Hòa Bình:

Nhiều “bi hài” trong một bản án dân sự

(Dân trí) - Vụ kiện dân sự đơn giản (đòi nợ 100 triệu đồng) nhưng qua hai cấp xét xử đều bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý của những người “cầm cân nảy mực” ở địa phương mà đương sự chỉ được giải thích là do lỗi đánh máy.

Nhiều “bi hài” trong một bản án dân sự - 1
Ông Đỗ Đức Thuận, Phó trưởng Thi hành án dân sự TP Hòa Bình
trong buổi kê biên tài sản ngày 26/5: (ảnh: H.Ngân).

Chưa xét xử đã có… bản án

Ngày 29 và 30/9/2008, TAND TP Hoà Bình đã mở phiên xét xử công khai vụ kiện dân sự vay nợ 100 triệu đồng giữa nguyên đơn là bà Trần Thị Soạn (trú tại Chương Mỹ, Hà Nội) kiện đòi ông Vũ Thái Sơn (trú tại tổ 15, phường Đồng Tiến, TP Hoà Bình).

Tại phiên toà, sau khi xem xét các chứng cứ, đánh giá lời khai hai bên và các nhân chứng, TAND TP Hoà Bình tuyên ông Sơn phải có trách nhiệm trả 100 triệu đồng cho bà Soạn. Tuy nhiên, khi tống đạt bản án này, ông Sơn đã “giật mình” khi phát hiện ra bản án đã được đóng dấu trước đó… 20 ngày.

Cụ thể, tại bản án sơ thẩm số 11/2008/DSST (bản án chưa có hiệu lực) do ông Hoàng Viết Lực, Thẩm phán, Chủ toạ phiên toà ký đề ngày 9/9/2008. Còn trên thực tế phiên tòa được mở vào ngày 29 - 30/9/2008 như đã nêu.

Sau khi phiên tòa sơ thẩm kết thúc, gia đình ông Sơn có đơn kháng cáo. Ngày 26/11 và ngày 2/12/2008 TAND tỉnh Hoà Bình tiếp tục mở phiên tòa phúc thẩm và tuyên y án sơ thẩm: ông Sơn phải trả lại cho bà Soạn số tiền 100 triệu đồng.

Sự việc hi hữu lại xảy ra một lần nữa khi bản án phúc thẩm “phát hành” trước ngày xét xử 2 ngày và trước ngày nghị án 8 ngày. Nghĩa là ngày 26/11 xét xử vụ án thì bản đã có từ ngày 24/11/2008.

Về phần bị đơn, ông Vũ Thái Sơn cho rằng việc hai cấp tòa của tỉnh Hòa Bình ra hai bản án trước ngày xét xử là việc làm thiếu khách quan, không công bằng cho các bên liên quan khi tranh tụng tại tòa.

Đổ lỗi cho đánh máy

Sau khi nhận được bản án phúc thẩm, ông Sơn có đơn khiếu nại lên các cấp và ngày 20/4/2009, TAND tỉnh Hoà Bình đã có Công văn số 71/CV-TA phúc đáp cho rằng đây là sai sót đáng tiếc của Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà cả 2 cấp.

Cùng với việc làm này, Thẩm phán - Chủ toạ phiên toà phúc thẩm, bà Nguyễn Thị Thuý Oanh đã ký Thông báo số 01/TB-TA về việc Sửa đổi bản án phúc thẩm với lý giải: vụ việc của bà Trần Thị Soạn và ông Vũ Thái Sơn TAND tỉnh Hoà Bình đã có nhầm lần trong khâu đánh máy về phần ngày ra bản án. Thông báo do Thẩm phán Oanh kí áp dụng điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự để sửa ngày ra bản án từ 24/11/2008 thành ngày 2/12/2008.

Tuy nhiên ông Sơn cho rằng, tại điều 240 Bộ luật tố tụng dân sự quy định: Sau khi tuyên án xong thì không được sửa chữa, bổ sung bản án, trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai.

