1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An:

Người nghèo tủi phận ăn Tết trong bệnh viện

(Dân trí) - Đi viện đã khổ nhưng người nghèo ăn Tết ở viện còn cám cảnh hơn nhiều. Năm hết Tết đến, cả người bệnh lẫn người nhà lặng lẽ trong những căn buồng sực mùi thuốc mà rơi nước mắt tủi phận nghèo.

Lần đầu tiên đón Tết ở Bệnh viện, vợ chồng nghèo Moong Phò Hợi không biết phải đón Tết như thế nào

Lần đầu tiên đón Tết ở Bệnh viện, vợ chồng nghèo Moong Phò Hợi không biết phải đón Tết như thế nào

Những ngày cuối năm, các bệnh viện tuyến tỉnh ở Nghệ An không vắng bệnh nhân hơn ngày thường. Những khuôn mặt không giấu được niềm vui khi bệnh tình đã thuyên giảm và được xuất viện (hoặc tạm thời xuất viện) để về đón Tết với người thân. Nhưng cũng có những bệnh nhân phải đón một cái Tết không hề mong muốn nơi bệnh viện.

Khoa ngoại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An chiều cuối năm không khí có vẻ trầm lắng hơn. Một số bệnh nhân đã được cho xuất viện để kịp về đón Tết cùng gia đình đang khẩn trương sắp xếp đồ đạc, thuê xe cho kịp dự bữa cơm tất niên. Những bệnh nhân còn lại được bố trí nằm chung một phòng để tiện chăm sóc, theo dõi, hơn nữa là cũng để các bệnh nhân và người nhà của họ bớt đi một chút cô đơn, buồn tủi trong những ngày Tết.

Bệnh nhân Nguyễn Đình Truyền (63 tuổi, quê huyện Đô Lương) vừa trải qua cuộc phẫu thuật cắt cột trực tràng do ung thư trực tràng và tiến hành làm hậu môn nhân tạo. Ông nằm thiêp thiếp trên giường, giữa những dây, ống truyền. Hai cô con gái ngồi ở mép giường, mắt ầng ậc nước.

Khẽ cựa mình, ông Truyền thức dậy, hỏi hai đứa con xem Tết nhất đã chuẩn bị tới đâu. “Bố em là tộc trưởng của dòng họ nên phải lo chuyện cúng bái tổ tiên. Ông nằm đây nhưng lúc nào cũng chỉ lo đến chuyện hương khói cho tổ tiên, lễ tết cho ông bà. Năm nay, cậu em trai duy nhất phải thay bố làm việc đó nên ông có phần không yên tâm”, cô con gái đầu của ông mới làm công nhân ở miền Nam về ăn Tết cho biết.

“Nhà nghèo, thân tôi già rồi, nằm viện chỉ khổ con khổ cháu. Tết nhất, con cháu ở xa về đoàn tụ, ai ngờ lại phải thay nhau trực tôi ở bệnh viện. Tết đến, nỏ mong chi cả, chỉ mong mình có sức khỏe cho con cháu đỡ khổ thôi”, ông nói rồi nhắm nghiền mắt lại thở một cách khó nhọc.

Thay vì sum vầy với gia đình, các con ông Truyền phải thay nhau túc trực ở bệnh viện với bố

Thay vì sum vầy với gia đình, các con ông Truyền phải thay nhau túc trực ở bệnh viện với bố

Nơi chiếc giường kê giữa phòng, bệnh nhân Moong Thị Linh (người Khơ-mú, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn) đang vật vã vì đau đớn. Anh chồng Moong Phò Hợi luống cuống không biết làm gì cho vợ hết đau nên cứ ngồi bóp mãi cẳng chân khẳng khiu của vợ. Chị Linh vừa nhập viện vào ngày 26 Tết và được chẩn đoán viêm bàng quang cấp.

