Hải Phòng:

Người nhà cán bộ bị kỷ luật hồi hộp trước cuộc họp của Thủ tướng

(Dân trí) - Trước cuộc họp do Thủ tướng chủ trì hôm nay về vụ cưỡng chế đầm tôm, nhiều tâm trạng trái chiều giữa người nhà những cán bộ bị kỷ luật và người thân ông Vươn.

Ngôi nhà hai tầng của ông Phạm Đăng Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang - trong xóm Kim khá bề thế nhưng cửa đóng then cài vắng lặng.

 
Người nhà cán bộ bị kỷ luật hồi hộp trước cuộc họp của Thủ tướng - 1
Ngôi nhà của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đóng cửa im ỉm sau vụ cưỡng chế đầm ông Vươn.

Mở cửa tiếp chúng tôi trong tâm trạng nhiều nghi ngại là một người phụ nữ trẻ giới thiệu là con dâu ông Hoan. Đứng phía trong cánh cổng, người phụ nữ nhỏ nhẹ xin lỗi vì ông Hoan hiện không có nhà. Cô cho biết sau sự việc, ông Hoan liên tục phải xuống TP Hải Phòng để làm việc với các cơ quan chức năng. Không khí trong gia đình vì thế cũng rất căng thẳng.

Ai cũng rất lo lắng. Vợ ông Hoan lúc nào cũng bồn chồn, đứng ngồi không yên. Trước mặt chồng, bà vẫn tỏ ra bình tĩnh động viên nhưng ở nhà ông Hoan vẫn khá ủ dột vì lo nghĩ. Người con dâu cho biết, cả gia đình và những người họ hàng thân thiết đang ngóng đợi kết luận của Thủ tướng trong cuộc họp sáng 10/2.

Người nhà cán bộ bị kỷ luật hồi hộp trước cuộc họp của Thủ tướng - 2
Những “mảng tối” đang dần bị “lộ sáng” của chính quyền huyện Tiên Lãng trong vụ cưỡng chế đầm tôm.
 
 

Tại nhà riêng của Chủ tịch UBND xã Vinh Quang Lê Thanh Liêm, chúng tôi đã gặp được bà Hiểu vợ ông Liêm. Bà Hiểu mệt mỏi cho biết, cả gia đình vẫn đang đợi kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.

Ngôi nhà 2 tầng của ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - nằm ngay đối diện với Huyện ủy cũng luôn khóa cửa im ỉm. Dù đã nhiều lần quay trở lại nhà ông Hiền nhưng phóng viên không gặp được người thân nào của ông này. Hàng xóm cho biết từ khi sự việc xảy ra, rất ít khi gia đình ông Hiền mở cửa tiếp chuyện ai.

 
Người nhà cán bộ bị kỷ luật hồi hộp trước cuộc họp của Thủ tướng - 3
Bà Phạm Thị Bánh.
 
Bày tỏ nỗi niềm với chúng tôi, bà Phạm Thị Bánh (78 tuổi) - mẹ ông Nguyễn Văn Khanh (Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng - Trưởng ban cưỡng chế GPMB) bật khóc: “Chắc chắn người ta sẽ làm rõ con trai tôi có tội trạng như thế nào nhưng tôi tin tưởng con trai tôi. Thấy con trai tự dưng bị nghỉ việc, tôi thương lắm. Khi nãy, nó đi đâu có việc rẽ qua động viên tôi cứ an tâm”.

Người nhà cán bộ bị kỷ luật hồi hộp trước cuộc họp của Thủ tướng - 4
Tài sản duy nhất của gia đình bà Thương (vợ ông Vươn) tại khu đầm bị cưỡng chế chỉ còn con chó trắng. (Ảnh: Phúc Hậu)

Trong khi đó, nhiều tuần nay, ngày nào bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Đoàn Văn Vươn) và Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý) cũng tất tả chạy đi chạy lại giữa các túp lều tạm dựng ngay trên nền ngôi nhà 2 tầng đã bị đập phá và nhà em chồng ở xã Tiên Hưng, nơi những đứa con của họ đang gửi nhờ để tiếp tục học hành.

