1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều xe nhồi khách vẫn dễ dàng “qua mặt” CSGT

(Dân trí) - “Rất nhiều xe nhồi nhét khách, chở quá quy định nhưng vẫn qua được nhiều trạm tuần tra kiểm soát của cảnh sát giao thông. Ngay như hôm mùng 1 Tết, xe từ Thái Bình đi Hải Phòng vượt qua rất nhiều trạm kiểm soát, nhưng đến trạm cuối thì mới xử lý được”.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - trao đổi với PV Dân trí về tình hình vận tải hành khách trong dịp cao điểm Tết vừa qua.

Có thỏa thuận giữa cảnh sát và nhà xe?

Theo đánh giá của ông Hiệp, trong 9 ngày tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên toàn quốc được duy trì ổn định, thông suốt, an toàn. Tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương; so với 9 ngày tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, không xảy ra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe tải, xe khách.

Tuy nhiên, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao, chủ yếu là tai nạn xe mô tô và xảy ra nhiều ở khu vực nông thôn, nguyên nhân do người điều khiển xe mô tô vi phạm quy tắc giao thông như: không đội mũ bảo hiểm, chở 3 chở 4 người, chạy quá tốc độ, vi phạm quy định về nồng độ cồn, nhất là trên đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã; số vụ TNGT đường sắt tăng so với cùng kỳ năm trước.

Một chuyến xe 24 chỗ ngồi nhưng nhồi nhét tới 40 người trên đi từ Thái Bình

Một chuyến xe 24 chỗ ngồi nhưng nhồi nhét tới 40 người trên đi từ Thái Bình tới Hà Nội sáng 6/2 (ảnh minh họa: Quang Phong)

Chủ trương nghỉ Tết Giáp Ngọ trước 3 ngày đã giúp lưu lượng hành khách về quê ăn Tết được giãn ra chứ không tập trung vào một vài thời diểm như những năm trước, góp phần giảm áp lực vận tải hành khách, tình hình an ninh, trật tự tại các bến xe, nhà ga, cảng hàng không, trên các phương tiện vận tải hành khách được duy trì ổn định, thông suốt, không xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.

Tuy nhiên ông Hiệp thừa nhận, tình trạng nhồi nhét khách, chở quá số người quy định còn phổ biến. Tuy có giảm hơn so với năm ngoái nhưng không triệt để và thường xảy ra ở các tuyến có cự ly ngắn dưới 100km.

“Các tuyến ngắn, các tuyến liên huyện, liên tỉnh là những tuyến không có xe tăng cường nên người dân không có sự lựa chọn, nhà xe lợi dụng điều đó đã nhồi nhét khách để tăng lợi nhuận cho mình. Chỉ riêng phản ánh qua đường dây nóng mà chúng tôi bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý đã có hơn 100 trường hợp vi phạm và đã tước phù hiệu hơn 30 ngày.” - ông Hiệp cho hay.

Trên thực tế, tình trạng xe nhồi nhét khách trong các dịp lễ Tết vẫn diễn ra nhức nhối trong nhiều năm qua. Các cơ quan và lực lượng chức năng cũng khẳng định luôn đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm rất kiên quyết. Tuy nhiên, chuyện xe chở quá số người quy định vẫn dễ dàng “qua mặt” cảnh sát, thậm chí nhiều cảnh sát là vấn đề khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Về vấn đề này, ông Hiệp khẳng định: “Đúng là rất nhiều xe nhồi nhét khách, chở quá số người quy định nhưng vẫn qua được nhiều trạm tuần tra kiểm soát của Cảnh sát giao thông. Đơn cử như hôm mùng 1 Tết vừa qua, xe khách nhồi nhét khách từ Thái Bình đi Hải Phòng, xe vượt qua rất nhiều trạm kiểm soát nhưng phải khi đến trạm cuối tại Hải Phòng thì lực lượng cảnh sát giao thông mới xử lý được”.

Ông Hiệp cũng lý giải, nhiều trường hợp khi đi qua trạm cảnh sát giao thông thì nhà xe dồn khách xuống phía dưới để tạo một khoảng trống ở đầu xe, khi đó với tốc độ chạy 60-70km/h thì cảnh sát cũng khó phát hiện ra ngay được. Tuy nhiên vẫn cần nói tới tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông khi làm nhiệm vụ, thậm chí nhiều trường hợp còn có thỏa thuận giữa cảnh sát và nhà xe.

“Không cho tăng giá sẽ khó tăng cường xe”

Theo quy định, việc tăng giá vé xe khách được giới hạn tối đa là 60% nhằm bù lỗ cho những xe tăng cường chạy rỗng khách, nhưng trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua tình trạng xe khách tăng giá vé quá mức quy định diễn ra phổ biến, nhiều tuyến tăng 100 - 150% giá vé, thậm chí tăng tới hơn 200%.


Một chuyến xe 24 chỗ ngồi nhưng nhồi nhét tới 40 người trên đi từ Thái Bình

Ông Hiệp cho biết, việc tăng giá vé thường xảy ra đối với các trường hợp khách bắt xe dọc được, không mua vé trong bến mà lên xe. Nhiều hành khách khi lên xe mua vé và lấy biên lai thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào biên lai để xử lý được, nhưng những trường hợp tự thỏa thuận hoặc trả tiền không lấy biên lai thì khó xử lý.

Trao đổi với PV, ông Hiệp cũng dẫn ra một câu chuyện về việc tăng giá vé xe mà ít người biết được: “Nếu không cho tăng giá vé thì sẽ khó tăng cường xe trong dịp Tết, không huy động được xe, đặc biệt là những chiều xe phải chạy rỗng, khi đó thì người dân sẽ không có xe để về quê ăn Tết. Những xe huy động tăng cường có 2 loại là xe mới chưa từng chạy và xe chạy ít tăng cường chạy nhiều”.

Thực tế, việc quy định tăng giá, giới hạn mức tăng tối đa 60% vô hình chung cũng là điều kiện để các đơn vị vận tải lợi dụng tăng giá khi muốn. Bởi nếu như xe không rỗng khách, xe chạy ít không bị lỗ nhưng doanh nghiệp cứ than khóc là lỗ để đăng ký tăng thì cũng đành vậy. Trong khi đó, các bến xe không có quyền cho hay không cho nhà xe tăng giá, mà nếu muốn tăng nhà xe chỉ cần nộp hồ sơ đăng ký với Sở Giao thông Vận tải và Sở Tài chính địa phương nơi có xe.

Ông Hiệp cho rằng việc nhà xe tăng giá vé ra sao thuộc trách nhiệm của các Sở ngành chức năng địa phương, các cơ quan này phải có trách nhiệm tìm hiểu, làm rõ mức rỗng khách và lỗ vốn của nhà xe đến đâu và mức độ thế nào thì mới xét duyệt cho tăng giá, đó cũng là cơ sở để tháo gỡ một phần của thực trạng tăng giá vé tùy tiện và tăng quá quy định hiện nay.

Châu Như Quỳnh