Đồng Nai:

Người xuất ngoại “linh hồn” Tết Việt

(Dân trí) - Mỗi khi tết đến xuân về, anh lại lọ cọ làm bánh chưng xanh để xuất khẩu ra nước ngoài. Đó không đơn thuần là xây dựng thương hiệu mà còn là quảng bá, đưa hương vị Tết Việt ra với bạn bè năm châu.

Những ngày này, cơ sở sản xuất bánh chưng của anh Trần Thanh Toàn (45 tuổi) ở ấp Bình Lục (Tân Bình, Vĩnh Cửu, Đồng Nai) như “nóng” hơn bao giờ hết. Ai cũng cố gắng đùm bánh thật nhanh để kịp chuyển sang nước ngoài phục vụ đồng bào xa quê.
 
Anh Trần Thanh Toàn với những mẻ bánh chưng mới ra lò

Anh Trần Thanh Toàn với những mẻ bánh chưng mới ra lò

 

Trong tất bật anh Toàn vẫn dành chút ít thời gian để tiếp khách và tâm sự về hành trình đến với việc xuất khẩu bánh chưng. Anh cho biết, nghề gói bánh chưng không đến với anh như một sự tình cờ mà là truyền thống gia đình. “Những ngày còn nhỏ mình đã được ông bà dạy cách đùm bánh. Sau này lớn lên mình hiểu hơn về truyền thống Tết Việt cũng như văn hóa bánh chưng nên ý tưởng làm cái gì đó để bảo tồn, quảng bá văn hóa dân tộc cứ hiển hiện trong tâm can của mình” – anh Toàn chia sẻ.

 

Biết những kiều bào xa xứ không được thưởng thức trọn vẹn hương vị tết quê nên anh Toàn đã quyết định đưa bánh chưng xuất khẩu. Anh cho biết, mình sống ở quê nên ít ai hiểu được tâm trạng của những người đi làm ăn xa. Đối với họ, được thấy và được ăn một chiếc bánh chưng từ chính quê hương mình là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Đó là món quà vô tận gợi nhớ hình ảnh dân tộc Việt Nam.

 

Tuy nhiên, để xuất ngoại được bánh chưng không phải là điều đơn giản. “Ngoài thủ tục pháp lý còn phải nghiên cứu thị trường và tìm hiểu về văn hóa sống của từng quốc gia” – anh Toàn cho biết. Hiện tại, bánh chưng của anh Toàn đã có mặt tại 20 quốc gia trên thế giới. Thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Mỹ, Úc và Canada.

 
Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công để giữ đúng hồn Tết Việt


Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công để giữ đúng hồn Tết Việt

Quy trình sản xuất hoàn toàn thủ công để giữ đúng hồn Tết Việt

 

Để đáp ứng nguồn hàng xuất khẩu, mỗi ngày anh cho sản xuất khoảng 1 tấn bánh. Cho ra lò với số lượng nhiều nhưng tất cả đều được thực hiện theo phương thức thủ công. Từ chọn nếp, lau lá dong đến gói và luộc bánh đều được vận dụng theo đúng quy trình truyền thống. Anh Toàn chia sẻ: “Nếu làm theo phương thức công nghiệp thì bánh chưng chỉ đơn thuần là thứ hàng hóa. Mình làm bánh để gửi gắm hương vị tết, thổi hồn quê hương vào đó nên phải cần cù, tỉ mẩn để người ăn cảm nhận được hương vị thực thụ”.

  

Năm 2008, anh Toàn đã đăng kí thương hiệu cho sản phẩm bánh chưng của mình nhưng anh lại không lấy đó làm niềm vui vì cho rằng bánh chưng là món ẩm thực Việt, của chung tất cả người Việt. Anh thổ lộ: “Mình không tự sáng tạo ra bánh chưng nên việc đăng kí độc quyền là vấn đề không hay. Nhưng người tiêu dùng muốn sử dụng mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ nên đành phải làm như vậy để tạo độ tin cậy và dễ dàng phổ biến ra nước ngoài”.

 

Mỗi chiếc bánh ra lò là một “linh hồn” Tết Việt được gửi gắm. Không chỉ xuất khẩu bánh chưng anh Toàn còn tìm hiểu và xuất khẩu lá dong, lạt giang buộc bánh. Mỗi năm, hàng chục tấn lá được anh chuyển ra nước ngoài để những người con xa quê tự tay gói và nấu bánh đón Tết. Riêng Tết Quý Tỵ này, anh Toàn xuất ngoại hơn 45 tấn lá ra các thị trường Mỹ, Đài Loan, Úc, Canada…

 

Anh cho biết, hương vị Tết đang ngày một nhợt nhạt, mất dần bản sắc. Cảnh cả gia đình quây quần bên nhau gói bánh, nấu bánh thật khó tìm. “Không khí đó quá đẹp nhưng lại bị biến mất. Mình đứng ra làm bánh chưng cũng vì mong muốn níu kéo, giữ gìn linh hồn Tết Việt. Mình muốn mỗi chiếc bánh sẽ là nơi thể hiện cảm xúc quê nhà cho những ai không thể về nước đón xuân”.

 

Minh Hậu