Việt Nam chính thức vào WTO:

Người tiêu dùng được hưởng lợi trước hết

(Dân trí)- Hôm nay, 11/1, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Theo các cam kết, 1.812 dòng thuế, chiếm 17% biểu thuế sẽ được cắt giảm với mức cắt giảm bình quân 44% so với hiện hành.

Nhân sự kiện này, Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài Chính), phó phòng đàm phán về những tác động của việc cắt giảm đối với các mặt hàng của Việt Nam trong thời gian tới.

 

Xin bà cho biết, các mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế ngay từ đầu năm 2007 là những loại nào?

 

Các mặt hàng sẽ được cắt giảm thuế ngay đầu năm 2007 gồm có 26 mặt hàng đang có thuế suất cao từ 30% trở lên và chủ yếu là hàng tiêu dùng nên đa số người dân sẽ được hưởng lợi. Riêng ngành dệt may có mức cắt giảm thuế tương đối lớn, tới 63% sẽ có tác động quan trọng tới sản xuất và giá cả của nhóm dệt may.

 

Tuy nhiên, qua trao đổi với một số nhà chuyên môn trong ngành, dệt may trong nước cũng được đánh giá là sẽ không có gì đáng ngại. Thị trường trong nước vốn rất lớn. Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp làm sao giữ được thị trường này và mở rộng ra thị trường bên ngoài, giữ cho lượng hàng của mình tăng trưởng như những năm trước.

 

Khi hạn ngạch dệt may được xóa bỏ, chúng ta sẽ có lợi hơn với Trung Quốc ở điểm, năm 2008 Trung Quốc mới hết hạn dỡ bỏ hạn ngạch, còn Việt Nam là từ năm 2007 này. Do đó, ngành dệt may Việt Nam phải cố gắng để chiếm lĩnh thị trường, đồng thời phải chấp hành đúng luật lệ quốc tế để không bị kiện bán phá giá hay gian lận thương mại.

 

Theo đánh giá của bà, những mặt hàng nào sẽ chịu những tác động về việc cắt giảm thuế?

 

Theo biểu thuế cam kết, hàng điện tử, dệt may, đồ uống có thể nhận thấy bước giảm rõ rệt. Theo tôi, bước tác động của thuế chỉ là một phần mà chính là sự chuyển biến giữa cung và cầu sẽ tạo lập nên một mặt bằng giá mới. Tuy nhiên, chúng ta không thể tính toán như số học, tức là bước cắt giảm thuế như thế này thì các mặt hàng sẽ giảm thế kia, mà tự các doanh nghiệp lúc đó sẽ hình thành một bài toán cho mình và nó sẽ phụ thuộc nhiều vào cầu.

 

Còn về ảnh hưởng của mức độ bảo hộ thực tế đối với các ngành hàng?

 

Hiện nay, bình quân các ngành có mức bảo hộ thực tế ở mức khoảng 30%, việc cắt giảm thuế theo cam kết WTO sẽ giảm mức độ bảo hộ chung này xuống chỉ còn khoảng 15%, giảm đi 50%. Mức độ chênh lệch về bảo hộ giữa các ngành sẽ thu hẹp đáng kể- những ngành hiện đang được bảo hộ cao sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Tuy nhiên, điều này sẽ thúc đẩy các ngành nâng cao khả năng cạnh tranh để phát triển, tổng thể nền kinh tế sẽ hoạt động có hiệu quả hơn.

 

Theo quy luật hàng năm, điện tử là một trong những mặt hàng được người dân mua vào nhiều. Nhưng với tâm lý chờ đợi việc cắt giảm thuế sẽ kéo theo việc hạ giá thành sản phẩm trong nước, thị trường này gần như đã chững lại. Bà có lời khuyên gì với người tiêu dùng trong nước không?

 

Việc cắt giảm thuế đã công bố, người dân đã nhìn thấy rồi, tôi cũng chỉ là một người tiêu dùng bình thường nên rất khó đưa ra lời khuyên cứ mua ngay hay nên chờ đợi.

 

Như tất cả các nước mới gia nhập khác, Việt Nam cũng cam kết tham gia vào một số Hiệp định tự do hoá theo ngành. Những ngành mà Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ là sản phẩm công nghệ thông tin (ITA), dệt may và thiết bị y tế. Những ngành mà Việt Nam tham gia một phần là thiết bị máy bay, hoá chất và thiết bị xây dựng. Thời gian để thực hiện cam kết giảm thuế là từ 3-5 năm.

 

Trong các Hiệp định trên, tham gia ITA là quan trọng nhất, theo đó khoảng 330 dòng thuế thuộc diện công nghệ thông tin sẽ phải có thuế suất 0% sau 3-5 năm. Như vậy, các sản phẩm điện tử như: máy tính, điện thoại di động; máy ghi hình, máy-ảnh kỹ thuật số… sẽ đều có thuế suất 0%, thực hiện sau 3-5 năm, tối đa là sau 7 năm.

 

Nhìn một cách tổng quát nhất, việc cắt giảm các dòng thuế sẽ có tác động như thế nào đối các doanh nghiệp trong nước?

 

Số lượng những mặt hàng và bước cắt giảm đã được công bố, tôi chắc rằng người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước cũng đã nhìn thấy rồi. Theo đó, các doanh nghiệp liên quan trực tiếp đến các mặt hàng cũng sẽ nhìn vào đấy để thấy mình đang đứng ở đâu, để xác định rằng không những năm 2007 này mà còn một lộ trình dài và nhìn về dài hạn, kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.

 

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhìn rộng hơn và xa hơn cả thị trường trong nước và nước ngoài để xem đối thủ của mình là ai, khách hàng của mình là ai, mình có thế mạnh gì, mình có lợi thế cạnh tranh gì để xây dựng một chiến lược và khi  đã xây dựng một chiến lược như thế thì cần Nhà nước phải có hỗ trợ gì?

 

Doanh nghiệp hiện nay của mình công nghiệp vẫn còn lạc hậu, số lượng đội ngũ quản lý có trình độ học đại học, sau đại học và có trình độ quản trị kinh doanh theo yêu cầu của thời kì hội nhập vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, người lao động vẫn bị hạn chế về kĩ năng kĩ thuật.

 

Khi tham gia hội nhập, ngay năm đầu tiên có thể chưa có bước cắt giảm lớn, chưa thể có những bước chuyển biến lập tức vì chúng ta cắt giảm theo lộ trình, chứ không phải ngay lập tức cắt giảm theo các mức cam kết. Đây cũng chính là thời gian để các doanh nghiệp trong nước có thể thích ứng và tạo ra được những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, tạo tiền đề tốt cho người việt Nam dùng hàng Việt Nam. Khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam có thể thích nghi và phát triển được thì mới là trọn vẹn.

 

Tuy nhiên, từ hôm nay cũng sẽ có bước chuyển biến, giá các mặt hàng sẽ giảm đi, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi từ việc thay đổi công nghệ phục vụ nhân dân.

 

Xin cảm ơn bà!

 

 An Hạ
(thực hiện)