Nhiều nghi vấn quanh vụ 2 anh em tử vong sau truyền dịch

(Dân trí) - Đã gần 1 tuần kể từ cái chết bất thường của hai anh em Vinh và Nghĩa sau khi truyền dịch tại nhà, nguyên nhân cái chết của hai cháu vẫn chưa được xác định, bình dịch chưa được thu hồi, việc xử lý người truyền dịch vẫn phải chờ cơ quan chức năng.

Nhiều nghi vấn quanh vụ 2 anh em tử vong sau truyền dịch - 1
Chị Tâm quá đau đớn sau cái chết bất thường, nhiều nghi vấn của hai con.
 
Hai anh em cùng chết sau khi truyền dịch

 

Ngày 14/4, cháu La Văn Vinh (13 tuổi, con anh La Văn Thật và chị Phạm Thị Tâm), trú xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, thấy trong người mệt mỏi, trán hơi nóng, có triệu chứng bị cảm. Chị Tâm mua cho con 4 liều thuốc nhưng uống đến liều thứ 3, Vinh vẫn không khỏi.

 

Lo lắng cho việc ôn thi học kỳ của con, chị Tâm chạy qua nhờ bà Lê Thị Phường là y tá của thôn tiêm thuốc và truyền dịch cho con. Thấy con có vẻ đỡ, ngày hôm sau (15/4), chị tiếp tục nhờ bà Phường truyền thêm một chai nữa.

 

Sau khi chích ven truyền dịch cho Vinh, bà Phường bỏ về. Được 1/3 bình thì Vinh kêu lạnh rồi co giật, ói mửa. Hoảng sợ, chị Tâm vội rút kim tiêm ra. Lúc này mắt Vinh đã trợn ngược, lịm đi. Cả nhà vội đưa Vinh lên Bệnh viện Khu vực Bồng Sơn.

 

Tại đây các bác sĩ sau khi cấp cứu, chụp CT thấy không ổn liền chuyển em lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh nhưng Vinh đã chết khi vừa đến cổng, lúc đó khoảng 19 giờ ngày 15/4.

 

Chiều hôm đó, trong lúc vợ chồng anh Thật đang đưa Vinh lên bệnh viện tỉnh thì ở nhà, em La Văn Nghĩa là anh trai Vinh cũng bị sốt nhẹ và lại được bà Phường cho thuốc uống. Đến 17 giờ, Nghĩa đi học về, hai vợ chồng người chú đưa Nghĩa lên Bệnh viện Đa khoa Bồng Sơn để khám nhưng do quên thẻ bảo hiểm học sinh và tiền nên Nghĩa lại về.

 

Bà Phường nói Nghĩa chỉ bị cảm xoàng, để bà truyền cho một bình dịch thì khỏe, cần gì đưa lên bệnh viện vừa xa vừa tốn kém. Tại nhà anh Thật, bà Phường nói cứ dùng tiếp bình dịch đã truyền cho Vinh, chỉ cần thay dây và kim tiêm thì không sao. Hai vợ chồng người chú đồng ý.

 

Mới truyền được 20 phút thì Nghĩa kêu lạnh dưới chân rồi lên cơn co giật. Bà Phường vội rút kim tiêm và vứt bình dịch ra sân. Thấy cháu có những triệu chứng giống như đứa em, vợ chồng người chú vội đưa Nghĩa lên Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn. Nghĩa sau đó cũng được đưa lên bệnh viện tỉnh và tử vong tại đó vào trưa ngày 16/4.

 

Ông La Xuân Thu, chú của anh Thật, cho biết: Sau khi thấy Nghĩa bị co giật, bà Phường ban đầu vứt bình dịch ra sân, sau đó mang về nhà. Khi gia đình yêu cầu đưa bình dịch để mang lên viện cho các bác sĩ kiểm tra thì bà nói đã để đâu không nhớ.

 

23 giờ đêm 16/4, bà Phường đưa qua nhà anh Thật một chai dịch nhưng theo những người chứng kiến thì chai dịch này không phải là chai đã được dùng để truyền cho 2 anh em Nghĩa, Vinh trước đó.

 

Vẫn chưa xác định được nguyên nhân tử vong

 

Trao đổi với PV Dân trí, bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, cho biết: “Trường hợp của Vinh và Nghĩa, các bác sĩ không nghĩ là bị sốc phản vệ. Cả hai em đều được chẩn đoán là hội chứng não cấp với các triệu chứng như sốt cao, co giật toàn thân, hôn mê, huyết áp hạ, rối loạn nhịp thở… Riêng em Vinh được chụp CT thì thấy xuất huyết não”.

 

Bác sĩ Việt nói thêm, hội chứng não cấp rất nguy hiểm và đe dọa toàn thân nhanh. Nguyên nhân rất khó đoán, chính ông cũng cảm thấy lạ đối với trường hợp của hai cháu này.

 

“Chúng tôi đã đặt ra câu hỏi liệu cả hai cháu có ngộ độc gì không, có cái gì đã được đưa vào cơ thể các cháu dẫn đến như thế không. Để nắm rõ nguyên nhân thì cần xem xét các chất trong chai dịch và xét nghiệm các mẫu vật sau khi khám nghiệm tử thi. Chúng tôi vẫn đang chờ kết luận của cơ quan chức năng”, bác sĩ Việt nói.

 

Về phía Trạm Y tế xã Hoài Hải, ông Trần Đình Du, Trạm trưởng, cho biết: Việc làm của bà Lê Thị Phường là sai hoàn toàn dựa trên quy định đối với một y tá thôn. Chức năng của bà Phường chỉ là giám sát dịch bệnh ở địa phương rồi tổng hợp, báo cáo cho trạm y tế, phối hợp với Ban cán sự thôn làm công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

“Y tá thôn không được phép chích, truyền dịch và điều trị bệnh. Với những việc bà Lê Thị  Phường làm, hiện chúng tôi đã tạm thời đình chỉ công tác, không cho giữ vai trò y tế trong xã. Còn việc bà Phường vi phạm luật pháp ở mức độ nào thì cá nhân bà sẽ bị xử lý thích đáng với mức ấy”, ông Du nói.

 

Sau khi xảy ra sự việc, ngày 16/4, Công an và Thanh tra huyện Hoài Nhơn đã về Trạm Y tế xã Hoài Hải để tìm hiểu vụ việc và xem lại tư cách nghề nghiệp của bà Phường.

 

Chiều cùng ngày, Hội đồng Pháp y tỉnh Bình Định đã tiến hành mổ tử thi 2 cháu Vinh và Nghĩa. Đồng thời BV Đa khoa tỉnh Bình Định cũng đã gửi mẫu bệnh phẩm của 2 cháu đi xét nghiệm tại Viện Pasteur Nha Trang. Hiện nguyên nhân dẫn đến cái chết thương tâm của hai cháu vẫn chưa được công bố.

 

Được biết, bà Lê Thị Phường trước đây có mở dịch vụ mua bán thuốc Tây nhỏ lẻ tại nhà, sau đó được địa phương cử đi học lớp y tế thôn ngắn hạn (1-2 tháng) tại BV Bồng Sơn. Bằng cấp duy nhất của bà Phường là bằng chứng nhận lớp học ngắn hạn này. Năm 2000, bà Phường đảm nhận công tác y tế thôn Kim Giao Nam cho đến bây giờ.

 

Hoài Lương