Nhà Ngoại giao nhân dân trưởng thành từ "cậu bé bán giày"

(Dân trí) - Cậu thiếu niên Xuân Oanh rời gia đình lăn lộn từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội làm đủ mọi việc để kiểm sống. Có thời gian Xuân Oanh làm ở hiệu giày gần Bờ Hồ. Thấy anh biết tiếng Pháp, ông chủ bảo sẽ trả thêm nếu bán được giày bằng tiếng Anh. Bắt đầu học tiếng Anh như thế, không ngờ chỉ ít năm sau, ông đã trở thành một trong hai phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam sau cách mạng…

1. Từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tuyên bố thành lập năm 1945 và cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tháng 1 năm 1946, các quốc gia trên thế giới vẫn chưa công nhận chúng ta. Nhân dân thế giới gần như không biết Việt Nam, không biết Hồ Chí Minh là ai...

Chỉ một tháng sau ngày Tuyên bố độc lập, Bác Hồ đã chỉ đạo thành lập Hội Việt - Mỹ thân hữu, sau đó thành lập ra Hội Việt – Trung hữu hảo, rồi Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam. Đó là những tổ chức ngoại giao nhân dân đầu tiên do Đảng và Bác Hồ thành lập, trực tiếp lãnh đạo để vận động nhân dân các nước ủng hộ sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Năm 1946, khi đi sang đàm phán với Pháp công nhận nền độc lập của ta, Bác Hồ đã dành phần lớn thời gian gặp gỡ các nhân sĩ, các tổ chức nhân dân, báo chí Pháp để giới thiệu về sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Bác còn trực tiếp gặp đại diện Liên đoàn Thanh niên dân chủ Thế giới để đề nghị kết nạp tổ chức thanh niên cứu quốc của chúng ta làm thành viên của Liên đoàn.

Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên trên sân vận động Praha tại Lễ Khai mạc Festival Thanh niên và sinh viên thế giới năm 1947. Và tại các Festival tiếp theo, các đại biểu thanh niên Việt Nam, trong đó có các đồng chí Nguyễn Khánh, Nguyễn Đình Thi, La Văn Cầu,… đã gặp gỡ, giới thiệu với các thanh niên Pháp và thanh niên, sinh viên các nước về cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam.

Các hoạt động ủng hộ Việt Nam, phản đối chiến tranh được dấy lên tại Pháp và nhiều nước trên thế giới, trong đó điển hình là hình ảnh Hăng-ri Mac-tanh, Ray Mông-điêng, Ma-đơ-lanh Ru-phô, v.v… Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, chúng ta đã có được một mặt trận nhân dân thế giới hết sức rộng lớn đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam, góp phần quan trọng vào chiến thắng cuối cùng của nhân dân ta.

 

Nhà Ngoại giao nhân dân trưởng thành từ "cậu bé bán giày" - 1

Nhà ngoại giao nhân dân - nhạc sỹ Đỗ Xuân Oanh (1923-2010) (ảnh: Nguyễn Phú Cương)

 

2. Một trong những người dành cả cuộc đời mình vì sự nghiệp ngoại giao nhân dân được ghi nhận trong tình cảm của bạn bè trong nước và quốc tế là Đỗ Xuân Oanh (1923-2010).

Ông quê ở Vũ Thư, Thái Bình, sinh ở thị trấn Quảng Yên, Yên Hưng, Quảng Ninh, bố làm thợ may, mẹ mất khi Xuân Oanh mới lên 6 tuổi. Khi học hết lớp 4, bố ông bảo "Bố chỉ lo cho con được đến vậy, từ nay con phải tự kiếm sống”. Thế là cậu thiếu niên Xuân Oanh rời gia đình lăn lộn từ Quảng Ninh, Hải Phòng, rồi lên Hà Nội  làm đủ mọi việc để kiểm sống, từ làm thợ đúc thiếc, thợ điện….

