Nhà báo “mang nợ” vùng cao

(Dân trí) - Chuyến “thực tế” đầu tiên, anh khóc như một đứa trẻ khi chứng kiến những người dân, đặc biệt là em nhỏ vùng cao ăn sắn trừ bữa, lá đu đủ thay rau. Bằng trái tim người lính, anh vào “chất vấn” đại diện chính quyền địa phương về chuyện dân đói. Rồi bài được đăng báo, niềm vui được nhân đôi khi thấy những chiếc xe tải đầy ắp gạo về với bà con dân bản.

Nhà báo Nguyễn Viết Lam đến với nghiệp cầm bút như thế…

Có lẽ, tôi ấn tượng nhất ở nhà báo Nguyễn Viết Lam – Báo Biên phòng, là cái dáng khắc khổ hiền lành. Có lẽ cái dáng hình đã hằn lên cả những bài viết của anh: luôn đau đáu cuộc sống, sinh nhai của đồng bào dân tộc miền núi – những người được anh gọi là “biên giới sống”, là chỗ dựa chở che những người lính biên phòng nơi vùng đất phên dậu của Tổ quốc.

Trung úy, Nhà báo Nguyễn Viết Lam - Báo Biên phòng
Trung úy, Nhà báo Nguyễn Viết Lam - Báo Biên phòng

Anh em biết nhau tình cờ nhưng nhiều điểm chung nên thân nhau, đến nỗi cách xưng hô “tao – mày” lại thấy thân thiết hơn bất cứ đại từ nhân xưng khác. Anh bảo, hình như tao mắc nợ với đồng bào mày ạ. Lâu lâu không lên núi lại thấy bồn chồn. Vậy là xách ba lô đi, lên với đồng bào.

“Đi nhiều, thấy đời sống đồng bào còn khổ quá. Cái khổ không phải xuất phát từ chính bản thân họ mà cái khổ đến từ điều kiện sống khắc nghiệt nhưng đồng bào vẫn bám trụ, trở thành thành lũy bảo vệ biên cương, thành cánh tay nối dài của lực lượng biên phòng. Đi nhiều, thấy thương những đứa trẻ hơn cả. Thiếu thốn, đói khổ, muốn làm cái gì đó mà sức mình có hạn…”, anh trải lòng.

Năm 2007, tốt nghiệp đại học, ngành báo chí, Đại học Khoa học Huế, Nguyễn Viết Lam (SN 1984, quê Anh Sơn, Nghệ An) không đi làm báo ngay mà viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Với nhiệm vụ của anh nuôi Tiểu khu 50, BĐBP Nghệ An (huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An), Viết Lam vẫn đau đáu về những gì đã học được trên giảng đường. Ngày nghỉ cuối tuần, anh binh nhất xin đơn vị được ra ngoài, theo chân các phóng viên Đài PT-TH huyện Kỳ Sơn đi tác nghiệp.

Nhà báo Viết Lam trong một lần vận chuyển đồ ấm vào cho đồng báo Đan Lai (xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An)
Nhà báo Viết Lam trong một lần vận chuyển đồ ấm vào cho đồng báo Đan Lai (xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An)

“Chuyến tác nghiệp đầu tiên là vào xã biên giới Tà Cạ trong mùa giáp hạt. Quê tao cũng nghèo nhưng cái nghèo ở biên giới đây khủng khiếp quá. Nhìn những đứa trẻ không có quần áo để mặc, nhai trệu trạo từng mẩu sắn, ăn lá đu đủ thay rau tao khóc tự nhiên như một đứa trẻ. Mấy đồng phụ cấp binh nhất tao mang cho hết mà vẫn cảm thấy bất lực trước cái nghèo, cái khổ của đồng bào.

Mà cũng không hiểu sao ngày đó tao liều thế, chẳng có giấy tờ tác nghiệp gì vẫn mang giấy bút đi gặp lãnh đạo phòng LĐ-TB&XH huyện để phỏng vấn. Có lẽ nhìn cái mặt tao khổ quá, lại là lính nên họ không nỡ từ chối trả lời. Có đủ tư liệu rồi, ôm sổ ra quán nét gõ bài rồi gửi đi vì ngày đó làm gì có máy tính cá nhân.

