Kon Tum:

Người phụ nữ nhận việc “cả làng không ai dám làm”

(Dân trí) - Cả làng không ai dám làm trưởng thôn, chồng con ra sức ngăn cản, nhưng vì lợi ích của người dân, bà già làng trẻ tuổi Y Giút (58 tuổi, làng Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, TP.Kon Tum, Kon Tum) đã gật đầu nhận chức trưởng thôn “nặng nề” này nhiều năm nay.

Người có trình độ cao nhất thôn

Sau hơn chục năm làm phó trưởng thôn kiêm già làng và Phó Chủ tịch Hội phụ nữ phường Thống Nhất, đến năm 2007, bà Y Giút chính thức đảm nhận chức trưởng thôn Kon Tum Kơ Nâm. Nhắc tới cái chức trưởng thôn của mình, bà Giút thật thà tâm sự: “Cả thôn không ai dám làm trưởng thôn, chồng con mình cũng can ngăn nhưng do mình đang là thôn phó, lại là già làng họ ép quá nên mình đành nhận thôi…”.

Trải qua nhiều thế kỷ, đến nay chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại ở cộng đồng người Bahnar và các dân tộc anh em khác cùng sinh sống trên địa bàn Gia Lai, Kon Tum. Nhưng có một nghịch lý là dù theo chế độ mẫu hệ nhưng người phụ nữ chỉ được nắm quyền trong gia đình, còn ở cộng đồng thôn, làng thì họ lại hoàn toàn bị “lép vế”. Cho nên những chức vị như già làng, trưởng thôn… xưa nay đều do người đàn ông nắm giữ.

Ấy vậy mà nhiều năm nay, bà Y Giút lại là người phụ nữ hiếm hoi ở các buôn làng Tây Nguyên được giữ nhiều chức vụ lãnh đạo trong cộng đồng làng mình. Để có được ngày hôm nay, với bất kỳ người phụ nữ nào ở mảnh đất đỏ bazan đó không phải là điều dễ dàng.

Bà Giút cho biết, bà là người may mắn khi sinh ra trong một gia đình có nhiều đời cha, ông được làm già làng, chính vì vậy, ngay từ nhỏ bà đã được bố mình cho đi học đầy đủ. Sau khi học hết bậc phổ thông, bà Giút về lại làng sinh sống và lập gia đình. Là người có trình độ học vấn cao nhất làng, bà Giút không chỉ giỏi làm ăn mà còn là người luôn có những đóng góp sáng suốt trong các vụ việc của làng, góp phần đẩy lùi những hủ tục tồn tại bấy lâu trong cộng đồng người Bahnar ở làng Kon Tum Kơ Nâm.

Bà Giút tâm sự về công việc của mình
Bà Giút tâm sự về công việc của mình

Trước những việc làm của bà Giút, trong một lần làng Kon Tum Kơ Nâm tổ chức đại hội bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn cách đây hơn chục năm, bà Giút đã được nhiều người dân trong làng tín nhiệm bầu làm phó thôn. Tuy nhiên, trước những ý kiến đồng tình thì bà Giút cũng vấp phải sự phản đối mãnh liệt của những người cao tuổi trong làng. Bởi xưa nay, trong tiềm thức của người dân nơi đây thì những người giữ chức vụ lãnh đạo làng phải là đàn ông, chứ không thể là phụ nữ được: “Khi thấy nhiều người trẻ trong làng bầu mình làm phó trưởng thôn, những người già phản đối và nói “nó là phụ nữ thì chỉ biết đến đi rẫy, chứ không thể làm cán bộ được”, bà Giút nhớ lại.

Tuy nhiên, sau một hồi tìm kiếm mà không thấy ai xứng đáng hơn bà Giút, lại được thế hệ trẻ nhiệt tình ủng hộ nên những người già trong làng đã phải chấp nhận gật đầu. Sau khi đảm nhiệm chức vụ phó trưởng thôn, bà Giút lại được người dân tín nhiệm bầu vào cán bộ Chi hội phụ nữ, rồi chức già làng.

Trưởng thôn phải… hy sinh

“Trước kia trong làng hiếm có trộm cắp, đánh nhau, trả thù vặt nhưng nay lại xuất hiện nhiều”, bà Giút tâm sự. Và khi vấn nạn này xảy ra, các cán bộ thôn vào cuộc để hòa giải, nhắc nhở thì liền bị trả thù: “Nếu hai nhà tranh chấp đất đai hay tài sản gì đó, hoặc mình nhắc nhở, khuyên răn người nào đó làm sai cái gì, thì hôm sau họ sẽ trả thù mình bằng cách phá rẫy, phá cây trồng của gia đình mình…”, bà Giút bộc bạch.