Vốn lanh lợi, anh học việc rất nhanh, rồi dạt sang Hải Phòng làm gia sư, đi hát ở bar. Xuân Oanh quen biết Văn Cao, Nguyễn Đình Thi và giới trẻ cách mạng Hải Phòng từ dạo ấy. Đầu những năm 1940 ông lên Hà Nội, ngày làm ở một hiệu giày gần Bờ Hồ, tối đi dạy học hay hát thuê. Ông chủ hiệu giày trả công 4 đồng một tháng. Thấy anh biết tiếng Pháp, ông ấy bảo sẽ trả thêm nếu bán được giày bằng tiếng Anh. Bắt đầu học tiếng Anh như thế, không ngờ chỉ ít năm sau, ông đã trở thành một trong hai phát thanh viên tiếng Anh đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam sau cách mạng.

Người bạn thời Hải Phòng của Xuânn Oanh, Nhạc sỹ-Nhà văn-Nhà thơ Nguyễn Đình Thi là người đưa ông đến với Cách mạng. Anh hoạt động trong Đội tuyên truyền khởi nghĩa, vận động kết nạp nhiều thanh niên vào tổ chức Việt Minh, kêu gọi đồng bào đứng lên đánh Pháp đuổi Nhật. Ngày 19/8/1945, anh tham gia khởi nghĩa tại Hà Nội. Vào thời khắc hừng hực khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân Thủ đô và cả dân tộc, Xuân Oanh dẫn đầu đoàn biểu tình và khúc tráng ca “Mười chín tháng Tám” được “bật ra” trên đường từ Giáp Bát lên trung tâm Hà Nội. Sáng tác được câu nào anh dạy anh em đoàn biểu tình câu đó, đến tòa nhà Bắc bộ phủ thì bài hát cũng hoàn thành. Đến bây giờ mỗi độ kỷ niệm Cách mạng tháng 8 và Quốc Khánh 2/9 vẫn còn nguyên cảm xúc đầy hào sảng.

Xuân Oanh tham gia tự vệ Hà Nội, dũng cảm chiến đấu tại nội thành với quân Pháp xâm lược. Ngày 6/10/1947, anh được kết nạp vào đội ngũ những người Cộng sản Việt Nam, công tác ở Ban Dân quân Khu 9 thuộc các vùng Hà Nội, Hà Đông, Hà Tây rồi được cử lên chiến khu Việt Bắc làm ở Báo Cứu quốc khi đó do đồng chí Xuân Thuỷ là Uỷ viên Tổng bộ Việt Minh phụ trách.  

 

Nhà Ngoại giao nhân dân trưởng thành từ "cậu bé bán giày" - 2

Xuân Oanh - thành viên trong phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng họa dự hội nghị Paris về Việt Nam.

 

Ngày 19 tháng 11 năm 1950, Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Thế giới của Việt Nam được thành lập, anh chuyển sang công tác tại Uỷ ban và làm Thư ký cho đồng chí Xuân Thuỷ. Có vốn tiếng Pháp, tiếng Anh, anh được giao nghe đài phương Tây để viết tin quốc tế, qua chiếc đài này mà anh tự học và sử dụng thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc và tiếng Nga.

Theo yêu cầu của cấp trên, Xuân Oanh làm việc qua nhiều công việc ở nhiều cơ quan nhưng nơi gắn bó lâu dài là Ủy ban Hòa bình Việt Nam, công tác ngoại giao nhân dân. Ông là thành viên tham gia những hội nghị Giơ ne vơ năm 1962 về Lào, Hội nghị Paris về Việt Nam 1968-1972.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Hòa bình Việt Nam, người có thời gian dài làm việc với Xuân Oanh kể: “Xuân Oanh có tư chất rất khác lạ, một người có năng khiếu bẩm sinh về ngoại ngữ, đây là một yêu cầu của ngoại giao nhân dân, mình nói bằng tiếng nước họ, rào cản ban đầu sẽ được dỡ bỏ, Xuân Oanh lại tìm hiểu rất sâu sắc về lịch sử, văn hóa nước họ nên có người đã nói “Qua Xuân Oanh tôi hiểu được lịch sử và văn hóa Việt Nam và thêm hiểu lịch sử và văn hóa… nước tôi”. Ông dịch ngoại ngữ nào cũng tạo ra một cảm xúc bởi có nền tảng văn hóa tiếng Việt vững chắc.

