"Nhật ký Kon Tum" và sự cứu rỗi cuộc đời một cựu binh Mỹ

Cuốn nhật ký của trung úy Nguyễn Văn Nghĩa đã giúp cựu binh Paul Reed thoát khỏi những ám ảnh của cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Cuộc chiến tranh Việt Nam đã lùi vào quá khứ gần 40 năm, nhưng đối với nhiều cựu binh Mỹ, những nỗi đau, những kỷ niệm buồn về một cuộc chiến phi nghĩa vẫn ám ảnh, đeo đẳng họ. Không ít người lính Mỹ trở về đã bị sang chấn tâm lý chiến tranh. Và cuộc sống của họ sẽ mãi không bình yên nếu không tìm được một sự đồng cảm, tha thứ của những người ở bên kia chiến tuyến. Cựu binh Paul Reed là một người trong số hàng trăm binh sỹ Mỹ trở về sau chiến tranh đã tìm được sự đồng cảm đó.

Paul Reed giới thiệu với phóng viên VOV về cuốn Nhật ký Kon Tum

Paul Reed giới thiệu với phóng viên VOV về cuốn Nhật ký Kon Tum

Trong căn phòng treo đầy kỷ vật chiến tranh tại McKinney, một thành phố nhỏ thuộc bang Texas của Mỹ, một người đàn ông ngồi trầm ngâm hàng giờ bên màn hình máy tính. Hình ảnh những cuộc hành quân, những trận chiến ác liệt đầy khói súng cách đây hơn 40 năm cứ nối tiếp nhau không ngừng, và có lẽ sẽ tiếp tục ám ảnh suốt quãng đời còn lại của người cựu binh Mỹ có mặt tại chiến trường Việt Nam vào cuối những năm 1960.

"Tôi không thể quên được bất cứ điều gì. Không thể quên chiến tranh, không thể quên bi kịch đã bỏ lại phía sau. Đã 46 năm nhưng đêm nào tôi cũng mơ thấy chúng", ông Paul Reed bắt đầu câu chuyện.

Năm 1966, cậu thanh niên 17 tuổi Pauln Reed tình nguyện gia nhập lực lượng quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam với niềm tự hào ngây thơ về tinh thần của một "người yêu nước". Paul hăm hở lao vào các khoá huấn luyện quân sự đầy gian khổ để chuẩn bị lên đường "phụng sự tổ quốc", bất chấp lời cảnh báo của những quân nhân đi trước.

Paul Reed và bố trước khi sang Việt Nam
Paul Reed và bố trước khi sang Việt Nam

"Một số binh sỹ trở về từ Việt Nam nói họ cảm thấy tiếc cho tôi. Khi tham gia quân đội, tôi đăng ký vào đơn vị lính dù vì nghĩ đơn giản nhiệm vụ của mình chỉ là nhảy dù từ máy bay xuống đất. Không ai nói với tôi rằng khi chạm đất, tôi sẽ phải cầm súng và chiến đấu", Paul chia sẻ.

Paul không để tâm nhiều tới những gì đang chờ đợi phía trước để rồi mãi khi bước chân tới Việt Nam mới hiểu ý nghĩa câu nói "lấy làm tiếc" của đồng đội.

"Tôi tới Biên Hoà vào tháng 3/1968. Tại đây, tôi gặp một người bạn cũ đã tham chiến tại Việt Nam được 6 tháng. Khi biết tôi ở Lữ đoàn dù 173, bạn tôi nói cậu ấy cảm thấy tiếc cho tôi. Tôi hỏi lý do thì cậu ấy trả lời rằng khi làm nhiệm vụ tôi sẽ phải giết nhiều người. Cậu ấy nghĩ tôi thích bắn giết", Paul nhớ lại.

Paul Reed tại chiến trường Kon Tum

Paul Reed tại chiến trường Kon Tum

Không lâu sau khi sang Việt Nam, Paul bị điều vào chiến trường Kon Tum và bắt đầu nếm trải những ngày tháng đen tối của chiến tranh. Đơn vị phải hành quân vào ban ngày, đào hố ngủ trong rừng vào ban đêm, ngay trên nền đất với cơ man rắn, rết, muỗi và những cơn mưa rừng. Và cũng tại đây, lần đầu tiên Paul được tận mắt chứng kiến nỗi chán ngán chiến tranh tột cùng của lính Mỹ.

