Vụ lở núi ở Khánh Hòa:

“Nhà mình đâu rồi ba?”

(Dân trí) - Trong khi Tết nguyên đán đang đến gần thì vụ lở núi kinh hoàng ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang, Khánh Hòa) đã cướp đi của người dân mọi thứ. Dưới chân núi, nhà cửa, tài sản của họ bị chôn vùi trong đống đổ nát, có những người chẳng còn một thứ gì ngoài bộ áo quần mặc trên người.

Di tản từ đêm hôm trước, anh Phan Hùng Cường cùng vợ và con thoát nạn nhưng căn nhà mới vào ở được một tháng đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát
Di tản từ đêm hôm trước, anh Phan Hùng Cường cùng vợ và con thoát nạn nhưng căn nhà mới vào ở được một tháng đã bị chôn vùi dưới đống đổ nát

Nhà sập hoàn toàn dưới chân núi Đá Hang (xã Phước Đồng), anh Phan Hùng Cường, ngậm ngùi kể, khuya trước hôm lở núi, vì nhận thấy rủi ro tiềm ẩn nên anh đưa vợ và con sang tạm lánh ở nhà người bạn. Lần di tản này đã giúp gia đình anh thoát nạn nhưng nhà cửa bị vùi lấp hoàn toàn. “Toàn bộ tài sản ky cóp bấy lâu cùng bao nhiêu giấy tờ đã bị lấp hết rồi. Khi rời khỏi nhà, vợ chồng tôi không nghĩ nó sập xuống cỡ này nên chẳng cầm theo gì”, người đàn ông nói như khóc.

Chỉ vào bộ áo quần còn duy nhất trên người, anh Cường rưng rưng cho biết, anh là nhân viên của một khách sạn, còn vợ anh là giáo viên một trường trung học cơ sở. Sau ngày cưới, dành dụm mãi mới được 70 triệu đồng, vợ chồng anh đem xây ngôi nhà này cách đây khoảng 2 tháng.

“Ngôi nhà rộng 60m2, tưởng từ đây đã có tổ ấm hạnh phúc, sum vầy bên vợ con. Nào ngờ, gia đình tôi vào ở mới được một tháng thì xảy ra vụ lở núi này. Sau khi nhà bị chôn vùi, con tôi mới 5 tuổi - cháu Phan Hải Triều, cứ thắc mắc: “Nhà mình đâu rồi ba? Sao mình không về nhà?”. Anh cho biết, quê hương ở Nghệ An, vào Nha Trang lập nghiệp nên không có người thân. “Trong những ngày tới, gia đình tôi chẳng biết ở đâu để ổn định cuộc sống. Vợ, con tôi hiện đang lánh tạm bên nhà bạn nhưng không thể ở đó mãi được”, anh sụt sùi.

Tuổi gần 50, ông Thắm mông lung về tương lai khi trên người chỉ còn một bộ quần áo sau khi căn nhà bị vùi lấp dưới chân núi
Tuổi gần 50, ông Thắm mông lung về tương lai khi trên người chỉ còn một bộ quần áo sau khi căn nhà bị vùi lấp dưới chân núi

Dù chạy thoát khỏi căn nhà bị đè bẹp dưới đất đá và may mắn thoát chết, nhưng hiện gia đình 5 người của ông Nguyễn Văn Thắm (47 tuổi) cũng bất định về tương lai. Sau đêm kinh hoàng ấy, người đàn ông này hốc hác đi thấy rõ. “Sau hôm nhà sập, tôi ngủ nhà hàng xóm ở khu dưới. Tôi chưa biết ở đâu, về đâu trong thời gian tới”, mắt đỏ hoe - ông Thắm nhìn xa xăm.

Nhà sập hoàn toàn khiến nhiều tài sản bên trong như 2 xe máy, tivi, tủ lạnh, bàn ghế… của gia đình ông bị chôn vùi theo. Điều đáng lo lắng là, hiện nay ông còn 2 đứa con đang đi học, là cháu Nguyễn Mạnh Kiệt (lớp 7, trường THCS Lam Sơn, xã Phước Đồng, TP Nha Trang) và cháu Nguyễn Mạnh Tiến (lớp 3, trường Tiểu học Phước Đồng). “2 cháu nó giờ chẳng biết đi học sao khi áo quần, sách vở, cặp sách…. đã bị đất đá lấp hết rồi. Mong nhà trường, mọi người cho con tôi ít sách vở để cháu không phải bỏ học”, người cha lo lắng cho con.

Ở tuổi gần 50, ông Thắm dường như mông lung về tương lai của mình. “Tôi làm nghề lao động chân tay để nuôi các con, ai thuê đâu làm đó chỉ đủ chạy ăn qua ngày. Còn vợ tôi ở nhà nội trợ, cũng chẳng phụ giúp thêm được gì. Nhà cửa bị vùi lấp trong khi chỉ còn một cái quần đùi thì lấy gì làm lại, bao nhiêu năm lam lũ nay đổ xuống sông, xuống biển”, ông trầm ngâm.

Vài vật dụng mới nhất trong những căn nhà bị đè bẹp dưới hàng nghìn khối đất đá được tìm thấy vào hôm 21/12
Vài vật dụng mới nhất trong những căn nhà bị đè bẹp dưới hàng nghìn khối đất đá được tìm thấy vào hôm 21/12

Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả, chiều 21/12, ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết, trước mắt đã tạm thời hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ sập nhà. Cùng với đó, đã bố trí 7 phòng cho 7 gia đình có nhà bị sập ở tại Nhà văn hóa xã Phước Đồng.

Về phương án lâu dài, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang - ông Nguyễn Sỹ Khánh, cho biết, thành phố sẽ kiến nghị lên UBND tỉnh Khánh Hòa nên di dời toàn bộ những hộ dân có nhà sập, hư hỏng nặng và kể cả những hộ dân sống gần khu vực này đến nơi tái định cư an toàn.

Tuy nhiên, công tác tái định cư phải có lộ trình và được UBND tỉnh Khánh Hòa đồng thuận. “Tạm thời, chúng tôi ổn định cuộc sống cho người dân trước. Còn nguyện vọng của người dân, chúng tôi sẽ làm hết sức để người dân yên tâm cuộc sống về sau”, ông Khánh nhấn mạnh.

Chiều 21/12, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ ở tỉnh Khánh Hòa. Phó Chủ tịch nước đã đến thị sát hiện trường vụ lở núi ở xã Phước Đồng (TP Nha Trang) khiến 4 người tử nạn, 11 căn nhà bị sập và hư hỏng. Tại đây, Phó Chủ tịch nước đã thăm hỏi, trao hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ có người tử vong; 5 triệu đồng/hộ có thân nhân bị thương, nhà bị sập và hư hỏng.

Viết Hảo