Quảng Ngãi:

Nhiều hộ nghèo không được hỗ trợ sau bão vì thiếu sổ đỏ

(Dân trí) - Theo quy định của UBND tỉnh Quảng Ngãi, nhà hư hỏng trên 60% được hỗ trợ 4 triệu đồng, nhà sập hoàn toàn được nhận 10-12 triệu đồng. Nhưng tại xã Bình Mỹ (huyện Bình Sơn), nhiều hộ dân bị bão đánh sập nhà hoàn toàn nhưng chưa được hỗ trợ vì thiếu… “thẻ đỏ”.

Chuyện buồn của “người hùng”

 

Chúng tôi đến xã Bình Mỹ (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Canh Dần. Nơi đây đang “nóng bỏng” chuyện hỗ trợ thiệt hại do bão lũ số 9 năm 2009 gây ra. Một số nhà sập đã được xây cất lại, nhưng vẫn còn nhiều nhà ngổn ngang đổ nát. Hậu quả mà cơn bão để lại quá lớn, đang tăng thêm gánh nặng cuộc sống vốn còn nhiều khốn khó của người dân.

 

“Anh hùng” Phạm Văn Nhân (33 tuổi, xóm Thị Tứ, thôn Thạch An, xã Bình Mỹ) buồn hiu nhìn căn nhà đang xây dở bị bão quật ngã của mình mà thở dài: “Chắc phải dành dụm vài năm nữa mới có tiền xây tiếp”. 

 

Anh kể, khi cơn bão số 9 đổ về, nước dâng cao trong đêm khuya, lo lắng cho gia đình anh trai mình, anh chèo thuyền thúng qua xem tình hình. Khi thấy gia đình anh trai đã an toàn, anh quay về thì gặp nhiều bà con lối xóm đang kêu cứu. Không quản nguy hiểm, anh Nhân chèo thúng đến đưa từng người vào những khu đất cao một cách an toàn. Cứ thế, suốt đêm mưa bão, anh “căng mình” để cứu 11 người trước miệng thủy thần. 
 
Nhiều hộ nghèo không được hỗ trợ sau bão vì thiếu sổ đỏ - 1

"Người hùng" được nhận bằng khen...

 

Mải cứu người, anh quên mất việc di dời tài sản cho gia đình mình. Đến khi về nhà thì tất cả đồ đạc, cả kho gỗ mít trị giá vài chục triệu đồng của anh, đã bị nước cuốn trôi. Căn nhà mà vợ chồng anh chắt chiu từng cắc đang thi công dang dở cũng bị sập. 

 

Ngay sau khi cơn bão đi qua, UBND huyện Bình Sơn đã nhanh chóng thưởng cho “người hùng” Phạm Văn Nhân bằng khen vì hành động cứu người trong bão kèm theo 200.000 đồng tiền thưởng khích lệ. Nhưng nay cơn bão đi qua đã mấy tháng rồi, gia đình anh vẫn chưa được nhận 10 triệu đồng tiền hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa. Anh đành lượm lặt những gì còn sót lại dựng tạm cái chòi cho gia đình che nắng che mưa.

 

Anh tâm sự: “Xã nói nhà mình có 10m2 xây lấn vào đất ruộng, xây trái phép nên không được hỗ trợ. Mình buồn vì bỏ tất cả tài sản để cứu người nay lại không được hỗ trợ đồng nào. Cái chòi này mưa lớn một tí là dột khắp nơi. Chắc phải dành dụm đến sang năm mới dựng được cái chòi đàng hoàng hơn”.
 
Nhiều hộ nghèo không được hỗ trợ sau bão vì thiếu sổ đỏ - 2
... nhưng ngôi nhà bị sập của anh thì không được hỗ trợ.

