Nguy cơ “chìm xuồng” 1 bản án dân sự

(Dân trí) - Một bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật với số tiền chỉ gần 200 triệu đồng nhưng 8 năm qua đội Thi hành án TP Thanh Hóa vẫn loay hoay tìm cách thi hành án. Mọi cố gắng của thi hành án đều bất thành khi chính họ tự nhận… bất lực.

Do quan hệ làm ăn, ông Đặng Thanh Trì nhà ở phố Ngọc Thành (phường Ngọc Sơn, TP Thanh Hoá) đã cho vợ chồng ông Trương Minh Tuấn và bà Đặng Thị Hoà trú tại 64 Hàng Đồng (TP Thanh Hoá) vay số tiền 120 triệu đồng.

Hai bên đã thỏa thuận chốt nợ gốc và lãi đến ngày 14/11/1998 là 139.384.000 đồng. Theo cam kết, đến 25/11/1998 vợ chồng ông Tuấn phải trả toàn bộ gốc và lãi cho ông Trì nhưng quá thời hạn này đã lâu, nhiều lần thúc giục mà vợ chồng ông Tuấn vẫn chây ỳ không trả nợ buộc ông Trì phải làm đơn đề nghị công an Thanh Hóa vào cuộc.

Sau khi điều tra, Công an Thanh Hóa đã không khởi tố vụ án hình sự vì không có đủ bằng chứng để chứng minh ông Tuấn có hành vi lừa đảo. Tiếp theo, ông Trì làm đơn kiện vợ chồng ông Tuấn ra tòa dân sự để mong đòi được nợ.

Bản án 8 năm vẫn chờ 60 triệu

Ngày 6/8/2001 TAND TP Thanh Hoá đã xét xử sơ thẩm vụ kiện dân sự trên và tuyên buộc ông Trương Minh Tuấn và bà Đặng Thị Hoà phải trả cho ông Đặng Thanh Trì 177.893.850 đồng (tính cả gốc lẫn lãi).

Bản án có hiệu lực pháp luật, người chịu trách nhiệm thi hành bản án là ông Hoàng Minh Quang, đội trưởng Thi hành án TP Thanh Hóa và bà Lê Thị Hưng là chấp hành viên. Tuy nhiên, sau 1 số khuất tất liên quan tới vụ việc này, ông Quang đã bị mất chức đội trưởng và bị giáng xuống làm chấp hành viên.

Từ năm 2003, trọng trách đội trưởng thi hành án TP Thanh Hóa thuộc về ông Dương Thái Sơn. Ông Sơn cho biết đã tìm mọi cách để kiên quyết thực hiện bản án, kể cả việc bị đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên mọi cố gắng cho đến nay vẫn đang “dậm chân tại chỗ”.

“Bên bị đơn là ông Tuấn luôn tìm mọi “kế sách” để chống lại bản án. Chúng tôi đã tìm cách kê biên tài sản theo nhiều hướng, ngôi nhà bị kê biên của ông Tuấn đến nay đã tăng giá gấp 10 lần thời điểm án xử. Trong nhà lại không có tài sản nào đáng giá, gây khó khăn cho việc thi hành án” - ông Sơn trao đổi với PV Dân trí.

Theo cơ quan thi hành án thì diện tích đất ngôi nhà số 64 Hàng Đồng hiện có giá trị khoảng 7 tỷ đồng và đang được xây dựng. Để có thể thi hành được bản án, đội thi hành án phải có một khoản tiền là 60 triệu đồng để trả cho bên tư vấn tính kết cấu ngôi nhà và thẩm định giá trị công trình trên đất.

“Bản án chỉ được thực hiện khi có 60 triệu đồng, mà thi hành án TP lấy đâu ra số tiền ấy?” - ông Sơn than thở. Trả lời PV về việc vụ án đến nay đã 8 năm chưa giải quyết, ông Sơn im lặng không nói gì rồi cho rằng do có nhiều lý do khách quan không tiện nói ra nên đã chuyển hồ sơ lên Thi hành án tỉnh Thanh Hoá để nhờ “chữa cháy”!.

Dưới đẩy lên, trên đùn xuống

Liên quan đến sự việc, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Công, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hoá, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án TP Thanh Hoá. Ông Công cho biết sẽ kiên quyết theo sát để xử lý triệt để vụ việc này trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên ông Công bất ngờ trước thông tin việc cơ quan thi hành án TP Thanh Hóa đề nghị thi hành án tỉnh thực hiện thi hành bản án dân sự này: “Tôi chưa nhận được thông báo từ thi hành án TP Thanh Hóa về sự việc trên”.

Còn ông Lê Ngọc Vân, Phó trưởng Cơ quan thi hành án tỉnh Thanh Hoá cho biết: Bản án có hiệu lực thi hành từ lâu, cơ quan thi hành án TP Thanh Hóa có đủ thẩm quyền để giải quyết. Không phải cứ khó thì đẩy vụ việc lên cấp trên và “ép” thi hành án tỉnh giải quyết.

“Trong vụ việc này, thi hành án tỉnh sẽ chỉ đạo, phối hợp với thi hành án TP nhằm tìm ra biện pháp xử lý chứ tỉnh không nhận trực tiếp giải quyết. Ông Sơn là người rất giỏi và có kinh nghiệm trong thi hành án mà “bó tay” thì ai sẽ thực hiện được?!” - ông Vân khẳng định.

Sự việc này để lại một dấu hỏi lớn là đến lúc nào bản án sẽ được thực hiện xong?.

Quốc Cường