Nhà sư "nhất bộ nhất bái" đã kết thúc hành trình tại Yên Tử

(Dân trí) - Hành trình “nhất bộ nhất bái” của nhà sư Thích Tâm Mẫn bắt đầu từ ngày 24/11/2009 tại chùa Hoằng Pháp (TPHCM) đã kết thúc ngày 24/11/2012 tại đỉnh chùa Đồng, Yên Tử, TP Uông Bí, Quảng Ninh với chặng đường dài hơn 1.860 km và 6 triệu lần lạy.

Đại đức Thích Tâm Mẫn, có tuệ danh Lê Minh, sinh năm 1977, bắt đầu xuất gia, tu học từ ngày 19/06/2004 tại chùa Hoằng Pháp thuộc xã Tân Hiệp - Huyện Hóc Môn - TP Hồ Chí Minh.

Nhà sư có tâm nguyện "nhất bộ nhất bái" (đi một bước lạy một bước) từ gian chính điện chùa Hoằng Pháp đến non thiêng Yên Tử (Quảng Ninh) để sám hối tội lỗi, cầu nguyện hoà bình, chi đạt quả Phật và hoá độ chúng sinh. Nhà sư đã thực hiện cuộc hành trình đầy thử thách này với 1.419 ngày, đi qua quãng đường 1.860 km, thực hiện 6 triệu lần lạy tạ.

Nhà sư Thích Tâm Mẫn đã kết thúc hành trình nhất bộ nhất bái tại non thiêng Yên Tử.
Nhà sư Thích Tâm Mẫn đã kết thúc hành trình nhất bộ nhất bái tại non thiêng Yên Tử.

Tính từ 8 giờ sáng ngày 27/1/2009, nhà sư Thích Tâm Mẫn đã đi qua địa phận các tỉnh, thành trong nước với các mốc thời gian như sau: tỉnh Đồng Nai - ngày 14/02/2009; tỉnh Khánh Hoà: ngày 18/09/2009; TP Đà Nẵng: ngày 23/11/2010; tỉnh Quảng Trị: ngày 07/04/2011; tỉnh Nghệ An: ngày 27/11/2011; tỉnh Ninh Bình: ngày 21/04/2012; TP Hà Nội: ngày 20/07/2012; tỉnh Quảng Ninh: ngày 15/10/2012 và địa phận TP Uông Bí - Quảng Ninh ngày 05/11/2012.

Vào hồi 9 giờ 30 phút ngày 24/11/2012, nhà sư Thích Tâm Mẫn đã lên đến chùa Đồng - Yên Tử để thực hiện khoá lễ cầu nguyện Quốc thái dân an và chính thức kết thúc cuộc hành trình "nhất bộ nhất bái" của mình. 

Một vài hình ảnh nhà sư "nhất bộ nhất bái" tại Yên Tử:

Những bước hành lễ cuối cùng trong hành trình gần 4 năm của nhà sư Thích Tâm Mẫn.
Những bước hành lễ cuối cùng trong hành trình gần 4 năm của nhà sư Thích Tâm Mẫn.

Hàng nghìn phật tử dõi theo hành trình của nhà sư.
Hàng nghìn phật tử dõi theo hành trình của nhà sư.

Giây phút hạnh ngộ giữa mây mù của non thiêng Yên Tử.
Giây phút hạnh ngộ giữa mây mù của non thiêng Yên Tử.
Niềm hoan hỉ của của nhà sư Thích Tâm Mẫn sau khi hoàn thành tâm nguyện.
 
Niềm hoan hỉ của của nhà sư Thích Tâm Mẫn sau khi hoàn thành tâm nguyện.
Niềm hoan hỉ của của nhà sư Thích Tâm Mẫn sau khi hoàn thành tâm nguyện.
 

Non thiêng Yên Tử còn được gọi là Bạch Vân Sơn hay Phù Vân Sơn, cao 1.068 mét so với mặt nước biển. Tại vùng núi Yên Tử, vua Trần Nhân Tông (1258-1308) sau hai lần lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống giặc Nguyên-Mông thắng lợi đã rời bỏ ngai vàng và xuất gia về Yên Tử tu hành (1299), lấy pháp hiệu Trúc Lâm Đại Đầu Đà, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo với một dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, đặc trưng Phật giáo của Việt Nam.

Phật hoàng Trần Nhân Tông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương, vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm và Huyền Quang Lý Đạo Tái vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm đã phát huy dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đạt đến độ rực rỡ, trở thành nền tảng tư tưởng dựng nước và giữ nước thời Trần.

 Quốc Đô - Anh Thế