1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Ngày thứ 2 phiên tòa xét xử Nguyễn Lâm Thái và đồng phạm:

Nguyễn Lâm Thái liên tục "bắt bẻ" HĐXX

(Dân trí) - Phần xét hỏi chiều nay, 10/4, mở đầu bằng một tình tiết khá bất ngờ, đứng trước vành móng ngựa, Thái khẳng định mình không phải là Giám đốc Tập đoàn C.I.P. “Cái chức danh đó tôi có được là do cơ quan điều tra thổi phồng lên”, bị cáo nói.

Cũng như phiên khai mạc ngày 9/4, trong phần xét hỏi chiều nay, Nguyễn Lâm Thái cũng tỏ rõ thái độ không bình thường trước những câu hỏi của vị chủ tọa phiên tòa. Thấy bị cáo có biểu hiện không bình tĩnh nên tòa phải đưa bị cáo đi uống thuốc. 

Nguyễn Lâm Thái xin nhận hết tội 

Mở đầu phần xét hỏi, Thái khẳng định mình không phải là Giám đốc Tập đoàn C.I.P.

Trước tòa, Nguyễn Lâm Thái luôn nói nhiều hơn những gì vị chủ tọa hỏi. Thái cho rằng bản cáo trạng là không hợp lệ, không đúng với thực tế sự việc xảy ra. Ban đầu, với thái độ vô cùng bất mãn, Thái xin nhận tất cả tội lỗi thay cho các đồng phạm. Tuy nhiên, khi chủ tọa hỏi: “Điều gì khiến cho bị cáo thấy là oan và chưa đúng?”, Thái quả quyết chỉ thừa nhận hành vi chưa đóng đủ thuế nên phạm tội “trốn thuế”. Còn tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; “Lưu hành các giấy tờ có giá giả khác” thì Thái kiên quyết không nhận và cho rằng đó là sự áp đặt của cơ quan điều tra. 

Khi vị chủ tọa khẳng định những khoảng chênh lệch từ mua sang bán của Thái là không thể chấp nhận được. Thái biện luận: “Một lon bia đem bán ra quán cóc thì giá khác, vào khách sạn bán, cũng lon bia đó nhưng giá sẽ khác và cao hơn là chuyện bình thường”. Theo Nguyễn Lâm Thái thì đất nước gia nhập WTO với nền kinh tế thị trường năng động thì các doanh nghiệp có quyền tự do buôn bán và quyết định giá hàng hóa. “Vì thế, cơ quan chức năng không thể căn cứ vào đó mà truy tố chúng tôi về tội nâng khống giá hàng hóa”. 

Nguyễn Lâm Thái đã diễn giải quy trình việc nâng giá của mình. Theo đó, Thái cho rằng mình đã có một chương trình khuyến mãi hết sức hấp dẫn đối với khách hàng là bảo hành vĩnh viễn các thiết bị chuyên dụng của ngành bưu điện. Vì thế, nhiều bưu điện đã không ngần ngại mua sản phẩm của Thái. Đó không phải là giá cao, cũng không phải là sự nâng khống. Các chi tiết giá cho một sản phẩm đã qua tính toán chi phí, khấu trừ trong từng công đoạn. Khi khách hàng mua sản phẩm, thì đã có sự thỏa thuận giữa 2 bên. “Mà chất lượng và bảo hành tốt như thế, giá cao thì cũng phải thôi”, Thái khẳng định.  

Trong phần xét hỏi, Chủ tọa đã nhiều lần hỏi Thái có giữ được bình tĩnh không và có mệt không? Thái khẳng định mình vẫn bình thường. Tuy nhiên, thấy bị cáo Nguyễn Lâm Thái nói lung tung, vòng vo và có những biểu hiện tâm lý không bình thường, chủ tọa đã cho Thái về chỗ ngồi và sau đó đưa ra phòng để y tá cho Thái uống thuốc.  

Tiếp đó, bị cáo Nguyễn Vi Thành - nguyên Giám đốc công ty TNHH Dịch vụ thương mại Sao Sáng được điều lên để thẩm vấn.

Bị cáo Nguyễn Vi Thành có hành vi ký 21 hợp đồng kinh tế bằng pháp nhân Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Sao Sáng với Bưu điện các tỉnh giúp Thái chiếm đoạt của các Bưu điện trên 3,1 tỷ đồng. Thành bị Viện Kiểm sát truy tố các tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”.

Trước HĐXX, Thành khai nhận trong 21 hợp đồng đã ký, Thành không đi chung với Thái để giao dịch. Thành phủ nhận việc đã đặt bút ký tên khống vào các bảng hợp đồng cũng như không ký tên trong 17 hóa đơn hàng hóa mua vào. Thành cũng khẳng định không quen biết với Nguyễn Quang Huy - nguyên Giám đốc công ty TNHH công nghệ mới và điện tử tin học.

Thành cho rằng mình không tiếp sức Thái trong việc mua bán hóa đơn. Trong “phi vụ làm ăn này”, Thành chỉ được chia 3,5% (tức là 1/3 trên giá trị lợi tức của hàng hóa bán ra). Vì vậy, Thành xin nhận đền bù hậu quả kinh tế. Kết thúc phần xét hỏi của mình, Thành đề nghị HĐXX nhận định lại là mình chỉ là nạn nhân.

Sau khi uống thuốc, Nguyễn Lâm Thái trở lại vành móng ngựa. Thái khẳng định việc hợp đồng chia nhỏ các thiết bị, nhưng bên dưới các dòng chia nhỏ lại có dòng tổng cộng, ghi rõ từng lô hàng, “Dưới sự chia nhỏ lại có phần tổng hợp là điều minh bạch chứ tại sao lại nói là gian lận” - Thái khẳng định.

"Bản cáo trạng chỉ 50% đúng"

Ngay từ đầu phần xét hỏi, Nguyễn Lâm Thái đã tỏ vẻ bất bình trước bản cáo trạng. Thái cho rằng, bản cáo trạng chỉ có 50% đúng. Việc nhận tội trong bản cáo trạng, Thái khai là do bị ép cung, tra tấn nên phải khai nhận để hòng được yên thân. “Bản cáo trạng đó chỉ có 1 điều tra viên xét hỏi, ký rồi sau đó đem về rủ người hàng xóm hoặc ông xe ôm cùng ký vào” - Thái bức xúc trước tòa.

Thái cho biết, việc thẩm định giá của cơ quan thẩm định đã bỏ sót những yếu tố khách quan khác. Việc thẩm định giá của Thái cao là không đúng. Thái dẫn chứng: “Trong hợp đồng với bưu điện Cần Thơ, giá bán là 217 triệu nhưng cơ quan thẩm định thiệt hại 189 triệu đồng. Việc thẩm định giá thực tế như thế là không chính xác”.

Còn việc mua hóa đơn đầu vào để hợp thức hóa hàng hóa mua vào để bán cho các địa phương thì Thái thừa nhận. Vì thế, Thái chỉ nhận tội “Trốn thuế”.

Nhìn chung, phiên tòa diễn ra không theo quy trình của HĐXX. Tuy không có những câu hỏi ngược của bị cáo đặt ra cho HĐXX nhưng tòa lại bị Nguyễn Lâm Thái lái theo một chiều hướng khác.

Lúc 15 giờ 30, do trục trặc về thiết bị âm thanh, phiên tòa phải kết thúc.

Công Quang

Dòng sự kiện: Xử Nguyễn Lâm Thái