Nhà nước quản lý đất kém vì quá… rộng quyền?!

(Dân trí) - “Quy định không chặt về quyền của nhà nước - đại diện chủ sở hữu đất dẫn đến quản lý yếu, kém hiệu quả, nhiều kẽ hở dẫn đến các biểu hiện sai phạm, tiêu cực về đất đai thời gian qua” – Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhận định.

Dự thảo luật Đất đai sửa đổi mới nhất sau khi được tiếp thu, chỉnh lý từ gần 7 triệu ý kiến góp ý của người dân được đưa ra UB Thường vụ QH xem xét, cho ý kiến ngày 17/4.

Vẫn thu hồi đất cho dự án kinh tế

Giải trình, chỉnh lý thêm một số nội dung trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong thường trực UB Kinh tế tán thành với việc tiếp tục quy định chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Một số ý kiến đề nghị thực hiện chế độ đa sở hữu đối với đất đai. Ý kiến khác lại đề nghị thực hiện sở hữu tư nhân đối với đất ở. Khía cạnh khác, cũng có người đề nghị dùng khái niệm sở hữu nhà nước thay cho sở hữu toàn dân để khẳng định quyền của Nhà nước. Ngoài ra, ý kiến khác lại đặt vấn đề bổ sung khái niệm quyền sử dụng đất với tư cách là quyền tài sản.

Ông Giàu nêu quan điểm, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được xác định từ Hiến pháp 1980 đến nay. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam, thành quả cách mạng của dân tộc. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội. Cơ quan thẩm tra “chốt” hướng quy định này.
Nhà nước quản lý đất kém vì quá… rộng quyền?!
Dù dự thảo Hiến pháp mới đã bỏ quy định thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế xã hội, dự thảo luật Đất đai vẫn giữ phương án này.

Vấn đề thu hồi đất, một số ý kiến đề nghị sử dụng khái niệm “trưng mua” đất đai thay cho “thu hồi đất” với lý lẽ, quyền sử dụng đất là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ, việc thu hồi đất chỉ nên áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật đất đai. 

Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang giải thích, tiếp thu ý kiến góp ý của người dân, cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý quy định theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế, xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng". Để đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, việc thu hồi đất cho các dự án này phải tuân thủ cơ chế là được QH, Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư, HĐND cấp tỉnh thông qua.

Tuy nhiên, Bộ TN-MT vẫn trình hai phương án – một phương án giữ như dự thải luật công bố vừa qua; một phương án ghi rõ “Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với trường hợp dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng có tính chất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì đưa vào các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng".

Thẩm tra nội dung này, UB Kinh tế nhận định, khái niệm trưng mua, trưng dụng tài sản trong luật này quy định nhà nước thực hiện trưng mua trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, do đó không thể dùng khái niệm trưng mua thay cho khái niệm thu hồi đất.

Nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định rõ các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng (bao gồm cả các dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng) và bồi thường thỏa đáng cho người có đất khi Nhà nước thu hồi. Còn những dự án phát triển kinh tế, xã hội khác thì phải thỏa thuận với người dân.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nêu quan điểm các dự án công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất… được Thủ tướng chấp thuận; các khu đô thị mới, nhà ở xã hội, dự án ODA… khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch, chủ yếu phải thực hiện thông qua hình thức đấu giá. Như vậy, nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư.

“Quy định cụ thể các trường hợp nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội là thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 19 của Đảng” – ông Giàu “bác” đề xuất không quy định việc thu hồi đất với lý do này.

Liên quan đến nội dung thu hồi đất, cơ quan thẩm tra tiếp thu, bổ sung quy định xử lý với trường hợp chủ đầu tư không thỏa thuận được với toàn bộ những người sử dụng đất để thực hiện dự án. Cụ thể, với trường hợp nhà đầu tư và người sử dụng đất không thống nhất về giá bồi tường thì áp dụng cơ chế tư vấn giá đất độc lập để xác định giá. Trường hợp khác thì cần sự tham gia của chính quyền địa phương để giải quyết.