Những chuyện trái khoáy trên khiến một số cán bộ trong làng luôn cảm thấy nản chí, và chẳng ai “dại” gì mà đi làm cán bộ thôn. Vì vậy, vào năm 2007, làng Kon Tum Kơ Nâm tổ chức đại hội bầu trưởng thôn, suốt quá trình diễn ra đại hội không có bất kì ai nhận làm chức này. Bởi họ sợ khi nhận trách nhiệm thì phải đứng ra giải quyết các công việc của thôn, và cũng đồng nghĩa với việc bị trả thù nếu tham gia giải quyết các vụ tranh chấp, trộm cắp, đánh nhau… trong làng. Không chỉ vậy, làm trưởng thôn phải thật thông thạo tiếng Việt để có thể về truyền đạt lại tất cả những kiến thức về pháp luật, các nghị quyết… của Đảng và Nhà nước cho dân làng.

Cho nên, ai cũng sợ, không dám làm trưởng thôn. Lúc này, tất cả các ánh mắt đều đổ dồn về bà Giút, họ cho rằng bà Giút không chỉ có kinh nghiệm lâu năm làm cán bộ, mà bà còn là người có trình độ học vấn cao và nhất là rất cứng cỏi. Vì vậy, mọi ý kiến đều thống nhất bầu bà Y Giút lên làm trưởng thôn. Trước quyết định của dân làng, chồng, con bà Giút đều đứng lên phản đối, không muốn cho bà nhận chức này, khiến sự việc ngày càng căng thẳng.

Đàn kiến còn có kiến chúa, lũ làng cũng cần có già làng, trưởng thôn- nghĩ vậy, nên bà Giút đã đồng ý nhận chức trưởng thôn và tìm cách về nhà giải thích với chồng, con sau. Trước quyết định trên của bà, tuy chồng và con ban đầu có giận nhưng sau khi được sự động viên, giải thích của bà, họ đã dần cảm thông và đồng ý.

Bằng khen của nữ trưởng thôn hiếm hoi của đồng bào Tây Nguyên
Bằng khen của nữ trưởng thôn hiếm hoi của đồng bào Tây Nguyên

Và đúng như sự e ngại của một số người dân trong làng, sau khi lên chức trưởng thôn, bà Giút đã gặp không ít khó khăn. Khi một số người dân thấy bà có đám ruộng gần sông và đường đi thuận lợi, họ đã yêu cầu bà phải hy sinh một phần đất trong đám ruộng ấy để làm đường giao thông lớn cho những gia đình có ruộng ở phía sau, với lý do duy nhất “trưởng thôn phải gương mẫu hy sinh cho dân làng”.

Trước yêu cầu vô lý trên, bà Giút phải tập trung những hộ dân này lại và giải thích với họ rằng: “Mình làm cán bộ, mình đã hy sinh thời gian, công việc nhà để giúp dân làng trong mọi việc từ tuyên truyền kiến thức của Đảng, Nhà nước về cho dân làng mình; giúp dân làng mình giải quyết các vấn đề về vay vốn chính sách… mọi công việc của gia đình mình từ việc làm rẫy đến nội trợ mình phải giao lại cho chồng, con. Gia đình mình sống cũng chỉ nhờ vào mấy sào ruộng này, nếu mình hy sinh thì chồng, con mình lấy gì làm để sống, rồi vài năm nữa mình cũng già và về hưu thôi”, trước những lời lẽ sắc bén trên của bà trưởng thôn, một số hộ dân đã đồng tình và không bắt bà phải “hy sinh” nữa.

Không chỉ yêu cầu trưởng thôn phải hy sinh quyền lợi của gia đình, mà trong một số lần trực tiếp đứng ra giải quyết các vụ tranh chấp đất đai, trộm cắp, bà Y Giút đã bị một số đối tượng trong vụ việc trả thù bằng cách chặt phá cây mì, cây mía trên rẫy nhà mình. “Họ thấy mình đứng ra giải quyết sự việc, chỉ ra cái sai trái của họ làm cho họ xấu hổ và tức, nên lợi dụng đêm tối họ đã ra phá rẫy nhà mình. Nhưng sau đó mình đã vận động, giải thích việc làm sai trái của họ nên bây giờ họ không làm vậy nữa”, bà Giút kể lại.

Không chỉ gặp khó khăn trong các vấn đề an ninh, trật tự mà việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người dân làng Kon Tum Kơ Nâm cũng gặp khá nhiều trở ngại, khi mọi người vẫn thường xuyên sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ với nhau trong sinh hoạt hàng ngày: “Một số từ trong các chính sách của Đảng, Nhà nước không có trong tiếng Bahnar, vì vậy mình phải mất rất lâu mới giải thích cho họ hiểu được. Không chỉ vậy, khi tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân, cấp trên yêu cầu mình phải dùng nguyên văn tiếng Việt, khiến cho việc tuyên truyền càng gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Có những Nghị định, chính sách mình phải giải thích đến mấy ngày người dân mới hiểu được”, bà Y Giút tâm sự.

Trước những khó khăn trên, nhưng bằng sự thông minh và kinh nghiệm của mình, bà Y Giút luôn hoàn thành những nhiệm vụ cấp trên giao phó và giúp người dân hiểu rõ hơn về các vấn đề an ninh, xã hội.

Thiên Thư