Hà Nội:

Nhà “siêu mỏng” tái xuất trên phố mới

(Dân trí) - Như là luật bất thành văn, Hà Nội cứ có phố mới là có nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” mọc lên, khiến bộ mặt xây dựng của thủ đô trở nên nhếch nhác, bất chấp những nỗ lực giải quyết của chính quyền địa phương.

Sau rất nhiều cố gắng của chính quyền thủ đô và các cơ quan chức năng, tuyến đường La Thành - Yên Lãng - Cát Linh (Hà Nội) đã dần được mở rộng, khang trang đẹp đẽ hơn. Song khi những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát còn chưa kịp đánh số thì bộ mặt của tuyến phố đã bị “móp méo” bởi những ngôi nhà “siêu mỏng”, “siêu méo” mọc lên tại khu vực tổ 60, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
 
Nhà “siêu mỏng” tái xuất trên phố mới  - 1
Bề ngang nhà "siêu mỏng" có thể tính bằng... gang tay. (ảnh: H.Ngân)

Theo quan sát của phóng viên, những ngôi nhà cực “siêu mỏng” này vừa được dựng lên, phần tầng 1 có chiều sâu chừng 30cm, tầng 2 được chủ hộ đua ra chừng 50cm, bề ngang khoảng vài mét, nhìn kỹ có lẽ giống một bức tường hơn là một ngôi nhà; tưởng như chỉ cần một trận gió mạnh là những ngôi nhà này sẽ bị hất đổ bất cứ lúc nào.

Trao đổi với phóng viên Dân trí về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa, Trần Trí Anh, cho biết, Luật Xây dựng quy định rõ: diện tích thửa đất dưới 15m2 hoặc từ 15-40m2 có chiều sâu dưới 3m thì tuyệt đối không được cấp phép xây dựng. Nhưng trong quá trình tiến hành giải phóng mặt bằng để mở tuyến đường La Thành - Yên Lãng - Cát Linh, hàng chục ngôi nhà đã bị tiến hành thu hồi, trong đó phường Ô Chợ Dừa còn “trơ” ra 4 hộ bị thu hồi gần hết diện tích đất sử dụng lâu năm.

Trong số những hộ dân này, duy nhất gia đình ông Lê Văn Quán (tổ 60, phường Ô Chợ Dừa) có đủ diện tích để xây dựng sau khi đã tiến hành hợp khối theo quy định của UBND TP Hà Nội. Các hộ còn lại thì không thể hợp khối lại với nhau do không đủ diện tích chiều sâu, vì phía sau khu đất của họ là đơn vị bộ đội. Do đó họ đã tranh thủ xây dựng để giữ đất.
 
Nhà “siêu mỏng” tái xuất trên phố mới  - 2

Nhà hay tường? (Ảnh: H.Ngân)
 
UBND phường đã nhiều lần tiến hành lập biên bản, đình chỉ thi công và gửi công văn lên cấp trên xin ý kiến xử lý dứt điểm các vụ việc trên. Tuy nhiên đến thời điểm này, phường vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của cấp trên.
 
“Nếu UBND TP và UBND quận Đống Đa yêu cầu chúng tôi cưỡng chế dỡ bỏ thì chúng tôi sẽ dỡ bỏ. Nhưng xét về khía cạnh nào đó, quyền sử dụng đất vẫn thuộc các hộ gia đình đó quản lý, cho dù diện tích đất của họ không đủ điều kiện để xây dựng. Chính vì vậy khi tiến hành xử lý, các cơ quan có thẩm quyền cũng nên cân nhắc xem xét giá cả đền bù để tránh thiệt thòi cho người dân trong vấn đề giải phóng mặt bằng thiếp theo”, ông Trí Anh nêu quan điểm.
 
Ông Trí Anh nói thêm: “Để Hà Nội không còn nhà siêu mỏng, siêu méo thì các đơn vị chủ đầu tư, cơ quan chức năng khi tiến hành giải phóng mặt bằng mở đường mới, với những hộ gia đình không bị thu hồi hết diện tích đất đang sử dụng, các cơ quan chức năng nên tiến hành lập phương án “phát sinh” và xin ý kiến cấp trên cho thu hồi toàn bộ số diện tích còn lại. Như vậy mới có thể chấm dứt được hiện tượng cứ có phố mới là có siêu mỏng, siêu méo. Đồng thời sẽ tiết kiệm được cả về mặt kinh tế, nhân công vật lực, tránh gây khiếu nại, khiếu kiện và bức xúc trong các hộ dân do không phải tiến hành giải phóng mặt bằng thêm một lần nữa”.
 
 Hồng Ngân