Tuy nhiên, diễn biến không như kế hoạch. Đúng giờ như thường lệ thì trung tá Mỹ Michael Smolen mời cấp trên là đại tá Henry Lee Choate đi ăn sáng nên đi làm muộn hơn. Chúng tôi vẫn kiên trì chờ đợi. Lúc sau họ trở về, chiếc xe của họ đậu cạnh một chiếc xe tải hiệu Ford màu xanh mang biển số 5 - 0338 của cơ quan quân sự Mỹ đang đậu gần tòa nhà cơ quan của họ.

Tranh thủ lúc họ sơ xuất, một du kích nhảy xuống nắm tay trung tá Michael Smolen lôi lên xe Chevrolet của chúng tôi. Gã đại tá kia thấy vậy hoảng sợ bỏ chạy trốn mất. Xe của chúng tôi lập tức phóng như bay.

Carlos Gomes (phải) và con trai, nhà báo Phedro Rey

Carlos Gomes (phải) và con trai, nhà báo Phedro Rey

Có nguy hiểm gì  xảy ra với đội du kích không, thưa ông?

Không! Họ không kịp phản ứng gì. Chúng tôi đưa viên trung tá vào nhà giam của chúng tôi. Ông ta vô cùng quan trọng nên phải tổ chức giám sát kỹ.

Khoảng khắc đó ông có hồi hộp hay sợ hãi chút nào không? Chính quyền đang đứng về phía Mỹ, cảnh sát, quân đội sẵn sàng tiêu diệt không thương tích  cả đội du kích nếu bị phát hiện?

Chúng tôi biết việc làm này vô cùng nguy hiểm đến tính mạng của cả nhóm hành động. Nhưng trong tâm trí chúng tôi luôn nghĩ về những đồng đội của mình đã từng bị giết bị bắt, bị tra tấn, bị đày ải trong các nhà tù. Ở đất nước Việt Nam xa xôi, anh Trỗi cũng đang bị cầm tù, sắp bị bắn, nên phải nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi quyết tâm rất lớn, vượt qua hết mọi nỗi sợ hãi.

Ngay sau đó Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang giải phóng dân tộc ra thông báo đã bắt sống được phó chỉ huy cơ quan đặc nhiệm của Mỹ tại Venezuela và cảnh báo rằng, nếu trong 3 ngày phía Mỹ không thả anh Nguyễn Văn Trỗi thì  trung tá Smolen sẽ bị thủ tiêu!

Bộ ngoại giao Mỹ liền lệnh cho chính quyền Sài Gòn hoãn việc xử bắn anh Trỗi. Người đứng đầu chính quyền Việt Nam cộng hòa lúc ấy là tướng Nguyễn Khánh đã cam kết với dư luận thế giới rằng, sẽ thả anh Trỗi để đổi lấy trung tá CIA của Mỹ.

Nhận được cam kết đã công bố trên báo chí của chính quyền Sài Gòn và Mỹ, chúng tôi thả trung tá Smolen tại đại lộ Los Samanes de La Florida ở phía tây bắc Caracas sau 4 ngày giam giữ. Tuy nhiên, anh Trỗi không được trả tự do như lời hứa của người Mỹ và chính quyền Sài Gòn.

Họ đã xử bắn người anh hùng của cách mạng Việt Nam vào lúc 9 giờ 45 phút ngày 15/10/1964 khiến chúng tôi vô cùng đau đớn, tức giận.

Báo chí một số nước lúc ấy còn loan tin trái ngược rằng Mỹ và  chính quyền đã thả anh Trỗi, còn lực lượng vũ trang giải phóng dân tộc Venezuela đã bội ước, thủ tiêu trung tá Smolen!

Vì vậy, chúng tôi rất hiểu, cảm thông sâu sắc với Cách mạng Việt Nam và dành nhiều tình cảm, sự quan tâm tới cuộc đấu tranh của Cách mạng Việt Nam và nhân dân Việt Nam.

Năm thành viên của nhóm hành động bắt cóc trung tá Mỹ nay có còn đầy đủ không, thưa ông?

Một người đã mất vì bị bệnh, chỉ còn bốn thành viên và một góa phụ. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau và rất quan tâm giúp đỡ người góa phụ của đồng đội mình.

Người chỉ huy của nhóm lần này không qua Việt Nam được vị đang bị bệnh, chân bị đau.

Cho tôi giới thiệu thêm một chút về nhóm hành động của chúng tôi. Nhóm được mang tên một phụ nữa anh hùng của Cách mạng Venezuela, là Ivan Barbeto, bị những người lính quân đội thân Mỹ ám sát chết. Chúng tôi lấy tên của bà ấy để luôn nhớ rằng phải hành động đấu tranh cho những người bị áp bức.

Chắc ông và những đồng đội của mình đã gặp chị Quyên, vợ anh Trỗi?

Chúng tôi đã gặp rồi. Đó là dịp ông chủ tịch nước Việt Nam tên Sáu Phong (Tức chủ tịch Nguyễn Minh Triết) qua thăm Venezuela. Chị Quyên có đi thăm đất nước tôi trong đoàn Việt Nam.

Đội du kích bắt cóc trung tá Mỹ đã được gặp chị Quyên. Trước đó chúng tôi chỉ biết qua báo chí, sách vở, nay được gặp tại đất nước chúng tôi, mừng không thể ngờ nổi. Tuy nhiên, trong chúng tôi ai cùng buồn vì những nổ lực của mình đã không cứu được anh Trỗi! Chúng tôi thành thật nói với chị Quyên như vậy.

Lần này qua Việt Nam, tôi đã gặp lại chị Quyên lần thứ 2 trên đất nước Việt Nam.

Theo Duy Chiến
Tuần Việt Nam

(Còn nữa)