Nhiều người lao động mất tiền để nhận về chằng chịt vết thương

(Dân trí) - Nhiều trường hợp ở tỉnh Nghệ An bị lừa xuất khẩu lao động đi Angola; người đi được thì phải về nước sau 4 tháng với chằng chịt vết sẹo do chủ lao động đánh đập, người chưa đi được thì mất trắng hàng chục triệu đồng tiền phí môi giới...

Thông tin được đưa ra tại buổi đối thoại trực tuyến giữa Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền với nhân dân vừa diễn ra sáng nay (5/4), tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền là thành viên Chính phủ đầu tiên tham gia đối thoại với nhân dân cả nước trong năm 2013. Vấn đề dạy nghề đang là mục tiêu được Chính phủ thực hiện trong nhiều năm qua. Cụ thể là Chương trình mục tiêu quốc gia Việc làm và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015 đang được triển khai.

Bộ trưởng Chuyền khẳng định, khi người lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách có nghề, có dự án để phát triển sản xuất kinh doanh, có thể đến ngân hàng chính sách làm hồ sơ vay vốn với lãi suất ưu đãi bằng 50% lãi suất thông thường. Về chính sách cho người lao động vay vốn để đi xuất khẩu lao động ở Bắc Ninh, Bộ trưởng lý giải, chính sách này nằm trong chương trình tạo việc làm, trong đó ưu tiên cho 62 huyện nghèo. Đối với người có nhu cầu hỗ trợ khi xuất khẩu lao động, muốn học ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghề sẽ được vay tối đa không quá 3 triệu đồng.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đối thoại trực tuyến với nhân dân

Nữ Bộ trưởng chia sẻ với người dân về tình trạng tai nạn lao động ngày càng gia tăng và vẫn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Một trong những nguyên nhân là bởi số lượng cán bộ làm công tác thanh tra so với đối tượng cần thanh tra quá mỏng. Chưa kể một bộ phận chủ lao động vì lợi nhuận, vì lơ là trách nhiệm đối với tính mạng của người lao động nên không thực hiện nghiêm vấn đề An toàn lao động. Chính vì vậy, tình trạng người lao động và người sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc quy định về an toàn vệ sinh lao động nên dẫn đến tai nạn lao động gia tăng. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang biên soạn để trình Quốc hội Dự luật về an toàn vệ sinh lao động trong năm 2014.

Trước phản ánh của người dân ở Nghệ An về tình trạng trẻ em 12-13 tuổi phải lao động cực nhọc trong mỏ khai thác đá, Bộ trưởng Chuyền khẳng định đây là việc làm vi phạm quy định Luật Lao động và Pháp lệnh Bảo vệ trẻ em, cấm trẻ em chưa đủ tuổi tham gia lao động nặng nhọc. Hành vi sử dụng lao động trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm. Bộ trưởng còn đưa ra thực trạng, nợ đọng bảo hiểm xã hội gần đây rất lớn, nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%, doanh nghiệp FDI là 14%.

Vừa qua trên các báo đài phản ánh nhiều trường hợp ở tỉnh Nghệ An bị lừa xuất khẩu lao động đi Angola, người đi được thì phải về nước sau 4 tháng với chằng chịt những vết sẹo do chủ lao động đánh đập, người chưa đi được thì mất trắng hàng chục triệu đồng tiền phí môi giới.

Bộ trưởng Chuyền nói rõ, đến thời điểm này Việt Nam chưa có thỏa thuận lao động với Angola. Về vấn đề năm 2012 không đạt chỉ tiêu là đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân chính do một số thị trường nhận lao động Việt Nam cũng có khó khăn về kinh tế nên việc tiếp nhận lao động hạn chế, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Ngoài ra, một số thị trường không còn hấp dẫn về thu nhập như Malaysia (thu nhập chỉ 8-10 triệu đồng/tháng).

Nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu là tình trạng lao động ở lại Hàn Quốc. Nếu năm 2011, chúng ta đưa 15.000 lao động sang thị trường này nhưng năm 2012 chúng ta chỉ đưa được 9.000 người. Với những nguyên nhân trên đã tác động đến tổng thể mục tiêu đưa lao động ra ngoài nước của năm 2013. Về chỉ tiêu đưa 100.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2013, nếu thời điểm hiện tại thì chúng ta thấy khó khăn nhưng cũng có những tín hiệu tích cực nhất định như triển vọng đưa lao động là y tá, hộ lý sang Nhật Bản, Đức, hay một số thị trường Trung Đông nếu tình hình ổn định trở lại thì chúng ta có thể tiếp tục đưa lao động sang được.

Hướng dẫn người dân về nhóm đối tượng được vay vốn ngân hàng sử dụng trong mục đích đi xuất khẩu lao động, nữ Bộ trưởng cho biết, đối tượng là con thương binh, liệt sĩ và người có công có thể vay vốn với mức ưu đãi; những hộ nghèo ở 62 huyện nghèo cũng có thể vay ở mức ưu đãi. Mọi lao động quan tâm vấn đề này có thể liên hệ Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc liên hệ trực tiếp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn ưu đãi trực tiếp. 
 
Bộ trưởng cũng khẳng định, vấn đề giúp đỡ người khuyết tật cũng là chính sách lớn của Chính phủ. Cụ thể, thời gian qua Bộ LĐ-TB&XH đã bố trí ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng này.

Phạm Thanh