“Nhà ta ở xa lắm, vợ ta đau 3 tháng nay rồi nhưng nhà nghèo quá, chỉ uống lá thuốc trên rừng thôi. Hôm trước, vợ ta đau quá, chịu không nổi nên phải vay tiền đưa đi viện. Định rốn ít bữa ở nhà ăn Tết nhưng không được. Bác sỹ bảo phải ở lại theo dõi nên Tết này hai vợ chồng ăn Tết ở đây thôi, mà cũng không biết ăn Tết như thế nào nữa vì sắp hết tiền rồi, phải gọi điện về nhà nhờ người vay rồi gửi xuống. Chỉ tội hai đứa con, năm nay phải ăn Tết nhờ ông bà”, Moong Phò Hợi buồn buồn cho biết.

Rồi chẳng đợi tôi gọi chuyện, Hợi say sưa kể về Tết của đồng bào Khơ-mú của mình. Giờ này nếu còn ở nhà, vợ chồng Hợi cũng đang tất bật chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên, xuống thị trấn mua sắm cho các con bộ quần áo mới. “Năm nay vợ chồng ta làm được 50 bì lúa, ăn hết 10 bì rồi, còn 40 bì nữa, ăn cho đến mùa sau. Tết nhà ta cũng không có nhiều thịt đâu, chỉ có nhiều nếp do hai vợ chồng trồng được nên gói nhiều bánh chưng cho con ăn thôi”, Hợi vui vẻ khoe.

Hỏi, Tết nay ở bệnh viện, 2 vợ chồng định ăn Tết như thế nào, anh chàng cười méo xẹo “Ta không biết. Mới ở núi xuống, không quen đường. Chắc lát nữa nhờ các bác cùng phòng mua cho mấy cái bánh chưng với khúc giò, hai vợ chồng đón Tết với nhau thôi”.

Đây là lần thứ 2 Vừ Bá Tồng đón Tết ở bệnh viên: Tết đến không mong gì cả, chỉ thương con thôi
Đây là lần thứ 2 Vừ Bá Tồng đón Tết ở bệnh viên: "Tết đến không mong gì cả, chỉ thương con thôi"

Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Nghệ An cũng đông bệnh nhân như thường lệ. Các bé nhập viện hầu hết đều mắc bệnh viêm phổi cấp nên được chỉ định ở lại bệnh viện điều trị. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với bác sỹ Nguyễn Thanh Khôi - Phó Trưởng khoa liên tục bị gián đoạn vì bố mẹ các bệnh nhân vào xin cho con ra viện, về nhà đón Tết. Bác sỹ Khôi phải giải thích cặn kẽ rằng tình trạng của cháu hiện giờ chưa thể cho xuất viện, ở nhà, điều kiện chăm sóc không tốt, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng của các cháu. Những ông bố, bà mẹ lặng lẽ đi ra khi biết chắc rằng Tết năm nay, cả nhà sẽ phải đón Tết ở bệnh viện thay vì quây quần ấm áp trong chính ngôi nhà của mình.

Trên chiếc giường kê cạnh máy trợ thở, bệnh nhi Vừ Bá Xếnh (gần 2 tháng tuổi, quê xã Na Ngoi, Kỳ Sơn) đang nằm thiêm thiếp. Bên cạnh, Vừ Bá Tồng (SN 1988) ngồi bất động, mắt như dán chặt vào đứa con trai nhỏ. Xếnh nhập viện cách đây 5 ngày vì viêm phổi và suy hô hấp. Do bệnh tình chưa chuyển biến tích cực nên Xếnh vẫn phải chỉ định ở lại để điều trị. Cậu bé phải đón cái Tết đầu tiên trong đời ở bệnh viện.