Chính vì vậy ông Sơn “kết tội” Thẩm phán Oanh là “sửa đổi bản án vượt thẩm quyền” vì sửa đổi ngày tháng của bản án nó không nằm trong phạm trù “lỗi chính tả”. Và đã là luật quy định thì bất kể ai cũng không được suy diễn.

Câu chuyện về bản án có nhiều sự “nhầm lẫn” của 2 cấp tòa tỉnh Hòa Bình chưa dừng lại đó, cấp tòa tỉnh lại tiếp tục nhầm khi gửi bản án có hiệu lực về TAND huyện Lạc Sơn và Thi hành án Dân sự huyện Lạc Sơn để thi hành bản án một người trú tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình.

Tòa nhầm, Thi hành án cũng lẫn

Sau việc 2 cấp tòa nhầm, gia đình ông Sơn tiếp tục ngạc nhiên với cơ quan Thi hành án dân sự TP Hòa Bình. Cụ thể ông Sơn vô cùng sửng sốt bởi Quyết định kê biên tài sản của Thi hành án xuất hiện chiếc xe ô tô BKS: 28H-4223 của con trai ông là anh Vũ Đại Giang.

Ông Sơn cho hay đây là tài sản của con trai ông, người không liên quan đến vụ việc trên nhưng lại bị Thi hành án mang ra kê biên là điều hết sức vô lí.

Theo những tài liệu của gia đình ông Sơn cung cấp thì chiếc xe này được anh Giang mua lại của anh Trịnh Xuân Cường (trú tại Lạc Sơn) có giấy bán xe kèm xác nhận của chính quyền địa phương. Anh Giang hiện đã có gia đình, có hộ khẩu riêng và kinh doanh riêng.

Vấn đề kê biên tài sản không đúng đối tượng ngay lập tức bị đương sự phản đối và Thi hành án dân sự Hoà Bình phải đề nghị VKSND tỉnh Hoà Bình ra quyết định “tạm dừng kê biên chiếc xe ô tô 12 chỗ BKS 28H 4223 để tiếp tục xác minh”.

Tuy nhiên việc tạm dừng kê biên này đã khiến việc làm ăn của gia đình anh Giang bị “treo” và cho đến thời điểm hiện tại, cơ quan Thi hành án cũng chưa có câu trả lời chính thức. Anh Giang cho biết, Thi hành án “treo xe” của tôi chẳng khác nào treo niêu cả nhà vì hiện gia đình chỉ trông vào chiếc xe đó để làm ăn.

Câu chuyện li kì chưa dừng lại ở đó, khi cơ quan Thi hành án lại gửi thông báo cưỡng chế thi hành án đối với gia đình ông Sơn ở phường “Chăm Mát” và khi không kê biên được ô tô, Thi hành án dân sự TP Hòa Bình quay sang kê biên tài sản nhà và đất của gia đình ông Sơn vào sáng 26/5.

Tại buổi kê biên tài sản này, trao đổi với PV Dân trí về việc dư luận cho rằng bản án xét xử chưa khách quan, ông Đỗ Đức Thuận, Phó trưởng Thi hành án dân sự TP Hòa Bình cho rằng, cơ quan thi hành án chỉ tuân thủ theo bản án của tòa phúc thẩm (có thông báo sửa đổi bản án của thẩm phán Oanh) đã có hiệu lực pháp luật và chưa có kháng nghị của VKS cấp trên. Việc tòa xử sai hay đúng là vấn đề của tòa.

Qua vụ án trên có thể nói sự cẩu thả của các cơ quan tư pháp tỉnh Hòa Bình không chỉ dừng lại ở mức sai sót đơn thuần mà là “có hệ thống” và cần phải được các cơ quan chức năng cấp trên xem xét lại một cách đúng mực để lấy lại sự tin tưởng vào pháp luật của người dân.

Hồng Ngân