Người Việt ở nước ngoài cũng được bỏ phiếu khi trưng cầu ý dân?

(Dân trí) - “Tôi đề nghị bổ sung đối tượng đang du học, lao động ở nước ngoài cũng được lập danh sách ghi tên cử tri để bỏ phiếu khi trưng cầu ý dân” - nữ đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) nêu ý kiến về Luật trưng cầu ý dân.

 

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM).
Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM).

 

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật trưng cầu ý dân được đưa ra Quốc hội sáng nay 12/11, nhiều ý kiến tán thành với việc quy định khái quát về các vấn đề Quốc hội có thể quyết định trưng cầu ý dân.

Tiếp thu các ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc mà Quốc hội có thể xem xét, quyết định trưng cầu ý dân tại điều 6 của dự thảo luật.

Theo đó, Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến quốc kế dân sinh; vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

Về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân, nhiều ý kiến tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức và thực hiện trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trưng cầu ý dân ở địa phương và giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng Hiến pháp quy định thẩm quyền quyết định trưng cầu ý dân là của Quốc hội; chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức Quốc hội, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là về Hiến pháp và những vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia, cần đưa ra để toàn dân quyết định.

Đối với những vấn đề chỉ ảnh hưởng đến phạm vi một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành, như việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc quyết định về điều chỉnh địa giới hành chính, quyết định dự án kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của bộ phận người dân... Vì vậy đề nghị Quốc hội cho giữ quy định trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương.

Đề nghị bổ sung các trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Võ Thị Dung (TPHCM) đề nghị việc trưng cầu ý dân phải công khai, dân chủ, tiết kiệm và an toàn.

Bà Dung cho rằng tất cả các nội dung trong Hiến pháp đều quan trọng, không thể nói nội dung nào quan trọng hơn nội dung nào. Chính vì thế phải chỉnh sửa dự thảo theo hướng “quyết định trưng cầu ý dân về toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung, điều khoản của Hiến pháp”.

“Tôi đề nghị bổ sung đối tượng đang du học, lao động ở nước ngoài cũng được lập danh sách ghi tên cử tri để bỏ phiếu khi trưng cầu ý dân”- đại biểu Dung nói.

Kiến nghị giải thích rõ hơn cụm từ “vấn đề đặc biệt quan trọng” ở trong dự thảo luật, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng đó phải là những vấn đề có tác động rộng lớn, ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước hoặc chiều hướng phát triển đất nước, vấn đề dư luận nhân dân cả nước quan tâm, đòi hỏi ý chí của toàn dân mới giải quyết được.

Ngoài tờ trình trưng cầu ý dân gửi tới Quốc hội, theo ông Hùng, cơ quan trình cần có báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động từng phương án đề ra. “Quốc hội sẽ xem xét kỹ các phương án và tuyên truyền cho người dân hiểu và có đầy đủ thông tin để chọn phương án được sáng suốt. Nếu chúng ta cung cấp đầy đủ, chính thức thì tăng chất lượng cử tri tham gia. Còn nếu chúng ta lấy ý kiến dân nhưng người dân chưa được thông tin đầy đủ thì khi lấy ý kiến sẽ có nhiều luồng ý kiến”- ông Hùng phân tích.

 

Đại biểu Trần Ngọc Vinh.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh.

 

Trong khi đó, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị bổ sung quy định về trường hợp không tổ chức trưng cầu ý dân, bởi việc này các nước đều đưa vào luật định rõ ràng.

“Đó thường là vấn đề chuyên môn sâu mà cử tri không thể nắm bắt được nếu không được đào tạo bài bản. Nó có thể liên quan đến thể chế chính trị, cách thức tổ chức chính quyền nhà nước, thuế, ngân sách, nền tài chính quốc gia,...”- ông Vinh dẫn chứng.

Thế Kha