Hội An:

Nhà cổ Hội An: "Còn cái vỏ vật chất, mất cái hồn bên trong"

(Dân trí) - Việc phát triển du lịch quá nhanh đặt ra nhiều vấn đề về cơ sở hạ tầng, đời sống, văn hóa, môi trường… Vấn đề liên quan đến du lịch Hội An được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hội An khóa XI diễn ra từ ngày 23-24/7/2018.

Nhà cổ, phố cổ đã mất đi cái hồn?

Sáu tháng đầu năm nay, Hội An đón hơn 2,2 triệu lượt khách tham quan, lưu trú (tăng 88,79%) so với cùng kỳ; trong khoảng 1,7 triệu du khách quốc tế (chiếm tỷ trọng 70,39%) phần lớn là khách Hàn Quốc, Trung Quốc; đóng góp cho ngân sách 96,5 tỷ đồng.

HĐND TP Hội An họp từ ngày 23-24/7
HĐND TP Hội An họp từ ngày 23-24/7

Khách gia tăng mang lại niềm vui về doanh thu, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân nhưng cũng tạo nhiều áp lực lên di sản, nhất là làm biến dạng các giá trị văn hóa phi vật thể. Giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã trở thành câu chuyện xuyên suốt của Hội An những năm qua.

Theo ông Nguyễn Chí Trung (Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An): Nỗi lo hiện nay của Hội An không chỉ là các di tích nhà cổ xuống cấp mà còn là sự thay đổi các giá trị văn hóa phi vật thể. Hiện có khoảng 200/1.069 nhà cổ đã được dân nơi khác đến thuê kinh doanh. Ngôi nhà xưa với nhiều chức năng thờ cúng, sinh hoạt… giờ được dẹp bỏ để dành cho kinh doanh.

“Những ngôi nhà này đã trở nên “rỗng ruột”, còn cái vỏ vật chất, mất cái hồn bên trong. Phố cổ mất đi cái hồn sẽ không còn là di sản. Bên cạnh đó, việc thay đổi chủ sở hữu trong phố cổ dẫn đến một số giá trị văn hóa không phải của Hội An du nhập gây tác động đến nếp sống, lối sống làm mất dần “chất” Hội An, chỉ còn là những nhà kho, cửa hàng buôn bán”- ông Trung chia sẻ thêm.


Du khách đến Hội An đông đúc

Du khách đến Hội An đông đúc

Tình trạng gia tăng rác thải dân sinh và hoạt động du lịch khiến vấn đề ô nhiễm môi trường trong phố cổ và các khu vực quan trọng như Chùa Cầu, sông Hoài ngày càng nghiêm trọng.

Đặc biệt, việc tập trung dày đặc phương tiện vận chuyển khách vào phố cổ gây áp lực lớn cho hạ tầng đô thị nhất là hạ tầng giao thông. Tình trạng tắc nghẽn, kẹt xe cục bộ thường xuyên xảy ra, số lượng xe phục vụ du lịch ngày càng nhiều cũng khiến các bãi đỗ xe hiện có rơi vào tình trạng quá tải. Bên cạnh đó còn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân, gây bức xúc lớn trong nhân dân…

Cần có giải pháp hiệu quả, lâu dài

Chính quyền Thành phố Hội An đã nhiều lần họp bàn và đưa ra nhiều giải pháp để cân bằng giữa bảo tồn và phát triển.

Đáng chú ý là sự tham gia của một số doanh nghiệp du lịch trong việc đẩy mạnh xã hội hóa các sự kiện trên địa bàn. Sản phẩm phố đi bộ và đêm phố cổ tiếp tục được quan tâm củng cố, đầu tư nâng cao chất lượng.

Cùng với việc mở rộng không gian phố đi bộ, thành phố đã khai trương thêm chợ đêm Hội An tại khu vực phía Tây thành phố để giảm áp lực cho khu vực phía Đông vốn đông đúc.

Nhiều tuyến đường vào phố cổ kẹt cứng xe cộ
Nhiều tuyến đường vào phố cổ kẹt cứng xe cộ

Kiểm soát khách đến với phố cổ, tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đẩy mạnh du lịch vùng ven trung tâm phố cổ như Cù Lao Chàm, Trà Quế, Kim Bồng, Làng gốm Thanh Hà… để “dàn trải” khách, giảm áp lực cho phố cổ.

Hiện nay, Hội An đã chỉ đạo Ban QLDA ĐT&XD triển khai xây dựng hai bãi đỗ xe tạm Xí nghiệp Lâm nghiệp cũ với diện tích 6.000 m² và bãi đỗ xe tại ngã ba đường Lý Thường Kiệt- Phạm Hồng Thái với diện tích 2.000 m² để giải quyết việc đậu đỗ xe. Ngoài ra, Hội An cũng đang tập trung công tác giải phong mặt bằng để đầu tư 2 bãi đỗ xe tại đường Lý Thường Kiệt và đường Nguyễn Du trong thời gian đến.

Dự kiến thời gian đưa vào sử dụng đầu tháng 8/2018, song song với việc đầu tư các bãi đỗ xe, thành phố đã xây dựng phương án điều tiết giao thông (cấm xe 25 chỗ vào trung tâm TP, cấm đỗ, cấm dừng tại một số tuyến đường hay phân luồng đường một chiều, hai chiều…) và tập trung tất cả các xe vào bãi đỗ để tránh gây ùn tắc giao thông trong giai đoạn hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch TP Hội An - chia sẻ: “Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản luôn là điều trăn trở của chính quyền và nhân dân Hội An, cũng như các nhà bảo tồn di sản những người có tâm huyết và yêu mến đô thị cổ Hội An. Hiện nay, chúng tôi đang làm hết sức để vừa phát triển du lịch địa phương tạo sinh kế cho người dân, bên cạnh đó bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản vốn có của Hội An. Ngoài nâng cao xây dựng hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu du khách, bảo vệ môi trường…thành phố sẽ thực hiện mọi biện pháp để người đến thuê hoặc mua nhà phố cổ hiểu phải giữ nếp sống cho con người Hội An, giữ hồn cho Hội An để chung tay phát triển hài hòa và bền vững, lâu dài”.

N.Linh