"Trong một lần bị vây trên đỉnh đồi, một đồng đội của tôi bị thương nặng ở ngực. Khi tôi hỏi anh ấy cảm thấy thế nào thì câu trả lời là: “Tôi sắp được về nhà rồi”. Tôi nghĩ anh ấy bị trúng đạn và sốc, không còn cảm giác đau đớn nữa mà chỉ mong được về nhà gặp cha mẹ. Anh ấy rất hạnh phúc với điều đó", Paul kể lại.

Câu nói cuối cùng của người bạn trước khi trút hơi thở cuối cùng cứ khắc sâu trong tâm trí Paul như một điềm báo cho một ngày trở về không yên bình. Paul lờ mờ nhận ra rằng mình và các đồng đội đã bị chính quyền lừa gạt, lôi vào một cuộc chơi bắn giết và phải "làm công việc bẩn thỉu thay cho kẻ khác”.

Trong một trận chiến, đơn vị của Paul bị thiệt hại nặng và phải thay đổi chiến thuật nhằm chiếm đỉnh đồi, nơi bộ đội Việt Nam đang trấn giữ. Paul cùng một số binh sỹ được giao nhiệm vụ trinh sát và phát hiện một lán trại của bộ đội Việt Nam với khoảng hơn 50 chiếc ba lô, vũ khí, nồi nấu ăn, dụng cụ y tế, bông băng, nhiều vật còn thấm máu. Khi được lệnh lục soát ba lô, Paul vớ đại 1 chiếc và tìm thấy 2 lá cờ: 1 của đơn vị và 1 của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, cùng tem thư, tiền, ảnh, báo...

Paul Reed năm 1967

Paul Reed năm 1967

"Tôi biết mỗi chiếc ba lô này đã nằm trên lưng một ai đó trên suốt quãng đường hành quân cả nghìn cây số. Do vậy mà chúng vô cùng quý giá đối với họ. Nhưng đồ vật khiến tôi chú ý nhất lại là một quyển sách nhỏ, trông giống một cuốn nhật ký. Khi mở ra, trên mỗi trang đều có chữ viết tay. Tôi không hiểu tiếng Việt nhưng chữ viết tuyệt đẹp, như một tác phẩm nghệ thuật vậy. Lúc đó tôi nghĩ rằng mình cần giữ lại chúng", Paul nói.

Paul quyết định giấu hết số vật phẩm này và vắt óc nghĩ cách đưa chúng về Mỹ để tránh bị tịch thu. Đêm đó, Paul cho tất vào một hộp các tông, đóng gói theo dạng bưu phẩm, ghi địa chỉ cha mẹ lên đó và nhờ viên phi công lái trực thăng vận chuyển nước uống gửi về Mỹ. Dù đã gửi đi, Paul vẫn áy náy, không biết liệu chiếc hộp có đến được tay người nhà hay không. Có thể trực thăng sẽ bị bắn rơi, hoặc phi công sẽ quăng xuống ruộng, hoặc anh ta không đủ tiền trả cước phí bưu điện...

Cuốn nhật ký trong chiếc ba lô

Cuốn nhật ký trong chiếc ba lô

Không ngờ chỉ 10 ngày sau, Paul nhận được thư của mẹ, nói rằng bưu phẩm đã tới nơi. Rồi Paul cũng không còn thời gian để nhớ tới món đồ đó nữa. Bao nhiêu tâm trí đều phải căng ra với những trận chiến liên miên, với thời tiết khắc nghiệt, ngày nóng như thiêu, đêm lạnh cắt da của miền Trung Việt Nam. Ngày nào cũng mưa ướt như chuột lột nhưng không dám tháo giày, kể cả khi ngủ, vì sợ bị tấn công. Paul kể, 2 tuần mới được thay tất một lần, khi tháo tất ra, chân như một chiếc xúc xích chưa nướng, các ngón dính vào nhau như chân vịt và đến bây giờ vẫn còn đau. Paul đoán chắc những người bên kia chiến tuyến cũng ở trong hoàn cảnh tương tự, thậm chí còn thiếu thốn, cực khổ hơn. 1 năm sau, Paul xuất ngũ.

Bài thơ trong cuốn nhật ký của trung úy Nguyễn Văn Nghĩa

Bài thơ trong cuốn nhật ký của trung úy Nguyễn Văn Nghĩa

"Mọi người nói rằng chiến tranhđãkết thúc với tôi vàtôi cần quên nó đi. Nhưng làm sao màquênđược. Tôiđãcốquên. Tôi tìm việc làm. Nhưng khi làm việc tôi luôn nổi cáu vớiđồng nghiệp. Vợtôi bảo tôi cógì đókhôngổn, những người khác cũng nói vậy. Nhưng tôi phảnứng lại, bảo chính bọn họmới cógì đókhôngổn. Tôi thậm chícònđánh nhau với một vài người. Cuối cùng thìmất việc, mất nhà, mất xe, mất giađình, mất cả đấtđai."