 

Không được hỗ trợ vì chưa có “thẻ đỏ”

 

Không riêng gì anh Nhân, trên địa bàn xã Bình Mỹ còn có rất nhiều gia đình có nhà cửa bị sập hoàn toàn do cơn bão số 9 nhưng chưa được hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa vì xây nhà không giấy phép, vướng… “thẻ đỏ”.

 

Nói chuyện cái “thẻ đỏ” - cách người dân xã Bình Mỹ gọi giấy tờ nhà đất, bà con cho rằng họ đã ở đây từ ngày giải phóng đất nước đến giờ, nhưng vẫn không được cấp. 

 

Bà Bùi Thị Nga (60 tuổi) cho biết: “Nếu nói nhà không có “thẻ đỏ” thì ở cái xã này có hàng trăm gia đình. Chúng tôi ở đây từ thời ông bà tổ tiên đến giờ nhưng xin cái thẻ sao mà khó quá. Nhà thì vẫn cứ xây mọc lên như nấm, thuế nhà đất thì vẫn cứ đóng đều đặn hàng năm nhưng sao khi bão lũ làm sập nhà thì chúng tôi lại không được hỗ trợ thiệt hại?!”.

 

Nhiều hộ dân không có tiền xây lại nhà nên phải cất những căn chòi tạm để cả gia đình trú ngụ  qua ngày. Có nhà cố gắng chạy vạy, dựng xong căn nhà thì nợ đầm đìa.

 

Như trường hợp của anh Lê Vương Vũ (38 tuổi). Khi lập gia đình, anh được ba mẹ cho mảnh đất sau chợ Bình Mỹ. Bão số 9 làm nhà anh sập hoàn toàn nhưng anh không nhận được hỗ trợ vì không có “thẻ đỏ”. Vợ mới sinh con nhỏ thứ 2, không có chỗ che nắng che mưa, tiền chạy xe ôm của anh chỉ đủ kiếm ăn qua ngày. 
 
Nhiều hộ nghèo không được hỗ trợ sau bão vì thiếu sổ đỏ - 3
Những hộ cố gắng dựng nhà thì gánh những khoản nợ không biết bao giờ trả nổi.

 

Thương gia cảnh của anh, bà con họ hàng mỗi người cho mượn vài triệu dựng căn nhà nhỏ. “Có nhà nhỏ cũng mừng, nhưng nợ nhiều quá thế này biết bao giờ trả nổi. Phải chi, được nhà nước hỗ trợ 10 triệu thì mình khỏe lắm rồi!” - vợ anh Vũ thở dài. 

 

Chị  Ngô Thị Thanh Tâm (45 tuổi) nói chị ở trên mảnh đất này từ nhỏ đến giờ. Khi nhà bị sập toàn bộ, bị cũng không được hỗ trợ tiền khắc phục. “Chúng tôi chỉ  nhận được một ít mì tôm, gạo từ các  đoàn từ thiện về cho. Còn tiền hỗ trợ thiệt hại của nhà nước thì cán bộ xã bảo là không có”, chị Tâm bức xúc.

 

“Sẽ trình lên huyện để có hướng giải quyết”

 

Trao đổi cùng Dân trí, ông Chung Quang Bắc - Chủ tịch UBND xã Bình Mỹ - cho biết, việc chi tiền hỗ trợ các hộ có nhà sập hoàn toàn, sập trên 60% tuân thủ theo chỉ đạo của UBND huyện Bình Sơn. Theo đó, những nhà xây dựng trái phép, nhà thờ tự, nhà không người ở thì không được hỗ trợ tiền của nhà nước. Riêng trường hợp nhà anh Nhân thì xây dựng sai mục đích sử dụng đất vì anh xây nhà trên đất màu và đất ruộng.

 

Ông cho biết thêm: cả xã có 99 nhà bị sập hoàn toàn trong bão số 9; trong đó có 74 hộ được nhận hỗ trợ 10 triệu đồng, 22 hộ chưa được hỗ trợ vì xây nhà trái phép và 3 căn nhà bị sập nhưng chưa hỗ trợ vì là nhà không người ở, nhà thờ.