Hồi đó nhân dân nước ngoài không biết nhiều về Việt Nam, nhất là nhân dân Mỹ. Năm 1965 đoàn đại biểu nhân dân Mỹ yêu hòa bình do bà Cora Weiss lần đầu tiên đến Việt Nam, Xuân Oanh được phân công tiếp. Bà có nhiều đóng góp với Việt Nam, bà rất quý trọng Xuân Oanh. Sau khi đất nước thống nhất, bà vào thành phố Hồ Chí Minh và có vài đề nghị "oái oăm" đòi gặp "người phía bên kia" trong lúc hoàn cảnh chưa cho phép.

Bị từ chối, bà rất bức xúc về “xả tức” với Xuân Oanh. Không ngờ lại bị Xuân Oanh cự cho một trận: "Bây giờ, yêu cầu của chị không đáp ứng được. Nước nào cũng có luật lệ của nó, đừng tưởng chị gúp chúng tôi mà có thể bước qua luật lệ được". Cora Weiss đến khóc với tôi kể lại chuyện bị cự và thốt lên “Xuân Oanh mắng tôi mà tôi càng yêu quý anh ấy!".

Năm 2006 nhân chuyến đi nước ngoài ông Huỳnh gặp lại bà Cora Weiss. Câu đầu tiên bà hỏi han sức khỏe của... Xuân Oanh. Khi chia tay bà hóm hỉnh yêu cầu: "Tôi nhờ anh một việc quan trọng” Mình trả lời ngay “Xin sẵn lòng”. Bà nói “Tôi hôn vào má anh, anh về Hà Nội bảo Xuân Oanh hôn vào đó cho tôi". Tình yêu của bà dành cho Việt Nam vẫn gắn bó thân thiết.

 

Nhà Ngoại giao nhân dân trưởng thành từ "cậu bé bán giày" - 3

Nghệ sĩ Jane Fonda bên trận địa pháo phòng không 1972 (ảnh tư liệu gia đình ông Xuân Oanh cung cấp)

 

Năm Mỹ đánh phá ác liệt nhất, có hai nhân vật nổi tiếng của Mỹ trong phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ở Mỹ đến Hà Nội: Jane Fonda và Tom Haydon. Xuân Oanh được phân công đón tiếp họ trong suốt thời gian họ ở Hà Nội. Ông đã đưa họ đi đến tận nơi bom Mỹ vừa thả xuống, đưa họ đi thăm Văn Miếu họ được xem các diễn viên trình diễn Hồi 2 vở kịch Tất cả đều là con trai tôi “All My Son” của Arthur Miller. Trước khi đến Việt Nam Jane Fonda chưa từng hoạt động về bất cứ điều gì - bà thậm chí còn không theo dõi cuộc chiến tranh ở Việt Nam, vậy 14 ngày ở Việt Nam Jane Fonda bày tỏ “sự xúc động sâu sắc khi các diễn viên người Việt trình diễn kịch Mỹ tại đây trong khi tư bản Mỹ thả bom đất nước của họ. … Khi chưa đến miền Bắc tôi còn hồ nghi, nhưng một khi đã đến Hà Nội tôi mới hiểu rằng Nixon sẽ không bao giờ hủy hoại nổi tinh thần của người dân tại đây, Nixon sẽ không bao giờ có thể biến Việt Nam, cả miền Bắc lẫn miền Nam, thành một thuộc địa kiểu mới của Mỹ bằng cách oanh kích, bằng cách xâm lăng và bằng nhiều hình thức tấn công đa dạng… Qua 4.000 năm đấu tranh với thiên nhiên và những kẻ xâm lược nước ngoài, 25 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tôi không nghĩ người dân Việt Nam sẽ đi đến nhượng bộ dưới bất kỳ hình thức nào về tự do và độc lập. Tôi nghĩ Richard Nixon nên đọc lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thi ca, và đặc biệt hơn nữa là thơ của Hồ Chí Minh”.