Bài viết đầu tiên đăng ở Báo Quân đội Nhân dân, vui lắm. Vui hơn nữa là sau khi bài đăng được mấy ngày, những xe tải chở đầy gạo lên cứu đói cho đồng bào, bọn trẻ không phải ăn sắn trừ bữa trong mùa giáp hạt năm ấy nữa”, anh kể.

Nhà báo Nguyễn Viết Lam hòa mình với đồng bào vùng cao
Nhà báo Nguyễn Viết Lam hòa mình với đồng bào vùng cao

Bài viết đầu tiên với kết quả ngoài cả mong đợi như tiếp thêm sức mạnh để Viết Lam đi và viết.

Năm 2009, Nguyễn Viết Lam được điều động về công tác tại Báo Biên phòng và được trải nghiệm ở nhiều tuyến biên giới khác của đất nước.

Năm 2013, vì nhiệm vụ của tòa soạn, có lẽ hơn hết là hoàn cảnh gia đình (bố mẹ già yếu, em trai mắc bệnh trầm cảm), Viết Lam được ưu tiên phân công về làm phóng viên thường trú tại địa bàn Nghệ An.

Cùng với việc hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan giao, hỗ trợ đỡ đần gia đình, anh tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện ở địa bàn biên giới Tây Nghệ An như một cách trả ơn với đời.

Cái duyên nợ miền Tây cứ níu lấy chân, những đứa trẻ trần truồng đối chọi với thời tiết khắc nghiệt nơi rừng sâu núi thẳm khiến anh không thể dửng dưng đứng nhìn. Vậy là cạy cục đi xin từng bộ quần áo, từng cuốn vở, từng cái bút, kết nối những tấm lòng nhân ái đến với các em.

Có những đêm đông, 1-2h sáng ra quốc lộ đón xe nhận những chuyến hàng từ thiện từ mọi miền Tổ quốc, vác trên vai những thùng đồ nặng ân tình, mồ hôi tuôn đẫm áo nhưng Viết Lam thấy vui kỳ lạ.

Người lính tưởng chừng như rất mạnh mẽ ấy cũng không ít lần rơi những giọt nước mắt hạnh phúc khi chứng kiến những đứa trẻ vùng cao được khoác những tấm áo mới. Giọt nước mắt đã khác lần đầu tiên đi tác nghiệp ở vùng biên Tà Cạ ngót 10 năm về trước…

Nhà báo Viết Lam trao số tiền các tấm lòng hảo tâm quyên góp cho em La Thị Hoài (nữ sinh dân tộc Đan Lai) đi học chuyên nghiệp
Nhà báo Viết Lam trao số tiền các tấm lòng hảo tâm quyên góp cho em La Thị Hoài (nữ sinh dân tộc Đan Lai) đi học chuyên nghiệp

Vui hơn nữa, những trăn trở của anh đối với đồng bào vùng biên, đối với những em nhỏ dần nhận được nhiều sự đồng cảm từ chính các đồng nghiệp của mình. Nhà báo Viết Lam cùng nhiều đồng nghiệp trên địa bàn chung tay vào hoạt động thiện nguyện hướng về đồng bào, kêu gọi hàng nghìn chiếc chăn, áo ấm cho trẻ em nghèo ở biên giới Nghệ An.

Đặc biệt, hiện nhà báo Viết Lam cùng các đồng nghiệp làng báo xứ Nghệ đang phát động chương trình 1.000 quả bóng cho trẻ em các huyện miền núi, mong các cháu có điều kiện vui chơi, giải trí, học tập tốt hơn...

Với sự phân công nhiệm vụ của tòa soạn, Viết Lam chuyển công tác ra thủ đô. Thỉnh thoảng mới xin nghỉ tranh thủ nhảy xe khách về thăm gia đình. “Tao đang cùng với người anh em kết nghĩa ở quê trồng thử củ nghệ đỏ. Nếu thành công, tao sẽ phối hợp với chính quyền địa phương trồng ở một số vùng biên giới. Biết đâu cuộc sống của đồng bào sẽ khấm khá, những đứa trẻ được ăn no, mặc ấm hơn…” anh tâm sự về những dự định của mình.

Nhà báo Nguyễn Viết Lam từng đoạt 2 giải C cuộc thi viết về đề tài Tam nông do Báo Nhân dân và Bộ NN&PTNT tổ chức trong các năm 2012, 2013

Hoàng Lam