18 năm sau khi xuất ngũ, Paul mới biết mình bị hội chứng chấn thương tâm lý (PTSD) do chiến tranh. Trắng tay năm 38 tuổi, Paul đành chuyển về sống cùng cha mẹ. Hai ông bà không hiểu nổi vì sao đã gần 20 năm rồi mà những ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí con trai mình. Đó chính là tác động của PTSD. Trong một bữa tối, khi cả nhà đang trò chuyện về Việt Nam thì bà mẹ chợt nhớ tới gói bưu phẩm cũ mà Paul gửi về lúc còn ở chiến trường. May mắn là nó vẫn nằm trong nhà kho trên tầng áp mái suốt gần 20 năm qua. Đã có lần Paul suýt vứt chiếc hộp đi trong lúc dọn kho vì tưởng là rác.

Tem và bì thư trong ba lô

Tem và bì thư trong ba lô

"Mở hộp ra, bên trong vẫn nguyên vẹn những con tem, những lá thư, tờ tiền giấy, báo, ảnh, phong bì... Tất cả như tôi vừa đóng gói và gửi đi hôm qua. Và vẫn còn đó cuốn sách nhỏ, chữ viết như hoa, nét mực xanh đen rất đẹp. Mẹ tôi hỏi trong đó viết gì thế? Tôi bảo con không biết, vì đó là tiếng Việt. Mẹ tôi bảo nếu là tôi thì bà sẽ nhờ dịch ra tiếng Anh vì có thể cuốn sách này chứa đựng một điều gì đó có thể thay đổi cuộc sống của tôi một cách tích cực", Paul nhớ lại.

Theo lời khuyên của mẹ, Paul nhờ người chuyển ngữ cuốn sách sang tiếng Anh. Và ông không thể quên được những gì mà người dịch, một sỹ quan quân đội Sài Gòn cũ, đã nói: "Paul, tôi cũng căm ghét người này giống như anh vậy nhưng phải nói thực đây là một người đàn ông tốt, một người đàn ông của gia đình”. Nghe như vậy, Paul phản bác: “Anh nói dối, cái gã viết cuốn sách này không thể là người tốt được. Đó là kẻ giết người, hắn sát hại bạn bè tôi".

Paul mang bản dịch về nhà, quẳng lên bàn và chẳng buồn ngó ngàng tới nữa. Vài tháng sau, Paul gần như phát điên. Trong một cơn cuồng giận, ông giơ nắm đấm lên trời và thét lớn: "Chúa ơi, sao lại khiến con ra nông nỗi này!". Nhưng cũng chính lúc đó, Paul chợt nhận ra rằng dường như mọi việc đã được an bài từ trước. Ông đã có quá nhiều, đã được quá nhiều: nhà cửa, đất đai, xe cộ... và đã đến lúc phải trả lại tất cả. Paul trấn tĩnh lại, nhìn quanh và bất chợt thấy bản dịch cuốn sách nằm trên bàn. Đó là một cuốn nhật ký đầy ắp những vần thơ về quê hương đất nước, về tình yêu đôi lứa, về nỗi nhớ nhung mái ấm gia đình, về khát vọng thống nhất 2 miền Nam-Bắc.

Trong khoảnh khắc, Paul tìm được sự đồng cảm với đối thủ, một người lính Việt Nam cấp bậc trung uý mang tên Nguyễn Văn Nghĩa.

Paul Reed cùng gia đình sau ngày xuất ngũ

Paul Reed cùng gia đình sau ngày xuất ngũ

"Tôi cảm thấy mình và anh ta đã hoà thành một, không còn khác biệt, đối nghịch. Gần như tức thời, tôi cảm nhận rằng anh ta cũng là một con người như tôi, cũng chiến đấu vì đất nước mình. Tôi chỉ căm hận vì anh ta đã sát hại bạn bè tôi. Nhưng cũng chỉ trong chớp mắt, tôi bỗng nhận ra rằng nếu tiếp tục thù hận anh ta khi mà 2 người đã như một thì chẳng khác nào thù hận chính mình. Tha thứ cho anh ta cũng chính là tha thứ cho bản thân. Tôi lập tức thét lên: “Tôi tha thứ cho anh! Tôi tha thứ cho anh”. Cũng chính thời khắc đó, tôi cảm thấy như trọng lượng của cả trái đất đã rời khỏi vai mình. Lần đầu tiên từ khi trở về từ Việt Nam, tôi cảm thấy thanh thản. Tôi gục xuống khóc và cứ thế tự hỏi: “Sao anh ấy lại phải chết?Sao chúng ta lại giết anh ấy? Sao tôi lại giết anh ấy? Giết anh ấy có khác gì tôi giết chính mình", Paul hồi tưởng lại.