Cùng với nhiều đồng chí trong Ủy ban Hòa Bình Việt Nam, Xuân Oanh đã góp phần đưa những nhân chứng sống chứng kiến sự tàn ác của chiến tranh do Mỹ gây ra. Những tiếng nói của những người yêu hòa bình, yêu lẽ phải có sức lan toả rất  lớn góp phần làm lên phong trào biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam ở trong lòng nước Mỹ và nhiều nước khác những thập niên 1960 và đầu 70, là một nhân tố quan trọng dẫn đến kết thúc chiến tranh tròn 40 năm.

 

Nhà Ngoại giao nhân dân trưởng thành từ "cậu bé bán giày" - 4

 Bài hát ông Xuân Oanh sáng tác và biểu diễn ngay tại lễ kỷ niệm 30 năm Mỹ ném bom nguyên tử được in trên báo của Nhật Bản. (Ảnh tư liệu gia đình ông Xuân Oanh cung cấp)

 

Nhà Ngoại giao nhân dân trưởng thành từ "cậu bé bán giày" - 5

Ông Xuân Oanh trình bày bài hát ông sáng tác kỷ niệm 40 năm Mỹ ném bom nguyên tử tại Nhật Bản (Ảnh tư liệu gia đình ông Xuân Oanh cung cấp).

 

Ông Huỳnh trầm ngâm: “Làm công tác ngoại giao nhân dân được như Xuân Oanh là rất hiếm. Tôi nhớ mãi lần đoàn Việt Nam kết thúc thành công cuộc tiếp xúc ở Venezuela, trong tiệc bạn mời đoàn ta, thấy có chiếc piano ở trong sảnh, Xuân Oanh bước tới mở đàn, tất cả các quan khách đang trao đổi với nhau chợt thấy những hòa âm kỳ diệu của bản giao hưởng số 9 của Ludwwig Van Beethoven vang lên thánh thót, mọi người như lặng đi trong âm nhạc của nhà soạn nhạc vĩ đại. Bạn bè thật sự ngạc nhiên và hân hoan, hình như bao nhiêu rào cản được dỡ bỏ, họ hiểu thêm về lòng yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng cái đẹp và sự tài hoa của Việt Nam qua ngón đàn nhà ngoại giao đến từ đất nước còn đang sặc mùi bom đạn”.

Xuân Oanh được nhiều lần phân công sang Nhật dự lễ kỷ niệm Mỹ ném bon nguyên tử, lần nào bài phát biểu của ông cũng đầy bất ngờ: ông nhờ bạn Nhật dịch bài phát biểu tiếng Việt ra tiếng Nhật và nhờ họ đọc bằng tiếng Nhật cho ông nghe. Với trí nhớ tuyệt vời ông tập lại vài lần và đọc với một cái tai âm nhạc bẩm sinh khiến bài phát biểu bằng tiếng Nhật rất đi vào lòng người và không ít bạn Nhật đinh ninh Xuân Oanh.... biết tiếng Nhật. Không những thế lần nào ông cũng sáng tác kịp thời ca khúc và biểu diễn ngay sau bài phát biểu. Hình ảnh Việt Nam yêu hòa bình, hữu nghị gần gũi với những người dân nước bạn biết bao nhiêu.

Sau này điều kiện lịch sử có những thăng trầm, nhưng tình bạn của các bạn bè nước ngoài vẫn dành cho Xuân Oanh trọn vẹn như ngày mới gặp.

Xuân Oanh ra đi lúc 4 giờ sáng ngày 27 tháng 3 năm 2010, trong nỗi nhớ thương của bao bạn bè người yêu mến ông trong đó có  những email của bạn bè trên thế giới gửi về cho gia đình ông đầy những tình cảm sâu nặng.

Hội đồng Hòa bình thế giới đã ra thông báo về việc đồng chí Đỗ Xuân Oanh qua đời như sau: “Với niềm thương tiếc sâu sắc, Hội đồng Hòa bình Thế giới xin thông báo về việc đồng chí Đỗ Xuân Oanh, một trong những nhà lãnh đạo có uy tín của Ủy ban Hòa Bình Việt Nam, một thành viên tham gia vào việc thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam từ năm 1950, người đã cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc đã qua đời.