Rơm rớm nước mắt, bà Thương bảo từ ngày chồng bị bắt bà chẳng thiết làm gì. Nhìn cả khu đầm bãi mênh mông mà cả gia đình bà đã phải đổ bao nhiều mồ hôi, công sức, thậm chí cả xương máu, mới có được giờ hoang lạnh mà lòng bà đau nhói. Có khi tiếc của cũng vác cái cuốc ra đầm đứng loay hoay mãi lại chả nhớ mình định làm gì nên đành quay về túp lều.

Đứng bần thần một lúc, bà Thương chua xót: “Không biết tôi có phải là người đàn bà khổ nhất không nhưng trong đời tôi đã cỏ đủ 3 cái tết đau đớn, thậm chí là kinh hoàng. Lần đầu là vào năm 1996, khi toàn bộ đê bao quanh đầm bị vỡ, bao nhiêu mồ hôi, công sức, tiền bạc của gia đình tích góp trong mấy năm bỗng dưng đổ ra sông ra biển. Lần thứ 2 là vào năm 2001, khi tôi mất đi đứa con gái 8 tuổi chính tại khu đầm này và bây giờ chồng bị bắt, nhà cửa bị phá đến tanh tành. Sở dĩ tôi còn gượng được đến bây giờ là vì vẫn còn nhiều người tốt, những người hàng xóm, cả những người tôi không quen biết đến chia sẻ động viên. Từng phút từng giây, tôi ngóng đợi kết luận của Thủ tướng Chính phủ vì tôi vẫn tin công lý chắc chắn sẽ giành chiến thắng”. 

Trao đổi với PV Dân trí về một số điểm trong cách làm việc mập mờ, “đánh bùn sang ao” của UBND huyện Tiên Lãng kể cả sau khi ông Lê Văn Hiền - Chủ tịch UBND huyện bị đình chỉ công tác, ông Ngô Ngọc Khánh - Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng chống chế: "Về việc loa truyền thanh huyện liên tục phát đi phát lại những bài “luận tội” ông Vươn là do chương trình có sẵn của đài phát thanh truyền hình huyện. Tuy nhiên, lượng phát không nhiều mà chỉ theo từng thời điểm được cài đặt sẵn.

 
Người nhà cán bộ bị kỷ luật hồi hộp trước cuộc họp của Thủ tướng - 5
UBND huyện Tiên Lãng đổi cổng trụ sở sau vụ cưỡng chế khiến nhiều người giao dịch gặp khó khăn.

Về việc Cổng thông tin điện tử huyện Tiên Lãng liên tục… chập chờn và đưa thông tin lập lờ giữa án kỷ luật các vị lãnh đạo huyện, xã và công tội ông Vươn là do lỗi kỹ thuật hay lỗi mạng. Về việc cổng trụ sở UBND huyện Tiên Lãng bất ngờ bị đổi sau vụ cưỡng chế khiến nhiều người dân gặp khó khăn khi giao dịch là không liên quan gì tới vụ việc cưỡng chế tại đầm ông Vươn vì đã có kế hoạch từ nhiều tháng trước đó
 
Về việc phá sản dự án Việt Mỹ hay Tổng đội TNXP khiến hơn 80 tỉ đồng của nhà nước “bốc hơi” ngay cạnh khu đầm nhà ông Vươn thì phải hỏi cán bộ chuyên môn và lãnh đạo huyện Tiên Lãng chứ với cương vị của tôi (Chánh văn phòng) thì tôi có nói gì cũng vượt quá thẩm quyền".

Người nhà cán bộ bị kỷ luật hồi hộp trước cuộc họp của Thủ tướng - 6
Dự án Tổng đội TNXP bỏ hoang cạnh đầm ông Vươn khiến hơn 80 tỉ đồng của nhà nước "bốc hơi".

Anh Thế - Quốc Đô