“Nhìn con như thế này không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến Tết nữa. Thương con quá, chỉ mong cháu mau khỏe thôi”, Vừ Bá Tồng cho biết. Từ hôm Xếnh nhập viện, vợ chồng Tồng phải theo con xuống đây, đứa con gái 3 tuổi phải gửi ông bà nội và các bác trông giúp. Đây là lần thứ 2, Vừ Bá Tồng phải đón Tết ở bệnh viện. “Năm ngoái, em phải chăm chị gái nằm ở Bệnh viện Ba Lan, năm nay lại ăn Tết ở Bệnh viện Nhi. Tết, người ta sum họp, còn mình thì ở viện, tủi thân, thương con đến phát khóc”, đôi mắt người cha trẻ rơm rớm nước.

Đây là lần thứ 2 Vừ Bá Tồng đón Tết ở bệnh viên: Tết đến không mong gì cả, chỉ thương con thôi
Người nhà bệnh nhân nhi Bùi Nhật Nam không còn nghĩ đến Tết bởi đang chuẩn bị cho bé chuyển ra Bệnh viện Trung ương

Nhưng vợ chồng Xếnh vẫn còn khá may mắn so với hoàn cảnh của gia đình bệnh nhi Bùi Nhật Nam (chưa đầy 1 tháng tuổi, quê Nghĩa Đàn). Sinh được 2 ngày, Nam đã phải nhập viện điều trị vì bị viêm phổi nặng, hết Nghệ An rồi lại ra Hà Nội. “Hôm trước, các bác sỹ ngoài Hà Nội cho về vì sức khỏe của cháu chuyển biến tốt. Nhưng về đến nơi lại phải nhập viện Nhi gấp vì một bên phổi của cháu vẫn bị xẹp, không thở, không bú được. Hôm nay, da dẻ cháu tím tái như triệu chứng của bệnh tim, các bác sỹ ở đây lại cho ra Hà Nội để kiểm tra lại. Bây giờ chẳng còn tâm trí đâu mà nghĩ đến Tết nữa”, chị Lê Thị Mười, mẹ bé Nam bật khóc.

Vừa trông chừng con, chị vừa thu dọn đồ đạc để chuẩn bị chuyển viện. “Đợi anh về trên nhà vay mượn ít tiền xuống đến nơi là đi”, chị Mười cho biết thêm.

Thấu hiểu nỗi khổ của các bệnh nhân và người nhà, các bệnh viện đều đã lên kế hoạch cùng đón Tết với bệnh nhân. Tại Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi Nghệ An, một cành đào lớn cũng đã được cắm lên giữa văn phòng khoa, rồi bánh kẹo, mứt tết, cả những phong bao lì xì cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng để các bệnh nhân và y, bác sỹ đón Tết.

Trung tâm Công tác xã hội - Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An sẽ hỗ trợ nơi ăn, ở cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thuộc diện hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa, thương - bệnh binh và gia đình liệt sỹ đang điều trị tại các bệnh viện ở Tp Vinh. Các bệnh nhân và người nhà được hỗ trợ nơi ăn, ở từ ngày 28 Tết đến ngày mùng 10 tháng Giêng tại Nhà an dưỡng tỉnh Nghệ An.

“Trong thời khắc giao thừa, lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa và kíp trực sẽ tổ chức đi chúc Tết, tặng quà, thăm hỏi các bệnh nhân để họ đỡ tủi thân hơn khi phải đón Tết trong bệnh viện. Bên canh chuẩn bị cho bệnh nhân đón Tết, toàn bộ kíp trực phải căng mình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn vì thoe kinh nghiệm của tôi, vào dịp Tết, nhất là khi trời đột ngột trở lạnh như năm nay thì có khả năng lượng bệnh nhi nhập viện vào dịp Tết sẽ cao”, bác sỹ Nguyễn Thanh Khôi cho biết thêm.

Kế hoạch chúc Tết, tặng quà, thăm hỏi các bệnh nhân nghèo đón Tết cũng đã được lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An chuẩn bị chu đáo để các bệnh nhân được hưởng không khí ấm cúng của thời khắc đón chào năm mới.

Hoàng Lam