Đồng chí Đỗ Xuân Oanh là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Hòa bình Việt Nam trong một thời gian dài. Trong nhiều thập kỷ cống hiến và đấu tranh bền bỉ, không mệt mỏi, đồng chí Đỗ Xuân Oanh đã đại diện cho nhân dân Việt Nam anh hùng và yêu hòa bình tham gia vào rất nhiều hoạt động  của Hội đồng Hòa Bình Thế giới.

Những phẩm chất yêu nước, cách mạng và quốc tế của đồng chí sẽ luôn luôn được Hội đồng Hòa bình Thế giới ghi nhớ và sẽ dẫn dắt các thế hệ chiến sỹ hòa bình tương lai ở Việt Nam và trên thế giới.

Hội đồng Hòa Bình Thế giới xin bày tỏ lời chia buồn chân thành và sâu sắc tới gia đình đồng chí Đỗ Xuân Oanh, tới Ủy ban Hòa Bình Việt Nam và toàn thể nhân dân Việt Nam”.

 

Xuân Oanh tham gia hoạt động của Việt Minh từ trước Cách mạng tháng Tám

Ngày 19/12/1946, Toàn quốc kháng chiến, Xuân Oanh tham gia tự vệ Hà Nội

Ngày 6/10/1947, Xuân Oanh vinh dự đứng trong hàng ngũ những người Cộng sản Việt Nam, về công tác ở Ban Dân quân Khu 9 thuộc các vùng Hà Nội, Hà Đông, Hà Tây.

Tháng 11/1947 lên chiến khu Việt Bắc, được cử là đại biểu thanh niên khu 9 tham dự Đại hội liên hoan thanh niên, sinh viên Thế giới nhưng do tình hình chiến sự ác liệt, việc giao thông không thuận lợi nên đã không dự được Đại hội.

Mùa hè năm 1948 về làm biên tập viên Báo Cứu quốc, do ông Xuân Thuỷ là Uỷ viên Tổng bộ Việt Minh phụ trách.

Cuối năm 1951, Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Thế giới của Việt Nam được thành lập, Xuân Oanh chuyển sang công tác tại Uỷ ban song vẫn đồng thời làm thư ký cho ông Xuân Thuỷ.

Từ năm 1954 đến giữa năm 1955, được cử sang Uỷ ban Liên hiệp Đình chiến trung ương.

Năm 1957 được cử làm Thư ký Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Thế giới của Việt Nam.

Năm 1962, được tổ chức cử phục vụ đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Hội nghị Giơnevơ về vấn đề Lào.

Năm 1963 tham gia Đại hội toàn quốc Phong trào Hoà bình và được cử làm Tổng thư ký Uỷ ban Bảo vệ Hoà bình Thế giới của Việt Nam, tham gia Uỷ ban Đoàn kết Á - Phi của Việt Nam.

Năm 1968 đến tháng 01/1972, được tham gia Uỷ ban Việt Nam Đoàn kết với Nhân dân Mỹ, tham gia Đoàn đại biểu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Tháng 4/1969, được bổ nhiệm Phó vụ trưởng Vụ I Ban Đối ngoại Trung ương.

Giữa năm 1972, được biệt phái sang Đoàn 875, Tổng cục Chính trị, là đoàn phó phụ trách công tác tuyên truyền giáo dục phi công Mỹ.

Tháng 9/1973, trở lại làm Thư ký Uỷ ban Bảo vệ hoà bình Thế giới của Việt Nam, Thư ký Uỷ ban Đoàn kết Á - Phi và Uỷ ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ và Uỷ viên Đảng đoàn các tổ chức hoà bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước, được bổ nhiệm là Vụ trưởng Vụ Hoà bình hữu nghị Tư bản chủ nghĩa - Ban Đối ngoại Trung ương, là Uỷ viên Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

(Trích điếu văn tang lễ ông Đỗ Xuân Oanh)

 

Nguyễn Phú Cương