Nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến trẻ em

(Dân trí) - Theo Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an, năm 2015 đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng (TNGT) có liên quan đến trẻ em gây tử vong. Khi xảy ra tai nạn, các em đều không được đội mũ bảo hiểm.

Tại Hội nghị tổng kết Thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em năm 2015 và thảo luận kế hoạch triển khai trong năm 2016, diễn ra ngày 24/2, một số vụ TNGT liên quan đến trẻ em gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được đại diện Cục Cảnh sát giao thông dẫn ra.

Vụ TNGT xảy ra tháng 1/2015 trên Quốc lộ 26, giữa xe tải mang BKS 79D-0215 đi hướng Đắk Lắk với xe mô tô mang BKS 47L-828.55 chở 4 người (có 2 trẻ nhỏ). TNGT xảy ra do xe mô tô đi không đúng phần đường, hậu quả làm 3 người chết và 1 người bị thương. Đáng nói, cả 4 người trên xe mô tô đều không đội mũ bảo hiểm.

Vụ TNGT xảy ra trên tỉnh lộ 367 thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên (tháng 2/2015). Chiếc ô tô Fortuner mang BKS CT-3529 của Tòa án Quân sự Trung ương (thuộc Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam) đi lấn làn đã tông vào xe mô tô BKS 14F1-5492 chở 5 người (trong đó có 2 trẻ em) không đội mũ bảo hiểm, vụ TNGT khiến cả 5 người trên xe mô tô đều thiệt mạng.

a2-0daaf-1456287956048

Cảnh sát giao thông đã xử lý gần 12.000 trường hợp là trẻ em, học sinh tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm trong năm 2015

​Cũng vào tháng 2/2015, trên Quốc lộ 18 thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, xe ô tô BKS 30T-7079 đi sai làn đường đã va chạm với xe mô tô BKS 34P1-4244 đi ngược chiều chở 4 người (có 2 trẻ em). Vụ TNGT làm 3 người thiệt mạng, 1 cháu bé bị thương nặng.

Tháng 4/2015, tại Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái xảy ra vụ TNGT đối với 3 em học sinh lớp 8 đi trên xe mô tô BKS 21V6-9712, cả 3 em đều không đội mũ bảo hiểm và không có giấy phép lái xe. Xe tự gây tai nạn và cả 3 em học sinh đều tử vong.

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết, hiện nay việc xử lý người điều khiển, người ngồi trên xe gắn máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách có lúc, có nơi chưa triệt để nên vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT liên quan đến trẻ em.

Ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông khi điều khiển mô tô, xe máy, xe đạp máy không đội mũ bảo hiểm chưa tốt, nhất là vào các ngày Lễ, Tết trên các tuyến đường giao thông nông thôn. Trong khi đó, ở một số địa phương, nhà trường và phụ huynh chưa quan tâm đúng mức về tầm quan trọng của việc đội mũ bảo hiểm cho con em, học sinh của mình, nhiều trường hợp chính phụ huynh là người không chấp hành đội mũ bảo hiểm đã làm gương không tốt cho các em khi tham gia giao thông...

Trong năm 2015 lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã tiến hành nhắc nhở đối với 31.754 trường hợp trẻ em không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, lập biên bản xử phạt 11.857 trường hợp, nộp kho bạc nhà nước 1,052 tỷ đồng, tạm giữ 319 xe mô tô, xe máy điện.

Việc trẻ em không đội mũ bảo hiểm điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra rất phổ biến
Việc trẻ em không đội mũ bảo hiểm điều khiển phương tiện tham gia giao thông diễn ra rất phổ biến

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, việc triển khai Kế hoạch Thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em cũng đã góp phần tích cực trong việc kéo giảm tai nạn giao thông liên quan tới đối tượng là trẻ em. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ TNGT liên quan đến trẻ em (từ 6-11 tuổi) giảm 39,4% về số vụ, giảm 37,5% số người chết và giảm 31,25% số người bị thương.

Nghiên cứu độc lập của Quỹ Phòng chống Thương vong Châu Á, từ tháng 3 năm 2014 đến tháng 12 năm 2015 cũng cho thấy, ngay sau đợt cao điểm tháng 4/2015, tỷ lệ trẻ em đội mũ bảo hiểm tăng 32% so với cùng kỳ năm trước (tăng từ 36% vào tháng 3/2014 lên tới 68% vào tháng 4/2015).

Ông Khuất Việt Hùng- Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia - cho rằng, tỷ lệ chấp hành đội mũ bảo hiểm cho trẻ em ở các địa phương đều tăng lên, tuy nhiên vẫn ở mức thấp và tỷ lệ không được duy trì ổn định; so với giai đoạn đầu của Kế hoạch khi chúng ta triển khai đợt cao điểm nhắc nhở, xử lý vi phạm thì đến giai đoạn sau tỷ lệ đội mũ bảo hiểm cho trẻ em lại giảm xuống.

“Điều đó chứng tỏ rằng vai trò việc tăng cường sự giám sát, kiểm tra, nhắc nhở của nhà trường và việc thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm trong công tác xử phạt vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông là hết sức quan trọng” - ông Hùng cho biết thêm.

C.N.Q