 

Để giải quyết vướng mắc này, xã Bình Mỹ đã yêu cầu các hộ dân cung cấp những giấy tờ có liên quan về mảnh đất của mình. Sau đó, xã sẽ tập hợp các đơn từ, giấy tờ của các hộ dân rồi đề xuất lên huyện để xem xét giải quyết. Nếu đất ở hiện giờ không ảnh hưởng gì thì cấp giấy tờ chứng nhận cho người dân.

 

Cũng theo ông Bắc, sau bão số 9, những trường hợp người chết, bị thương, nhà hợp pháp bị sập hoàn toàn, sập trên 60% đã được hỗ trợ. Còn rất nhiều nhà dân bị sập dưới 60%, trâu bò, súc vật bị chết… thì chưa được giải quyết. 

 

“Đa phần người dân có nhà sập, trước đó đời sống vốn đã khó khăn nên nhà cửa tạm bợ. Sau bão, đời sống người dân càng khó khăn hơn”, ông Bắc tâm sự. 
 

Thu hồi tiền hỗ trợ thiên tai cấp sai đối tượng

 

Bà con xã Bình Mỹ phản ánh nhiều hộ là cán bộ xã có nhà cửa bị thiệt hại sau bão không đáng kể nhưng vẫn được hỗ trợ 4 triệu đồng/hộ (diện hư hỏng trên 60%). Trước thông tin này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi đã chỉ đạo UBND huyện Bình Sơn phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bình Sơn tổ chức kiểm tra.

 

Chánh văn phòng UBND huyện Bình Sơn Vương Văn Thẩn cho biết: huyện đã tổ chức đoàn kiểm tra thực tế và xác định 6 hộ được cấp chi sai là gia đình bà Trần Thị Phụng (vợ Chủ tịch xã Bình Mỹ, Chung Quang Bắc), gia đình Lê Khắc Hiếu, gia đình Huỳnh Thạnh (xóm trưởng), gia đình Võ Hồng Khanh (xóm trưởng), gia đình Phan Thanh Vũ, gia đình Chung Quang Ba.

 

Qua kiểm tra xác định thiệt hại về nhà cửa của cả 6 hộ trên không đến 60%. Do đó, huyện đề nghị thu hồi lại số tiền hỗ trợ 4 triệu đồng đã chi sai.

 

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Bình Sơn,

cho rằng: “Thống kê ban đầu sai sót một phần là do cán bộ phòng không có chuyên môn. Mặt khác là do nhận định của mỗi tổ trưởng khác nhau. Có tổ thì chấm nới tay, có tổ chấm gắt. Chẳng hạn có nhà thiệt hại hơn 50%, có tổ đánh giá trên 60% để bà con được hỗ trợ, có tổ thì chỉ đánh giá là 50% nên không được hỗ trợ. Đó chỉ là do cách đánh giá khác nhau”.

 

Do vậy, ông thừa nhận sai sót về chuyên môn của mình và cán bộ mình nhưng khẳng định là không có chuyện tư túi hay đánh giá tốt cho hộ là cán bộ xã để lấy tiền hỗ trợ. Ông còn cho biết: “Khi kiểm tra mới biết là thời điểm đoàn thống kê thiệt hại đến đánh giá thiệt hại nhà anh Bắc thì anh ấy không có nhà, cán bộ đánh giá cũng không biết anh Bắc nên không có chuyện tư tình”.

 

Trao đổi cùng chúng tôi, ông Chung Quang Bắc cho biết là ngay khi đoàn đánh giá lại nhà cửa của gia đình ông thiệt hại không đủ 60% để nhận hỗ trợ thì ông đã trả lại ngay.

 

Về trách nhiệm của các bên liên quan, ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Bình Sơn đề nghị xử lý nghiêm khắc những cán bộ sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

 

Công Quang - Tùng Nguyên