Chủ sở hữu không được tham gia việc sử dụng đất của nhà nước

Thảo luận về những nội dung gai góc nhất này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước lập luận, nhà nước là người đại diện sở hữu về đất đai thì nhất quyết cần có quyền thu hồi đất. Ông Phước cho rằng, vướng mắc không phải ở chỗ xác định quyền sử dụng đất có phải quyền tài sản hay không vì các quyền quy định trong đó đã rất gần với quyền sở hữu một cách đầy đủ.

Vấn đề, theo ông Phước là việc phân tách không rõ ràng giữa quyền chủ sở hữu (toàn dân) với quyền của đại diện chủ sở hữu (nhà nước). Ông Phước ví dụ với trường hợp người có ô tô đem cho thuê, người sử dụng xe khi đó muốn chuyển nhượng quyền sử dụng chiếc xe cho người khác, đương nhiên phải thông qua người chủ sở hữu chiếc xe đó.

“Tương tự trường hợp này, nhân dân là chủ sở hữu đất đai quốc gia mà không được thể hiện quyền tham gia trong việc nhà nước định đoạt việc mua bán,  sử dụng đất của mình là vô lý” – ông Phước băn khoăn.
Chủ tịch QH: Làm sao phân rõ loại dự án được thu hồi và không thu hồi đất?.
Chủ tịch QH: "Làm sao phân rõ loại dự án được thu hồi và không thu hồi đất?".

Đồng tình với hướng phân tích này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, quy định không chặt chẽ về quyền của đại diện chủ sở hữu dẫn đến hiện tượng quản lý yếu, kém hiệu quả, có nhiều kẽ hở dẫn đến các biểu hiện sai phạm, tiêu cực về đất đai thời gian qua.

Bản thân ông Lý cũng không trả lời được các câu hỏi: Quyền của chủ sở hữu toàn dân thể hiện ở đâu? quyền sở hữu này thể hiện trọn vẹn trong quyền đại diện chủ sở hữu? Ông Lý cho rằng, quyền của 2 chủ thể này cần được phân biệt rõ, toàn dân chỉ giao 1 phần quyền nhất định cho đại diện chủ sở hữu là nhà nước.

Và dù cũng đồng tình với hướng quy định về quyền thu hồi đất của nhà nước nhưng ông Lý yêu cầu cần đề ra mức độ cụ thể, bỏ hẳn nội dung thu hồi đất để phục vụ dự án phát triển kinh tế xã hội. “Đương nhiên có nhiều dự án cũng sẽ được hưởng cơ chế thu hồi đất khi mục đích trùng với yêu cầu về quốc phòng anh ninh hay vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Còn các dự án có mục đích thương mại, kinh doanh nhất định phải trưng thu, trưng mua” – ông Lý thẳng thắn nói.

Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, khó phân biệt dự án chỉ có lợi ích kinh tế xã hội mà không có lợi ích quốc gia vì ngay cả khi dự án của doanh nghiệp để kinh doanh, khi có lợi nhuận cũng là góp phần nộp thuế, giải quyết việc làm… Do đó cần phải làm rõ những dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia.

Đồng tình quan điểm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt ngược câu hỏi: "Không thu hồi đất đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội thì đưa vào đâu"? Do đó, cần phải phân rõ loại có thu hồi và không thu hồi.

Ông Hùng yêu cầu, thu hồi làm rõ ba việc: việc gì Nhà nước thu hồi, loại đất nào Nhà nước thu hồi và để làm gì, loại đất nào để làm gì thì không thu hồi, vậy trưng thu, trưng mua có không cần phải làm rõ... Nhà nước không thu hồi, không trưng thu trưng mua thì giải quyết thế nào? Ông Hùng cảnh báo, nếu quy định chưa rõ, sau này có thực hiện thu hồi vẫn sẽ phức tạp.

P.Thảo