Dù chưa từng gặp mặt nhưng kể từ đó Nguyễn Văn Nghĩa đã trở thành người bạn tri kỷ của Paul. Bức ảnh của người lính Việt Nam được đặt trên bàn làm việc, cuốn nhật ký được đọc đi đọc lại không biết bao lần, để mỗi lần lại mang tới cho Paul một cảm xúc mới. Paul ước Nguyễn Văn Nghĩa còn sống để được nói lời cảm ơn với ông, với tập nhật ký mà Paul cho rằng quá xứng đáng để được vinh danh.

3 năm sau, Paul quyết định trở lại Việt Nam để trao cuốn nhật ký cho vợ trung uý Nghĩa, vừa để tri ân thân nhân người đã thay đổi cuộc đời mình, vừa để bà hiểu thêm và có thể tự hào về người chồng vừa quả cảm, vừa nhất mực yêu thương gia đình. Đó là mùa đông năm 1993. Không biết gia đình ông Nghĩa ở đâu, Paul đôn đáo khắp nơi, nhờ cả người Mỹ lẫn người Việt tìm giúp địa chỉ. Thật bất ngờ, chỉ một ngày trước khi lên đường, Paul nhận được tin: chủ nhân cuốn nhật ký hiện vẫn còn sống. Paul sững người, trào nước mắt.

"Tôi mừng quá đỗi. Không hiểu sao ông ấy lại có thể sống sót sau trận chiến tại Kon Tum. Tôi quá vui vì người đã thay đổi cuộc đời của tôi vẫn còn sống và tôi sắp được gặp ông ấy", Paul nói.

Paul Reed và trung úy Nghĩa thăm lại chiến trường xưa

Paul Reed và trung úy Nghĩa thăm lại chiến trường xưa

Paul Reed và trung úy Nghĩa sau lần trở lại Việt Nam

Paul Reed và trung úy Nghĩa sau lần trở lại Việt Nam

Cuối cùng, 2 "cựu thù" đã gặp nhau sau 25 năm không hề biết mặt trong ngôi nhà của cựu chiến binh Nguyễn Văn Nghĩa tại Thái Bình. Trái với những lo ngại ban đầu của Paul, người cựu binh Mỹ được đón tiếp bằng sự chân thành, cởi mở, thân thiện và mến khách.

"Cả hai chúng tôi đều rất hồi hộp. Khi bắt tay, tôi cảm thấy ông Nghĩa rất run. Tôi cũng vậy. Gặp rồi mới thấy ông Nghĩa quả thực là người rất tốt, một người đàn ông của gia đình. Ông ấy dành rất nhiều tình cảm cho gia đình, cho đất nước, cho con cái", Paul kể lại.

Paul trao lại cho Nguyễn Văn Nghĩa toàn bộ những kỷ vật mà ông quý như của chính mình. Ngày hôm sau, hai người vào Kon Tum thăm lại nơi diễn ra trận đánh năm xưa. Tại đây, mọi thù hận, ân oán, chiến tranh đều trôi vào dĩ vãng.

Cuốn nhật ký đã được Paul Reed trao lại cho ông Nghĩa

Cuốn nhật ký đã được Paul Reed trao lại cho ông Nghĩa

"Tôi nói với ông Nghĩa rằng tôi từng căm ghét ông vì ông đã giết bạn tôi. Tôi cũng từng căm ghét cả Việt Nam nữa. Ông Nghĩa đáp rằng ông ấy cũng căm ghét tôi vì ông ấy cũng mất đi phần lớn bạn bè và cả người em trai. Em trai ông ngã xuống cách chiến trường này không xa. Ông bảo chính tôi đã giết họ. Tôi nói rằng tôi đã tha thứ cho ông, vậy ông có thể tha thứ cho tôi không? Ông Nghĩa trả lời “Được, hãy để quá khứ trở thành quá khứ'. Chúng tôi cầm tay nhau cùng đi xuống, lưng quay lại quả đồi nơi chúng tôi chĩa súng vào nhau cách đó 25 năm, như một minh chứng rằng trái tim chúng tôi đã thanh thản, chiến tranh đã kết thúc với cả hai", Paul nhớ lại.

Theo Nhật Quỳnh - Huy Hoàng
VOV